'Chìa khóa' ngành giao thông nâng hiệu quả quản lý hạ tầng

13/04/2017 09:16

(Baonghean) - Đối với địa bàn rộng lớn, bị chia cắt như Nghệ An, thì công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý nhanh những sự cố trên tuyến, bảo vệ hành lang giao thông... luôn khó khăn đối với ngành Giao thông và các địa phương. Vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin được xem là “chìa khóa” để ngành GTVT Nghệ An tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả quản lý kết cấu hạ tầng giao thông.

Thời gian qua, Sở GTVT Nghệ An đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ. Đặc biệt là việc đưa vào sử dụng phần mềm Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông Mobiwork (nay là Govone).

Thi công tuyến đường nối đường N5 KKT Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương). Ảnh: Nguyên Sơn
Thi công tuyến đường nối đường N5 KKT Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương). Ảnh tư liệu

Đây là phần mềm có tính năng hỗ trợ đắc lực trong công tác thu thập thông tin tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, hỗ trợ công tác tuần đường, tuần kiểm bằng điện thoại thông minh, hoặc máy tính bảng, có thể giao việc, kiểm soát tiến độ, chất lượng công việc bảo trì đường bộ; phần mềm hỗ trợ thu thập thông tin, phục vụ quản lý kết cấu hạ tầng, nắm bắt được tình trạng đột xuất xảy ra trên tuyến để có thể xử lý kịp thời đảm bảo an toàn giao thông.

Chỉ bằng chiếc ipad đã cài ứng dụng phần mềm Govone đăng nhập bằng tài khoản đã được đăng ký, với một vài thao tác đơn giản, hiện trạng xuống cấp hư hỏng mặt đường cũng như vi phạm hành lang trên tuyến 48E đoạn qua huyện Nghi Lộc - Yên Thành được anh Nguyễn Hữu Đô - công nhân Hạt Giao thông Nghi Lộc cập nhật hình ảnh, hiện trạng. Số liệu ở hiện trường được cập nhật ngay và hiển thị trực quan trên bản đồ, kiến nghị phương án xử lý với Sở GTVT Nghệ An.

Cán bộ Ban quản lý vốn sự nghiệp Sở GTVT ứng dụng phần mềm Govone để quản lý kết cấu hạ tầng giao thông.
Cán bộ Ban quản lý vốn sự nghiệp Sở GTVT ứng dụng phần mềm Govone để quản lý kết cấu hạ tầng giao thông. Ảnh: Lê Thanh

Trước đây, những thông tin này phải mất 3 - 4 ngày mới đến được các bộ phận chức năng, sau đó mới có các hướng chỉ đạo khắc phục. Nhưng nay với việc ứng dụng phần mềm Govone ngay tại hiện trường chỉ với máy tính bảng được kết nối mạng, các công nhân tuần đường chỉ cần chụp ảnh, quay video gửi lên hệ thống thì thông tin sẽ được lãnh đạo Sở GTVT cập nhật tức thời, chỉ trong 5-10 phút, những hỏng hóc của đường, cầu cống sẽ được chỉ đạo xử lý. Như hiện tượng xe quá khổ, quá tải đang lưu thông trên các tuyến đường được cán bộ, công nhân các hạt giao thông phụ trách địa bàn chụp ảnh gửi lên hệ thống, lãnh đạo Sở GTVT cập nhật ngay thông tin.

“Những thông tin được cập nhật nhờ ứng dụng phần mềm Govone, nắm bắt được tình hình, chỉ đạo các đơn vị quản lý khắc phục, phân luồng giao thông. Phần mềm áp dụng đã giảm thiểu được con người, nâng cao chất lượng công trình hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế lấn chiếm hành lang giao thông, chống xe quá tải... Với một địa bàn rộng lớn như Nghệ An, khi áp dụng phần mềm này, những vấn đề cấp bách tại hiện trường có thể xử lý nhanh chóng” - Ông Trần Khắc Xuân - Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng của Sở GTVT cho biết.

Cầu Vượt được xây dựng giúp thay đổi diện mạo đường Đặng Thai Mai.
Cầu vượt được xây dựng giúp thay đổi diện mạo đường Đặng Thai Mai. Ảnh tư liệu

Rồi những năm trước, công tác thu thập thông tin, kiểm tra đường bộ chủ yếu bằng giấy, bút, bảng phấn kết hợp với sử dụng máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại, máy quay camera ghi chép lại hiện trường khiến thông tin bị rời rạc, khó quản lý, tổng hợp, không kịp thời. Vị trí thu thập tại thực địa thông qua lý trình ghi lại chưa thể hiện trực quan hóa trên bản đồ. Việc trao đổi thông tin giữa các bộ phận từ khâu kiểm tra tại thực địa, lập phiếu yêu cầu công việc đến giao việc cho đơn vị sửa chữa cũng như kiểm tra sau sửa chữa chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống, dẫn đến chất lượng công tác bảo trì đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Để giúp công tác thu thập, quản lý thông tin kiểm tra đường bộ có hiệu quả hơn, tháng 4/2015, Sở GTVT triển khai phần mềm Mobiwork, đến tháng 11/2016 phần mềm này được nâng cấp giai đoạn hai (nay gọi tên là Govone) bắt đầu sử dụng chính thức phiên bản mới từ 1/10/2016 phục vụ công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông. Việc nâng cấp phần mềm này đã giúp Sở GTVT cập nhật các tuyến đường huyện trên bản đồ giao thông, căn cứ vào các điểm giao cắt và cầu trên đường để xác định vị trí.

Đồng thời bổ sung chức năng dùng bản đồ và lấy lý trình offline khi máy điện thoại không có kết nối 3G hoặc wifi; xây dựng được hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hiển thị trên bản đồ phục vụ công tác quản lý tình trạng tài sản trên tuyến; giúp lãnh đạo Sở theo dõi công tác quản lý chất lượng công trình giao thông và thẩm định công trình giao thông; bổ sung bản đồ quản lý chất lượng công trình, quản lý công tác kiểm tra chất lượng thi công công trình.

Cầu Yên Xuân. Ảnh Phan Minh
Cầu Yên Xuân. Ảnh tư liệu

Nghệ An hiện có trên 8.530 km đường bộ bao gồm đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và cấp xã. Phạm vi quản lý rộng, địa hình phức tạp, thậm chí là dễ bị chia cắt khi có mưa, lũ xảy ra. Việc áp dụng phần mềm Govone đã khắc phục được những hạn chế này, đồng thời tạo được thông tin hai chiều: từ dưới lên và công tác chỉ đạo từ trên xuống một cách tiện lợi, chính xác; đáp ứng yêu cầu xử lý nhanh, đảm bảo tính chính xác, thông tin công việc được lưu trữ một cách an toàn, khoa học, dễ dàng tra cứu, giúp lãnh đạo Sở cũng như đơn vị chủ động trong quá trình theo dõi tiến độ thực hiện công việc, nâng cao chất lượng nghiệp vụ của đơn vị quản lý đường bộ.

Sau thời gian sử dụng đến nay, toàn bộ hệ thống cột km, biển báo, cầu, cống trên toàn bộ tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được các đơn vị thu thập đầy đủ. Cùng đó là hệ thống bản đồ số giao thông của Nghệ An cũng được cập nhật đầy đủ, chính xác theo hiện trạng quản lý, quản trình trên các tuyến đường, được định vị tự động thông qua vị trí GPS của đơn vị quản lý được lãnh đạo Sở giao nhiệm vụ triển khai sửa chữa; thanh tra giao thông kịp thời xử lý những hoạt động xe quá tải, quá khổ và lấn chiếm hành lang ATGT trong thời gian ngắn nhất; đồng thời rút ngắn thời gian, giảm bớt các thủ tục hành chính, nhân lực, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là những vấn đề cấp bách, sự cố đột biến tại hiện trường có thể xử lý nhanh chóng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Người dân đến cấp, đổi GPLX tại Sở GTVT sẽ lấy số thứ tự tự động có in hình ảnh của mình. Đây là giải pháp chống
Người dân đến cấp, đổi GPLX tại Sở GTVT sẽ lấy số thứ tự tự động có in hình ảnh của mình. Ảnh tư liệu

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT luôn chú trọng công tác quản lý hành lang ATGT, việc tuần tra, kiểm soát, phát hiện các vi phạm đã được tăng cường. Đặc biệt, Sở tham mưu xây dựng trình UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND về "Quy định một số biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, hè phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020". Nghệ An là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết này.

Công tác khắc phục bão lụt được chỉ đạo kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt. Đồng thời Sở cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra hướng dẫn công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống đường huyện, chỉ đạo phối hợp trong công tác đảm bảo giao thông các tuyến đường do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, Sở GTVT đang thực hiện quản lý, bảo trì 36 tuyến đường bộ với tổng chiều dài 1.737,5 km (so với năm 2015, tăng 60%). Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn như nguồn vốn thiếu, phương tiện vận tải tăng nhanh cả về số lượng và tải trọng,... nhưng do được tăng cường chỉ đạo, phối hợp nên đã khắc phục, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Lê Thanh

TIN LIÊN QUAN

'Chìa khóa' ngành giao thông nâng hiệu quả quản lý hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO