Cần tạo thuận lợi cho các cảng cá hoạt động hiệu quả

Hoàng Vĩnh 05/11/2020 11:05

(Baonghean.vn) - Hệ thống cảng cá ở Nghệ An (gồm các cảng cá Lạch Vạn, Cửa Hội, Quỳnh Phương, Lạch Quèn) được đầu tư nâng cấp, mở rộng và việc làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động dịch vụ nghề cá đã giúp cho tàu thuyền ra khơi thuận lợi, giúp ngư dân làm ăn có hiệu quả, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư trường...

Cảng cá Cửa Hội là 1 trong 4 cảng cá ở Nghệ An được đầu tư hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ, gồm: Cầu tàu, nhà phân loại hải sản, bến nghiêng, hệ thống điện 1220 KVA, hệ thống cung cấp nước ngọt và các công trình phụ trợ khác... Nhờ đó, đáp ứng cho đội tàu trong tỉnh và ngoại tỉnh ra, vào cảng.

Nhộn nhịp bến cá mới Quỳnh Phương. Ảnh: Hồ Long

Cùng với đó, là cả chuỗi cung ứng hậu cần nghề cá, như: Các kho cấp đông, bảo quản lạnh (với 7 tổ chức, cá nhân có tổng công suất 324 tấn); cửa hàng xăng, dầu; xưởng sản xuất đá 75 tấn/ngày. Ông Nguyễn Đình Thi – Cảng trưởng Cảng cá Cửa Hội cho biết: “Với quy mô hoạt động lớn như vậy và lượt tàu ra, vào cảng là rất nhiều. Nhưng trong quá trình hoạt động, Cảng cá Cửa Hội gặp không ít khó khăn do thiếu biên chế, nhân lực. Hiện tại, Cảng cá Cửa Hội chỉ có 5 người, trong đó, 1 biên chế và 4 hợp đồng lao động dài hạn, ngắn hạn. Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, rất cần các cấp, ngành liên quan quan tâm tháo gỡ kịp thời vấn đề này”.

Thiếu biên chế, nguồn lực lao động hiện đang ảnh hưởng đến quá trình hoạt động tại 4 cảng cá ở Nghệ An. Hiện nay, Chính phủ, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Do đó, cảng cá phải thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ mới nên số lượng biên chế, nhân lực chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay, toàn Ban Quản lý cảng cá Nghệ An có 32 cán bộ, viên chức, nhân viên, trong đó, 13 biên chế, 19 hợp đồng lao động không xác định thời hạn, được bố trí tại 6 bộ phận: Văn phòng ban, Cảng cá Cửa Hội, Cảng cá Lạch Vạn, Cảng cá Lạch Quèn (gồm bờ Bắc và bờ Nam) và Cảng cá Quỳnh Phương.

Nguồn nhân lực như vậy lại đảm nhận khối lượng công việc nhiều và đặc thù của đơn vị quản lý cảng cá, là phần lớn cán bộ, viên chức phải phục vụ 24/24h để giải quyết các nhu cầu ra, vào cập cảng của tàu thuyền, phương tiện bộ, cấp điện, nước và vệ sinh cảng cá, giữ gìn an ninh, trật tự… kiểm tra, kiểm soát tàu cá vào, ra cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, thu nhật ký khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải và báo cáo khai thác của ngư dân…

Mặc dù hệ thống cảng cá được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhưng hạ tầng kỹ thuật tại các cảng cá là chưa đồng bộ và trong quá trình hoạt động, một số công trình xuống cấp, nhưng kinh phí cấp chưa đáp ứng được nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, cơ sở hạ tầng cảng cá, trong khi rất nhiều hạng mục đã không đáp ứng nhu cầu hoạt động.

Hải sản của ngư dân sau những chuyến ra khơi. Ảnh TL

Tại Cảng cá Lạch Quèn, có 488 tàu, nhưng tàu thuyền vào cảng cá ít do ở phía Nam cảng, chỉ có 1 cầu tàu dài 50m chỉ đủ cho 2 tàu cá cập/lượt, ở phía Bắc cảng chỉ có 1 bến nghiêng thiết kế cho tàu cá 60 CV. Trong khi đó, tàu cá vùng Lạch Quèn có công suất đa số từ 400 CV trở lên, cảng lại chưa được nâng cấp, mở rộng nên phần lớn tàu cá phải đi tìm nơi khác để bốc dỡ hải sản.

Hay tại Cảng cá Lạch Vạn, có 657 chiếc, trong đó có 387 chiếc dưới 90 CV làm nghề giã cào gần bờ, sản lượng thấp, cảng lại cạn không đủ độ sâu cho tàu cá trên 90 CV vào, ra được (270 chiếc). Mặt khác, Cảng cá Lạch Vạn chủ yếu là tàu cá của xã Diễn Ngọc vào, còn các tàu cá các xã khác ít vào cảng. Cảng cá Lạch Vạn đóng trên địa bàn xã Diễn Ngọc có chiều dài bến cảng là 170m. Chiều dài bến cảng ngắn, diện tích khu tập kết hải sản nhỏ so với nhu cầu số lượng tàu cá.

Ông Nguyễn Văn Trung – Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Nghệ An cho biết: "Với mục tiêu phấn đấu cảng cá trở thành cụm công nghiệp - dịch vụ chuyên ngành, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao, Ban đã đề ra một số giải pháp cụ thể, đó là tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế và lao động, rà soát, bố trí lao động hợp lý bố trí ở các bộ phận; xin cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế viên chức và hợp đồng lao động để có đủ người làm việc, vì hiện nay đơn vị đang thiếu nhân lực trầm trọng; sắp xếp, bố trí lại một số vị trí cần thiết trong công việc đáp ứng tốt với nhiệm vụ công tác trong thời điểm hiện nay. Ngoài ra, tiếp tục đổi mới phương pháp quản lý, phối hợp hỗ trợ giữa các đơn vị, các cơ quan, địa phương có cảng cá. Cải tạo, duy tu cơ sở vật chất cũ, bổ sung cơ sở vật chất mới cần thiết. Đẩy mạnh công tác phát triển nguồn thu, kêu gọi các tổ chức, cá nhân vào đầu tư hoạt động trong cảng…".

Mới nhất
x
Cần tạo thuận lợi cho các cảng cá hoạt động hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO