Cần mở rộng đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý
(Baonghean.vn) - Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) cần được mở rộng đối tượng được nhận trợ giúp pháp lý, để người dân được hưởng và tiếp cận với pháp lý nhiều hơn.
Đây là nội dung trọng tâm tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức sáng 13/4 dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.
Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Hội nghị ghi nhận 12 ý kiến đóng góp cho Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Ảnh: Mỹ Nga |
Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, đây là một trong những bộ luật rất quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam, nếu không làm một cách thận trọng, đúng đắn, phù hợp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng chục luật khác. Do đó, việc sửa đổi bộ luật cần phải thận trọng, tránh tình trạng sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn còn những sai sót, bất cập, không áp dụng được trong thực tế.
Các đại biểu tham đóng góp ý kiến bổ sung vào các điều khoản của Dự thảo Luật. Trong đó, điều 7 quy định về người được trợ giúp pháp lý được các đại biểu quan tâm nhiều nhất.
Đại biểu Nguyễn Thị Hường, đại diện Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An cho rằng, theo nguyên tắc, những người được trợ giúp pháp lý là những người yếu thế trong xã hội, cần được trợ giúp. Nhưng tại khoản 5, điều 7 với quy định “người được trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo” vẫn còn chưa hợp lý.
“Ví dụ, trong một phiên toà hình sự, bị cáo và bị hại đều là hộ cận nghèo. Nhưng theo luật quy định, chỉ người bị buộc tội mới được hưởng trợ giúp pháp lý. Như vậy, dễ dẫn đến tình trạng không công bằng” - vị đại diện Toà án nhân dân tỉnh nói.
Do đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Hường nên mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý. Theo đó, tất cả những người thuộc hộ cận nghèo đều có quyền được hưởng trợ giúp pháp lý.
Các luật sư tư vấn cho người dân tại Văn phòng Trợ giúp pháp lý miễn phí Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Hải Khiêm, đại diện Công an tỉnh Nghệ An, tại mục 6, điều 7, bản thân những người như trẻ em, người già, người khuyết tật, người cao tuổi, người nhiễm chất độc hoá học… là những người yếu thế hay chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Cho nên đây là những đối tượng đương nhiên được hưởng trợ giúp pháp lý, chứ không cần phải có điều kiện “có khó khăn về tài chính”. Ý kiến này được đa số các đại biểu tán thành.
Vị đại diện này còn cho biết thêm, về quy định “người có công với cách mạng là người được trợ giúp pháp lý, chưa cụ thể. Cần bổ sung chặt chẽ “người có công với cách mạng” theo quy định của pháp luật về người có công.
Đại biểu Nguyễn Duy Việt, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị bổ sung vào trong dự thảo bổ sung một số đối tượng cần được trợ giúp pháp lý như: nhóm người bị ảnh hưởng về nhận thức. Vì khả năng về pháp lý như sử dụng các quyền và nghĩa vụ, hiểu biết pháp luật bị hạn chế. Đây là đối tượng cần được bảo trợ nhiều nhất.
Hoạt động trợ giúp pháp lý của đoàn luật sư Nghệ An tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu |
Liên quan đến việc mở rộng đối tượng người trợ giúp pháp lý, một số đại biểu khác cũng đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng như: đối tượng thuộc bảo trợ xã hội, người mất năng lực hành vi dân sự; người mới ra tù…
Một số vấn đề khác được các đại biểu quan tâm như: tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước; lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý, nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý; quyền của người được trợ giúp pháp lý; nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý…
Kết thúc hội nghị, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Văn Mão ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng thời các ý kiến góp ý này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới./
Mỹ Nga