Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng
(Baonghean.vn) - Nhiều chính sách phát triển ngành nghề nông thôn; Chuyển đổi hình thức đầu tư cầu Cửa Hội; Chính phủ chưa xem xét đề xuất dự án Luật thuế tài sản; Vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.
1. Nhiều chính sách phát triển ngành nghề nông thôn
Ảnh minh họa |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.
Nghị định quy định một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động theo quy định của pháp luật; các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định công nhận; các tổ chức, cá nhân có liên quan tới công tác quản lý ngành nghề nông thôn (cả trung ương và địa phương).
Theo Nghị định, 7 hoạt động ngành nghề nông thôn bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
2. Chuyển đổi hình thức đầu tư cầu Cửa Hội
Phối cảnh công trình cầu Cửa Hội. |
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh từ hình thức đầu tư BOT sang hình thức đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện các thủ tục triển khai dự án theo đúng quy định; thống nhất với 2 tỉnh về tiến độ bố trí từng nguồn vốn, đảm bảo quản lý sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và tiến độ triển khai dự án.
Dự án xây dựng công trình cầu Cửa Hội với tổng mức đầu tư khoảng 1.050 tỷ đồng. Tổng chiều dài cầu khoảng 6,2km, trong đó phần cầu dài 1,63km, phần đường dẫn 2 đầu cầu dài 4,57km; bề rộng cầu = 12m với 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và gờ lan can.
Công trình hoàn thành sẽ kết nối, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch, đảm bảo quốc phòng an ninh các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng; góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh, cải thiện hệ thống giao thông giữa hai bờ sông Lam, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Bắc Trung Bộ.
3. Chính phủ chưa xem xét đề xuất dự án Luật thuế tài sản
Ảnh minh họa |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 3543/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản.
Ngày 13/4/2018, Bộ Tài chính tổ chức họp báo và có công văn gửi các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, đồng thời gửi đăng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xin ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản, trong đó dự kiến thu thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và nhà ở...;
Việc Bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản là thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất chính sách để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chưa phải là xây dựng dự án Luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính, vì theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chỉ được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được Bộ Tư pháp thẩm định.
4. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng
Ảnh minh họa |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2018/NĐ-CPquy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.
Theo đó, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: không có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; không có kệ hoặc bao lót để xếp đặt phân bón thành phẩm; không thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu phân bón định kỳ trong 2 năm liên tiếp hoặc không thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không có phòng thử nghiệm được công nhận mà không có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất ra.
Đối với một trong các hành vi vi phạm: Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất phân bón không có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học; không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.
Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không lưu mẫu sản phẩn của từng lô phân bón xuất xưởng theo quy định về thời gian bảo quản mẫu lưu; không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm theo quy định về thời gian của từng lô phân bón sản xuất đã xuất xưởng; không có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương (trừ cơ sở mới thành lập chưa tròn 1 năm kể từ ngày thành lập; cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón).
Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng không đáp ứng quy trình công nghệ theo đúng đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Đối với một trong các hành vi vi phạm: Không thực hiện thử nghiệm đánh giá chất lượng của từng lô phân bón thành phẩm trước khi đưa phân bón ra lưu thông trên thị trường; không thực hiện thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ 25 - 30 triệu đồng.
5. Điều kiện thành lập Sở Giao dịch hàng hóa
Sở Giao dịch hàng hóa được thành lập phải có vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng trở lên. Ảnh minh họa - nguồn vtv) |
Theo đó, Sở Giao dịch hàng hóa được thành lập nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: 1- Vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng trở lên.
2- Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu về giải pháp công nghệ và kỹ thuật trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, cụ thể: Hệ thống máy chủ hoạt động ổn định và có tối thiểu một máy chủ dự phòng luôn ở trạng thái sẵn sàng trong trường hợp hệ thống chính xảy ra sự cố; hệ thống máy chủ đảm bảo sao lưu dữ liệu của các ứng dụng nghiệp vụ, dữ liệu giao dịch, đảm bảo khôi phục thông tin dữ liệu trong trường hợp phát sinh sự cố; phần mềm ứng dụng phải thực hiện các yêu cầu về quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; hệ thống phần mềm phải có chức năng nhật ký thao tác để lưu vết mọi giao dịch hàng hóa, thanh toán, giao nhận trong quy trình nghiệp vụ tối thiểu trong thời gian 5 năm; hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng, nếu có.
Nghị định cũng bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài có quyền tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam theo quy định sau: Nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ; nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa với tư cách khách hàng hoặc tham gia làm thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa (thành viên môi giới, thành viên kinh doanh) với tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không hạn chế; thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan.
6. Thay đổi thành viên BCĐ biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015).
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thay ông Nguyễn Thái Bình. Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính tham gia Ủy viên Ban Chỉ đạo thay ông Trương Chí Trung. Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tham gia Ủy viên Ban Chỉ đạo thay ông Nguyễn Khắc Định.
Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) được thành lập tại Quyết định số 97/QĐ-TTg ngày 21/1/2015. Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ phê duyệt đề cương, chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn, thẩm định và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015); các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp tư liệu, tài liệu và thông tin về tổ chức và hoạt động của Chính phủ khi Ban Chỉ đạo có yêu cầu; chỉ đạo Bộ Nội vụ tổ chức biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015).
7. Tăng cường cảnh báo, kiểm tra, giám sát, xử lý DN thua lỗ
Ảnh minh họa |
Xét báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan liên quan tăng cường cảnh báo; kiểm tra; giám sát và xử lý đối với các doanh nghiệp thua lỗ, có dấu hiệu mất an toàn về tài chính theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh: Bắc Giang, Bình Dương, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kiên Giang, Kon Tum, Lào Cai, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế rút kinh nghiệm việc không thực hiện báo cáo, báo cáo không đúng mẫu biểu theo quy định.
Các Bộ, cơ quan trên khẩn trương gửi báo cáo về Bộ Tài chính theo đúng quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.