Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo tinh vi trên không gian mạng

Tiến Đông - 05/07/2023 14:55

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, sự ra đời các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã tạo điều kiện kết nối mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng đi kèm với những tiện ích, nhiều đối tượng lừa đảo với các thủ đoạn tinh vi đã xuất hiện…

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo thống kê của lực lượng chức năng, năm 2022, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra 35 vụ lừa đảo qua mạng Internet với 54 đối tượng tham gia, gây thiệt hại cho người dân từ 20-25 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn cũng đã xảy ra 17 vụ lừa đảo qua mạng với 26 đối tượng tham gia, gây thiệt hại từ 5-7 tỷ đồng. Theo đánh giá, các hình thức lừa đảo thông qua mạng Internet đang diễn ra ngày càng tinh vi, với những thủ đoạn và cách thức rất xảo quyệt, khiến cho người bị hại rất dễ mắc bẫy.

Điển hình ngày 26/12/2022, Công an xã Nghĩa Phúc (Tân Kỳ) đã kịp thời ngăn chặn 1 vụ lừa đảo với số tiền lớn. Theo đó, vào buổi sáng cùng ngày, bà L.T.H. - công dân xã Nghĩa Phúc nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0795320983 với nội dung thông báo bà có lệnh bắt của cơ quan điều tra Thành phố Hà Nội vì liên quan đến tội phạm rửa tiền. Sau đó, các đối tượng yêu cầu người phụ nữ này phải chuyển toàn bộ số tiền từ 3 sổ tiết kiệm có trị giá 571 triệu đồng qua ngân hàng để phục vụ công tác điều tra, phong tỏa tài khoản ngân hàng. Sau khi nhận cuộc gọi, bà H. đã đi đến ngân hàng chuẩn bị chuyển tiền cho các đối tượng. Rất may, trong quá trình mang 3 sổ tiết kiệm ra ngân hàng để rút tiền, bà H. nhớ ra đã được lực lượng Công an xã Nghĩa Phúc tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao nên đã vào trụ sở Công an xã Nghĩa Phúc để trình báo.

BNA_Ảnh chụp màn hình đối tượng lừa đảo _suýt_ lừa được 50 triệu đồng của mẹ chị Hoàng Thị Hồng Lam. Ảnh Tiến Đông.jpg
Đoạn tin nhắn của các đối tượng lừa đảo gửi cho mẹ của chị L. Ảnh: TĐ

Tại trụ sở Công an xã Nghĩa Phúc, cán bộ Công an xã đã trực tiếp nghe máy điện thoại của bà H. khi các đối tượng lừa đảo đang liên lạc thúc giục bà chuyển tiền. Qua trò chuyện, cán bộ Công an xã Nghĩa Phúc đã bóc trần được thủ đoạn của các đối tượng. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng Công an, rất có thể bà H. đã bị lừa mất 571 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Hồng L., trú tại xã Nghi Kim (TP.Vinh) kể lại: Vào ngày 15/5/2023, khi chị về nhà mẹ đẻ để đón con thì nghe tin mẹ mình đang chạy đi vay tiền khắp nơi để gửi vào số tài khoản mà em gái đang sinh sống ở Đức vừa nhắn. Nghĩ là lừa đảo, chị L. đã lấy máy điện thoại của mẹ để kiểm tra tin nhắn thì phát hiện, tài khoản Facebook của em gái đã bị mất. Đối tượng lừa đảo đã giả danh em gái nhắn tin cho mẹ nói rằng: “Mẹ ơi, có chị này muốn gửi 2.200 Euro về, con nhận với giá 50 triệu đồng, con gửi về cho mẹ thêm 10 triệu đồng, thành 60 triệu đồng”, khi được trả lời là mẹ không có đủ 50 triệu đồng tiền mặt và không có số tài khoản, đối tượng lừa đảo liên tục hối thúc mẹ chị L. đi vay và nhờ người chuyển giúp.

“Sau khi mẹ tôi đã gom được đủ tiền, đối tượng lừa đảo đã nhắn số tài khoản 1240201401053 của Ngân hàng Agribank mang tên Nguyễn Văn Quân để bà nhờ người chuyển vào. Rất may là tôi về kịp và phát hiện ra, nếu không thì đã chuyển mất 50 triệu đồng rồi”, chị L. chia sẻ.

BNA_Tờ rơi cảnh báo các hình thức lừa đảo được Công an huyện Tân Kỳ công bố cho người dân cảnh giác. Ảnh CSCC.jpg
Tờ rơi cảnh báo tình trạng lừa đảo được cơ quan Công an ban hành. Ảnh: CSCC

Cần nâng cao cảnh giác

Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, ngoài những chiêu thức cũ như chiếm đoạt tài khoản Facebook, Zalo… rồi nhắn tin cho bạn bè trong danh bạ để vay tiền, thì nay các đối tượng đã sử dụng những cách thức tinh vi hơn. Sau khi đã chiếm được quyền sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, các đối tượng lừa đảo đã tạo một đoạn video ngắn giả khuôn mặt của "khổ chủ" rồi gọi cho người thân trong danh sách bạn bè để vay tiền. Những cuộc gọi giả dạng này được xem là những cuộc gọi Deepfake. Đặc điểm của các cuộc gọi này thường là không có tiếng, chỉ có hình ảnh vài giây để gây tin tưởng đối với nạn nhân, sau đó, các đối tượng lấy cớ là mất sóng, sóng yếu không kết nối được nên chỉ có thể nhắn tin đề nghị chuyển khoản để xử lý công việc gấp. Đối với các cuộc gọi Deepfake, khuôn mặt người gọi thường thiếu cảm xúc, khá “đơ” khi nói, hoặc tư thế trông lúng túng. Do được tạo từ các phần mềm tạo ảnh động từ khuôn mặt nên không tự nhiên, khuôn mặt và cơ thể không nhất quán với nhau. Bên cạnh đó, màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng không đúng vị trí.

bna-lua-dao-4856.jpg
Một đối tượng lừa đảo qua mạng bị Công an huyện Thanh Chương phát hiện và bắt giữ. Ảnh: Tư liệu

Ngoài ra, hiện nay, các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng việc bán hàng trên mạng, đặt giá các món hàng hiệu như xe đạp, máy ảnh, hàng xách tay… có giá rẻ hơn giá thị trường rất nhiều. Nếu có khách mua hàng, chúng thường yêu cầu phải đặt cọc, số tiền có thể chỉ là 100.000 đồng đến 200.000 đồng, để đảm bảo. Khi khách hàng chuyển tiền đặt cọc thì các đối tượng liền chặn Facebook, Zalo. Vì số tiền không lớn, trong khi không biết được đối tượng lừa đảo nên nhiều khách hàng đành tặc lưỡi. Dù là số tiền nhỏ, nhưng nếu lừa được nhiều người, số tiền mà các đối tượng lừa đảo thu được cộng lại sẽ rất lớn.

Sau khi các chiêu trò “vay tiền”, giả danh cơ quan tố tụng không còn hiệu quả, các đối tượng lừa đảo lại nhắm đến nạn nhân là những người kinh doanh nhỏ lẻ, hộ kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn… thông qua cách gọi điện đặt phòng, đặt bàn ăn, sau đó, yêu cầu những loại rượu tây, thực phẩm hiếm mà cơ sở kinh doanh đó rất khó đáp ứng. Khi đó, chúng sẽ giới thiệu đến một cơ sở kinh doanh giả mạo nào đó để cung cấp các loại rượu hay thực phẩm nói trên, đồng thời, yêu cầu chuyển tiền đặt cọc mới giao hàng. Nếu người nào không cảnh giác thì sẽ chắc chắn bị lừa.

BNA_tuyên truyền.JPG
Thời gian qua, lực lượng Công an các cấp đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo người dân không mắc bẫy trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Tiến Đông

Trước tình trạng lừa đảo công nghệ cao ngày càng gia tăng, thời gian gần đây, cơ quan Công an tỉnh Nghệ An đã liên tục phát cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp, hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo, tránh rơi vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo./.

Mới nhất
x
Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo tinh vi trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO