Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

24/06/2017 07:16

(Baonghean.vn) - Dành hơn 394,6 tỷ đồng tặng quà cho người có công; Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Chương trình hành động cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công; Phó Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh việc quản lý khoán thuế ở cơ sở;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Dành hơn 394,6 tỷ đồng tặng quà cho người có công

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017).

Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 400.000 đồng và 200.000 đồng.

Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017) là hơn 394,6 tỷ đồng. Khoản kinh phí này đã được bố trí trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2017.

2. Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2017 - 2020.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành Tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, nâng cao năng suất lao động, hoạt động hiệu quả, bền vững; giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng của đất nước, làm nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, xây dựng thành công hình ảnh một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.

3. Chương trình hành động cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đến năm 2020, bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Cụ thể, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 20 - 21% GDP; tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 84 - 85%, thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14 - 16%; tỷ trọng thu ngân sách trung ương từ 60 - 65%.

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 24 - 25% GDP. Trong tổng chi ngân sách nhà nước, chi đầu tư phát triển đạt khoảng 25 - 26%, chi thường xuyên dưới 64%, ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP.

4. Phó Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh việc quản lý khoán thuế ở cơ sở

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý khoán thuế của cơ quan thuế ở cơ sở, nhất là ở các thành phố, đô thị và cơ sở kinh doanh có quy mô lớn; có biện pháp chuyển mạnh các hộ kinh doanh lớn đang quản lý theo mô hình khoán sang nộp thuế theo kê khai và hạch toán kế toán theo quy định.

Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc thí điểm hóa đơn điện tử kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với người nộp thuế, nhất là với doanh nghiệp, siêu thị, khách sạn, nhà hàng lớn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thông tin, công khai trước công luận, báo chí về kết quả thanh tra, kiểm tra các nội dung báo chí phản ánh về thuế. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Đề án quản lý thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, mở rộng cơ sở thuế đối với kinh tế tư nhân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV/2017.

5. Hạn mức trả tiền bảo hiểm

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi.

Đối tượng áp dụng bao gồm: người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Theo quyết định, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2017.

6. Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm thiết lập hệ thống tổ chức, phân công trách nhiệm, cơ chế điều hành và phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó với sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân (sự cố); bảo đảm việc chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực cần thiết nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại về con người, môi trường và tài sản khi xảy ra sự cố; bảo đảm việc chỉ đạo, điều hành và chỉ huy ứng phó sự cố tuân theo nguyên tắc thống nhất, phân công cụ thể, chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế của sự cố.

Hệ thống tổ chức ứng phó sự cố cấp quốc gia bao gồm: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Sở chỉ huy hiện trường; các tổ chức tham gia ứng phó sự cố cấp quốc gia; các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật.

7. Có 2.139 xã vào diện đầu tư của Chương trình 135

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt 2.139 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 46 tỉnh vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.

Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư 2.103 xã của 44 tỉnh; ngân sách địa phương đầu tư 36 xã của 2 tỉnh: Quảng Ninh và Khánh Hòa.

Tỉnh có nhiều xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 là Cao Bằng 156 xã; Hà Giang 136 xã; Lạng Sơn 133 xã, Sơn La 118 xã, Lào Cai 104 xã; Điện Biên 103 xã, Thanh Hóa 100 xã, Hòa Bình 99 xã,...

Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 1/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016 hết hiệu lực kể từ ngày 20/6/2017.

8.Tăng cường sử dụng thuốc nội trong cơ sở khám chữa bệnh

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng cường sử dụng thuốc Việt Nam trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Trước đó, báo Tin tức ngày 12/5/2017 có tin "Tuyến y tế càng cao, tỷ lệ sử dụng thuốc nội càng thấp", trong đó phản ánh: Sau 4 năm triển khai Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại tuyến tỉnh đã đạt 35,4% nhưng ở các bệnh viện tuyến Trung ương mới chỉ đạt khoảng 10%.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng cường sử dụng thuốc Việt Nam trong các cơ sở khám chữa bệnh.

9. Phê duyệt chương trình Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và ATLĐ

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020 với tổng kinh phí thực hiện là 14.024 tỷ đồng.

Chương trình gồm 3 Dự án thành phần: Dự án 1- “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”; Dự án 2- “Phát triển thị trường lao động và việc làm”; Dự án 3- "Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động".

Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động, an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động.

10. Đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mục tiêu tổng quát mà Chương trình hướng tới là nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6,0%/năm; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha; năng suất rừng trồng bình quân đạt 20 m3/ha/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 8,0 đến 8,5 tỷ USD và duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO