Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta

Phùng Kim Lân 07/07/2021 15:53

(Baonghean.vn) - Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, gần đây thêm nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị bị khởi tố, điều tra và áp dụng các biện pháp xử lý theo nguyên tắc của Đảng, quy định của pháp luật. Lợi dụng việc này, các thế lực thù địch, phản động lại rêu rao xuyên tạc rằng đó là “cuộc đấu đá nội bộ”, “thanh toán nhau” giữa các phe nhóm... Đây là những giọng điệu rất nguy hiểm hòng phủ nhận thành công của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kích động chia rẽ đoàn kết trong nội bộ ta.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là tất yếu

Cần nhất quán rằng, trong xã hội có phân chia giai cấp, có nhà nước, sự tồn tại của tham nhũng là tất yếu. Trên thực tế, bóng ma tham nhũng bao phủ khắp toàn cầu. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, tham nhũng còn làm băng hoại đạo đức, lối sống xã hội; làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng cầm quyền và chế độ xã hội. Do đó, mỗi quốc gia, dân tộc muốn phát triển; mỗi đảng muốn khẳng định vai trò nắm quyền lãnh đạo; mỗi chế độ muốn khẳng định sự bền vững thì tất yếu phải đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng là rất rõ ràng. Ở Việt Nam, tham nhũng được xác định là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”, là 1 trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Chủ trương đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp cách mạng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc chứ không phải do ý muốn chủ quan, vì lợi ích của cá nhân ai, hay nhóm người nào.

Phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Thực tế đã cho thấy, đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam được tiến hành dân chủ, khách quan, minh bạch, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và “đã trở thành phong trào, xu thế” được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Kết quả điều tra dư luận xã hội của cơ quan chức năng cho thấy, tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đảng ta cũng xác định: phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài; gặp vô vàn khó khăn, phức tạp... do vậy cần phải làm thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ và đây là sự nghiệp của toàn dân.

Tại Đại hội XIII, khi xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Đảng ta tiếp tục khẳng định quyết tâm và đề ra nhiều chủ trương, giải pháp căn bản, quyết liệt đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó nhấn mạnh: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Kết quả đấu tranh chống tham nhũng là không thể phủ nhận

Thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương trên, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt trong những năm gần đây, cuộc chiến chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần ổn định chính trị, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, cơ quan chức năng cho biết, tính từ năm 2013-2020 đã có 131.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng. Cũng từ năm 2013 đến năm 2020, đã có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý do liên quan đến tham nhũng. Từ năm 2013 đến 2020, các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra truy tố xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự.

Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế tống đạt các quyết định khởi tố bị can liên quan đến sai phạm ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành. Ảnh tư liệu

Những thông tin trên cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán từ Trung ương tới cơ sở. Hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm tra của Nhà nước được tăng cường. Nhiều sai phạm đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh, góp phần siết chặt nguyên tắc, kỷ luật của Đảng; Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là những vụ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận, được chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, kịp thời và nghiêm minh có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả.

Song hành với tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, Đảng và Nhà nước đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng... Những kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao, phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Chủ động đấu tranh với những luận điệu sai trái

Chúng ta không phủ nhận bên cạnh nhiều kết quả quan trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên một số lĩnh vực, tại một số bộ, ngành, địa phương hiệu quả chưa cao, vẫn còn những dấu hiệu diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, gây không ít những bức xúc trong dư luận.

Mặc dù đã được kiềm chế, nhưng những năm tới, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; diễn biến tình hình còn phức tạp, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, với những quy mô và tính chất, mức độ khác nhau.

Để khắc phục những tồn tại đó, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp. Một trong những nội dung chúng ta không thể xem nhẹ là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng. Theo hướng đổi mới, đa dạng hóa về hình thức, phương pháp, công tác tuyên truyền giáo dục cần tập trung khẳng định, làm lan tỏa sâu rộng những kết quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó là tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, đặc biệt là phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, điển hình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Công tác tuyên truyền phải hướng mạnh vào quán triệt, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là quan điểm lấy “xây” để “chống”, gắn chặt cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tạo sự thống nhất cả trong nhận thức, quyết tâm và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Lợi dụng việc Đảng ta đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm gây chia rẽ nội bộ.
Lợi dụng việc Đảng ta đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm gây chia rẽ nội bộ.

Đồng thời cần phát huy sức mạnh, vai trò đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Không chỉ phát hiện, đưa ra ánh sáng các vụ việc, hành vi tham nhũng, báo chí, truyền thông cần phát huy tốt hơn nữa vai trò cung cấp kịp thời thông tin chính thống, tạo dư luận và định hướng dư luận về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là những vụ việc, vấn đề nhạy cảm, phức tạp.

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay các thế lực thù địch mưu toan lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng; bôi nhọ, nói xấu làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước nói chung và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng. Trách nhiệm của công tác tuyên truyền, giáo dục nói chung; của báo chí, truyền thông nói riêng là phải làm cho nhân dân nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn ấy, từ đó nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá của các thế lực thù địch. Lãnh đạo các cơ quan báo chí cần nhận thức rõ, đây là trách nhiệm chính trị, quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng.

Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO