Câu chuyện hy hữu về đám cưới của hai liệt sỹ ở Nghệ An

Công Kiên - Đình Tuyên

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đám cưới, hay còn gọi lễ thành hôn là chuyện bình thường của những người đang sống, thường là kết quả quá trình tìm hiểu, yêu đương của đôi nam - nữ. Nhưng đám cưới của hai người đã khuất là chuyện thực sự kỳ lạ và hiếm hoi. Vậy mà, ở Nghệ An cách đây chưa lâu đã diễn ra đám cưới của hai liệt sỹ khiến cho bao người xúc động, bồi hồi.

Ông Nguyễn Hữu Tường kể về đám cưới của 2 liệt sỹ. Clip: Đình Tuyên - Công Kiên

“Tuổi xuân để lại Đò Vàng ngàn thu…”

Về xã Nam Sơn (Đô Lương), khách thường được bà con nơi đây kể về một đám cưới kỳ lạ, đám cưới của hai liệt sỹ hy sinh từ 50 năm trước. Cô dâu là Nguyễn Thị Diện (SN 1947), sinh ra và lớn lên ở Nam Sơn. Chú rể là Đặng Văn Cự (SN 1946), quê ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang).

Sinh ra ở hai miền quê nhưng anh chị có duyên công tác cùng đơn vị và cùng hy sinh trên chuyến đò vượt sông Đò Vàng (Quảng Bình). Để rồi, nửa thế kỷ sau, thân nhân, gia đình của hai liệt sỹ tìm được nhau và quyết định tổ chức đám cưới cho hai người đã khuất.

Ông Nguyễn Hữu Tường bên di ảnh chị gái - liệt sỹ Nguyễn Thị Diện. Ảnh: Đình Tuyên
Ông Nguyễn Hữu Tường bên di ảnh chị gái - liệt sỹ Nguyễn Thị Diện. Ảnh: Đình Tuyên

Chúng tôi về xóm 2, xã Nam Sơn, tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Tường (em trai liệt sỹ Nguyễn Thị Diện) với mong muốn được biết rõ nguồn cơn của câu chuyện về đám cưới của hai liệt sỹ. Mắt rưng rưng, ông Tường cố nén nỗi xúc động: “Đám cưới chị Diện và anh Cự được tổ chức đầu tháng 4 vừa rồi. Đằng sau đó là cả một câu chuyện dài gắn với hành trình đi tìm hài cốt của người ngã xuống…”.

Lặng đi một lúc, bỗng nhiên ông Tường đọc lên mấy câu thơ trong bài “Hành trình tìm mộ chị” do ông sáng tác: “Người xưa qua đã vội vàng/Tuổi xuân để lại Đò Vàng ngàn thu/Trời chiều mây trắng, sương mù/Hanh heo gió thổi vù vù bên tai/Dặm trường biết mấy chông gai/Em đi tìm chị lấy ai cậy nhờ?...”.

Đúng như lời ông Nguyễn Hữu Tường, câu chuyện rất dài, đi qua nửa thế kỷ và trải rộng từ Nghệ An vào Quảng Bình và ra tận “xứ vải” Bắc Giang. Năm 1968, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, cô gái Nguyễn Thị Diện gác lại việc học hành, tạm biệt gia đình để tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, hoạt động ở vùng rừng núi tỉnh Quảng Bình.

Ông Nguyễn Hữu Tường và người cháu họ bên kỷ vật của liệt sỹ Nguyễn Thị Diện. Ảnh: Công Kiên

Ông Nguyễn Hữu Tường và người cháu họ bên kỷ vật của liệt sỹ Nguyễn Thị Diện. Ảnh: Công Kiên

Một thời gian sau, chị Diện được chuyển sang Công ty Đường sắt 769, địa bàn hoạt động ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Tại đây, chị Diện gặp và đem lòng yêu thương anh Đặng Văn Cự, hơn chị 1 tuổi, công tác cùng đơn vị. Trong thư gửi bố mẹ và các em, chị Diện kể nhiều về người con trai “xứ vải” Hà Bắc và hẹn một thời gian ngắn nữa sẽ đưa về ra mắt hai bên gia đình rồi tổ chức đám cưới.

Nhưng rồi, sáng 29/12/1972, anh Cự và chị Diện cùng đi trên chuyến đò vượt sông Đò Vàng, bất ngờ máy bay Mỹ ập đến ném bom. Con thuyền chòng chành, chao đảo rồi chìm xuống đáy sông, anh Cự và chị Diện bị cuốn theo dòng nước xiết…

Buổi chiều, đơn vị phối hợp với người dân địa phương tổ chức tìm kiếm và vớt được xác của anh và chị ở đoạn sông phía dưới và mai táng bên bờ… Từ đó, hai ngôi mộ được gia đình anh Nguyễn Phong Vũ (gia đình chị Diện ở nhờ trong thời gian làm nhiệm vụ) chăm sóc hương khói.

Đám cưới đặc biệt ở làng quê

Trở lại với gia đình ông Nguyễn Hữu Tường, nhận được giấy báo tử của chị Nguyễn Thị Diện, người thân đều suy sụp tinh thần, nỗi đau tưởng chừng không thể nguôi ngoai. Nhất là với bố, mẹ chị Diện, nỗi đau và thương nhớ con gái khắc khoải đến lúc rời bỏ cuộc đời.

Vẫn biết mộ chị đang ở nơi “đất khách, quê người” nhưng cuộc sống còn khó khăn, vất vả, các em chưa có điều kiện vào thăm nom. Cho đến năm 1994, khi đã nghỉ hưu, ông Tường quyết tâm lên đường vào Quảng Bình tìm mộ chị. Hành trình tìm mộ của ông Tường có những sự việc và chi tiết khá ly kỳ, thực sự khó lý giải theo cách thông thường.

Tham gia công tác, chị Nguyễn Thị Diện được cấp trên nhiều lần khen thưởng. Ảnh: Đình Tuyên

Tham gia công tác, chị Nguyễn Thị Diện được cấp trên nhiều lần khen thưởng. Ảnh: Đình Tuyên

Có thể diễn tả ngắn gọn hành trình của ông Nguyễn Hữu Tường: Lên tàu, rời ga Vinh vào Quảng Bình, đến phía Bắc cầu Đò Vàng được nhà tàu đặc cách xuống quãng giữa hai nhà ga. Xuống tàu, ông Tường được người gác đường tàu hướng dẫn về Huyện đội Tuyên Hóa và may mắn được gặp ông Nguyễn Phong Vũ, người hơn 20 năm chăm sóc mộ chị Diện và anh Cự.

Hồi chị Diện ở cùng gia đình, ông Vũ đang học lớp 6, khi ông Tường tìm gặp là cán bộ Huyện đội. Ông Vũ cho hay hơn 20 năm qua bản thân và gia đình luôn chăm sóc hương khói cho chị Diện và anh Cự, xem anh chị như thành viên trong gia đình. Cách đó 1 năm, ông đã báo tin để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình tổ chức quy tập hài cốt về nghĩa trang, nhưng Sở chưa báo lại là đã an táng tại nghĩa trang nào.

Ông Tường lại tất tả vào thành phố Đồng Hới, tìm đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình và may mắn được nhiều người giúp đỡ, cuối cùng tìm thấy mộ chị Diện tại Nghĩa trang phường Hải Thành, bên cạnh là mộ anh Đặng Văn Cự.

“Không thể kể hết nỗi xúc động và niềm vui khi tìm thấy mộ chị sau bao ngày gian nan, vất vả. Dưới ngôi mộ là xương cốt của chị nhưng tôi có cảm giác như mình được gặp chị bằng xương, bằng thịt như ngày chị cất bước lên đường…”, ông Tường tâm sự.

Hai gia đình làm lễ trước mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Cự và Nguyễn Thị Diện trước khi tổ chức lễ cưới. Ảnh: GĐCC

Hai gia đình làm lễ trước mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Cự và Nguyễn Thị Diện trước khi tổ chức lễ cưới. Ảnh: GĐCC

Đầu năm 2022, ông Nguyễn Sỹ Hồ, nhà giáo nghỉ hưu ở Bình Dương dành thời gian đi khắp các nghĩa trang giúp các gia đình liệt sỹ tìm mộ người thân đã đăng thông tin về mộ phần liệt sỹ Đặng Văn Cự lên mạng xã hội. May mắn là gia đình liệt sỹ Cự đã đọc được và nhận ra phần mộ người người thân.

May mắn hơn nữa là gia đình nữ liệt sỹ Nguyễn Thị Diện cũng đọc được thông tin từ tài khoản Facebook của ông Hồ và liên lạc được với gia đình liệt sỹ Cự ở Bắc Giang. Kết nối được với nhau, hai gia đình quyết định tổ chức đám cưới cho hai liệt sỹ, điều 50 năm trước hai người đã dự định nhưng chưa thành đã phải ngã xuống vì bom đạn của kẻ thù.

Gia đình nhà trai từ Bắc Giang vào Nghệ An mang theo trầu cau, rượu, bánh phu thê để se duyên đôi lứa. Trước khi tổ chức đám cưới, hai gia đình vào Quảng Bình làm lễ báo trước phần mộ anh Cự và chị Diện. Một đám cưới đặc biệt diễn ra trong niềm xúc động của hai gia đình.

Đám cưới có cả xe hoa được làm bằng giấy nộm, cô dâu và chú rể cũng là hình nộm nhưng tất cả những người tham dự đều có cảm giác chị Diện và anh Cự đang hiện hữu đâu đây, đang ở rất gần, như đang nắm tay từng người để bày tỏ tấm lòng ân nghĩa.

“Tổ chức đám cưới và được ở bên nhau là ước nguyện thiêng liêng của chị Diện và anh Cự. Vì khi còn sống, anh chị đã có lời thề hẹn cùng nhau nhưng chiến tranh, bom đạn đã cướp đi tình yêu, tuổi thanh xuân và cuộc sống của anh chị. Vì thế, đám cưới đã được hai gia đình tổ chức một cách trọn vẹn, ở dưới suối vàng mong linh hồn anh chị được ngậm cười…”.

Ông Nguyễn Hữu Tường

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.