Càng được tôn vinh, càng phải nêu cao trách nhiệm

Mỹ Hà 20/11/2022 15:50

(Baonghean.vn) - Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là ngày để các thế hệ học trò, không kể ở vị trí hay ở độ tuổi nào tri ân các thầy giáo, cô giáo. Đó là một nét văn hóa rất sâu sắc và đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, là một truyền thống quý báu đã được duy trì qua rất nhiều thế hệ.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề đội ngũ nhà giáo và những nhiệm vụ đặt ra của thầy giáo, cô giáo trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

P.V: Thưa GS.TS Thái Văn Thành, ngày 20/11 đã trở thành một ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vậy, với những người làm thầy giáo, cô giáo, ngày lễ này có ý nghĩa như thế nào. Ông nghĩ gì về truyền thống tôn sư trọng đạo của người dân Việt Nam?.

GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành: Từ năm 1982, theo đề nghị của ngành Giáo dục, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó, có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 20/11 được xem là ngày lễ nhằm tôn vinh, biểu dương các thầy giáo, cô giáo và những người làm giáo dục, góp phần củng cố lòng yêu nghề của các thầy, cô giáo. Đây cũng là dịp để ngành Giáo dục nhìn lại và đánh giá hiệu quả của các hoạt động giáo dục và đưa ra các giải pháp cho những giai đoạn tiếp theo để góp phần đưa sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành khen thưởng cho những nhà giáo tiêu biểu của tỉnh Nghệ An nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Phạm Bằng

Năm 2022, Ngày Nhà giáo Việt Nam càng có nhiều ý nghĩa bởi chúng ta kỷ niệm 40 năm ngày lễ của ngành. Việc cả xã hội cùng quan tâm đến ngày lễ này còn thể hiện truyền thống của người Việt Nam, ăn quả nhớ người trồng cây, truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học. Chính điều này đã hun đúc lòng yêu nghề, sự tâm huyết của đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Sự nghiệp trồng người rất gian nan, vất vả nhưng cũng rất vẻ vang, được xã hội ghi nhận và tôn vinh. Vì vậy, có thể so với ngành nghề khác, lương và thu nhập của nghề giáo không cao, nhưng đã chọn nghề giáo thì hầu hết các thầy, cô giáo đều đam mê và say sưa với công việc đem trí thức truyền tải cho học trò và hình thành nên nhân cách cho thế hệ trẻ, cho tương lai của đất nước.

Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là ngày để các thế hệ học trò, không kể ở vị trí hay ở độ tuổi nào tri ân các thầy giáo, cô giáo. Đó là một nét văn hóa rất sâu sắc và đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, là một truyền thống quý báu đã được duy trì qua rất nhiều thế hệ.

Với ngành Giáo dục, Ngày Nhà giáo Việt Nam thực sự là ngày hội lớn của ngành. Từ đó, hun đúc tình cảm, nhiệt huyết cho đội ngũ thầy giáo, cô giáo, quên đi những vất vả, những mệt nhọc của công việc hàng ngày, của cuộc sống để vươn lên, để có trách nhiệm hơn, có tâm huyết hơn, có sự hy sinh to lớn hơn với các thế hệ học trò. Bản thân mỗi thầy, cô giáo cũng có ý thức để có trách nhiệm đóng góp cho ngành Giáo dục, cho thế hệ trẻ.

Giờ học Tin học của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên). Ảnh: Đình Tuyên

P.V: Nghệ An là một tỉnh lớn với đội ngũ thầy giáo, cô giáo gần 50.000 người. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của đội ngũ giáo viên tỉnh nhà. Đâu là dấu ấn nổi bật nhất của giáo viên xứ Nghệ?.

GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành: Nghệ An từ lâu đã có truyền thống “ông đồ xứ Nghệ”, nên từ phong kiến cho đến ngày nay, người dân Nghệ An vẫn luôn quan tâm đến sự học và xem đây là ưu tiên hàng đầu. Từ điều đáng quý này nên giáo viên Nghệ An được thừa hưởng nhiều truyền thống tốt đẹp của cha ông đi trước và họ có những cốt cách riêng. Đó là sự chịu khó, tận tụy với nghề, Do đó, trong quá trình làm việc có rất nhiều giáo viên giỏi, bản lĩnh, có cá tính riêng, hết lòng với học trò, nhưng cũng rất nghiêm khắc, rất độ lượng. Niềm mong mỏi lớn nhất của giáo viên, đó là tất cả học sinh đều là người tốt, là những công dân tốt, thành đạt.

Với những đặc điểm riêng này, nên tiếng nói của giáo viên Nghệ An rất uy tín, thể hiện được năng lực, trình độ, cốt cách, bản lĩnh và luôn thể hiện trách nhiệm và có tinh thần đóng góp cho sự phát triển của ngành. Đặc biệt, giáo viên Nghệ An rất chịu khó, tự học, tự bồi dưỡng, biết hy sinh... Nhờ những đức tính quý giá này, nên dù khó khăn, vất vả hay trước yêu cầu đổi mới, giáo viên Nghệ An đều có thể đáp ứng được.

Giờ học của học sinh Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương). Ảnh: Mỹ Hà

Những kết quả đã đạt được trong công tác tự học, tự bồi dưỡng cũng chính là thành tựu to lớn của ngành Giáo dục Nghệ An và họ tự tin và vững vàng khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên tỉnh nhà có rất nhiều giáo viên xuất sắc, không chỉ trong công tác dạy học mà còn trong nghiên cứu, thực hiện giáo viên toàn cầu, trong đổi mới, khởi nghiệp học sinh, sinh viên. Chính vì vậy, trong những năm qua, Nghệ An không chỉ giữ vững chất lượng giáo dục mũi nhọn mà còn thành công ở nhiều cuộc thi, nhiều sân chơi uy tín, nhiều giáo viên được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý. Điều này, cũng thể hiện thành quả xứng đáng của đội ngũ giáo viên tỉnh nhà, ghi nhận và tôn vinh cho những đóng góp của các giáo viên cho sự nghiệp đào tạo và giáo dục.

P.V: Thưa ông, bên cạnh những thành tích đã đạt được thì để xây dựng đội ngũ nhà giáo “vừa hồng, vừa chuyên”, đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 ngành Giáo dục Nghệ An sẽ có nhiều thách thức và khó khăn hơn nữa. Và để đáp ứng yêu cầu đó, các thầy, cô giáo sẽ có rất nhiều áp lực?

GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành: Thực hiện đổi mới thường kéo theo rất nhiều khó khăn, vì nó phải thay đổi những cái cũ, phải thay đổi từ trong nhận thức. Nếu có nhận thức, có quyết tâm thì việc triển khai mới thành công.

Tiết học Tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Ảnh: Mỹ Hà

Một trong những khó khăn hiện nay, đó là giáo viên phải tự học, tự bồi dưỡng mới có thể đáp ứng những yêu cầu. Ngành Giáo dục cũng đang phải đối diện với những khó khăn khi thiếu biên chế, thiếu giáo viên và đang phải thực hiện nhiều giải pháp để huy động đội ngũ giáo viên cùng tham gia giảng dạy, như hợp đồng giáo viên, bồi dưỡng ngắn hạn để có đủ giáo viên giảng dạy những môn học mới. Chúng ta cũng chia sẻ với các nhà trường khi hiện nay nhiều môn học như Tiếng Anh, Mỹ thuật ở tiểu học, ở bậc THPT vừa thiếu giáo viên, vừa thiếu nguồn tuyển và điều đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và quá trình thực hiện việc thay sách giáo khoa ở các nhà trường.

Tôi cũng chia sẻ với đội ngũ giáo viên, bởi trong bối cảnh hiện nay, người giáo viên phải chịu rất nhiều áp lực. Vì vậy, trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội, giáo viên không những chăm chút về chuyên môn, đòi hỏi giáo viên đã tâm huyết rồi, phải tâm huyết hơn, đã trách nhiệm rồi, phải trách nhiệm hơn và phải có sự hy sinh. Bên cạnh đó, giáo viên phải biết chia sẻ, gắn bó, quan tâm sâu sắc hơn đối với học trò, giúp các em có thể tiếp cận với Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, hướng đến những công dân toàn cầu, phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ.

P.V:Một trong những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập tại kỳ họp Quốc hội lần này là vấn đề tăng lương và phụ cấp cho đội ngũ giáo viên. Là đại biểu Quốc hội, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này, nhất là để giáo viên có thể yên tâm công tác, gắn bó với trường, với lớp?.

GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành: Tôi rất đồng tình ủng hộ và phấn khởi khi người tư lệnh đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ các thầy, cô giáo. Tôi cũng mong xã hội luôn quan tâm, ủng hộ cho quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để từng bước nâng cao đời sống vật chất, giúp các thầy, cô giáo an tâm trong sự nghiệp trồng người.

Niềm vui bên học trò của giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai. Ảnh: Mỹ Hà

P.V: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quý trọng và vinh danh các nhà giáo. Người đã từng nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng Huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Tuy nhiên, để làm một người thầy giáo tốt, được kính trọng, được yêu quý cũng không dễ dàng. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ông muốn gửi gắm gì đến các thế hệ nhà giáo của tỉnh nhà?.

GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành: Thay mặt ngành, tôi muốn bày tỏ sự biết ơn sâu sắc, tri ân đội ngũ các thầy, cô giáo đã hy sinh, tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm với sự nghiệp trồng người và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, giúp cho nhiều thế hệ học sinh xuất sắc và trưởng thành, thành đạt. Tôi cũng mong đội ngũ các thầy, cô giáo trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và trước yêu cầu đổi mới của giáo dục càng không ngừng nỗ lực, cố gắng để giúp cho ngành Giáo dục Nghệ An thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

P.V: Xin cảm ơn GS.TS Thái Văn Thành!.

Mới nhất

x
Càng được tôn vinh, càng phải nêu cao trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO