Chính sách Trung Quốc 'zic zac' của Tổng thống Trump gây bối rối cho các đồng minh

21/07/2017 14:32

(Baonghean.vn)- Tổng thống Mỹ có sự kiên nhẫn rất hạn chế và có thói quen thường xuyên thay đổi quyết định của mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo khó đoán định trong chính sách Đông Á. Hồi tháng 12 năm ngoái, trước khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã đưa ra quyết định chưa từng có tiền lệ khi chấp nhận cuộc gọi chúc mừng từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn – cuộc gọi đầu tiên kể từ khi Mỹ và Đài Loan có mối quan hệ ngoại giao căng thẳng năm 1979 như một điều kiện tiên quyết cho việc thành lập đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tiếp đó, sau cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 4 tại Florida giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người dường như trở thành người bạn mới tốt nhất của ông Trump, thì nhà lãnh đạo Mỹ lại tuyên bố ông mong muốn nói chuyện với ông Tập trước bất kỳ cuộc điện đàm nào với bà Thái. “Tôi thực sự cảm thấy rằng ông ấy đang làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để giúp chúng tôi giải quyết vấn đề lớn (ám chỉ Triều Tiên)”, ông Trump nói. “Do đó tôi không muốn gây khó khăn với ông ấy”.

Tổng thống Trump nghĩ rằng Chủ tịch Tập “là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, và tôi không muốn làm bất kỳ điều gì gây cản trở. Do đó chắc chắn tôi muốn nói chuyện với ông ấy trước tiên”.

Đáp lại, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết Đài Loan không có kế hoạch “vào thời điểm này” tiến hành cuộc điện đàm, và hiểu rằng Mỹ đặt ưu tiên giải quyết các vấn đề khu vực. Bà Thái trước đó cũng cho rằng mối quan hệ Mỹ-Đài đang được cải thiện. “Đài Loan có thể mua từ nhà cung cấp vũ khí duy nhất chiến đấu cơ F-35, máy bay tàng hình tân tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Chúng tôi có cơ hội liên lạc trực tiếp với chính quyền Mỹ”. Bà Thái cho biết. “Chúng tôi không loại trừ cơ hội điện đàm riêng với Tổng thống Trump, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào sự cần thiết của tình hình và sự cân nhắc của Washington trong các vấn đề khu vực”.

Các nước Đông Á quan ngại về việc tuần tra tự do trên biển Đông sau khi Bắc Kinh tăng cường quân sự hóa tại các đảo nhân đạo. Ảnh: AP
Các nước Đông Á quan ngại về việc tuần tra tự do trên biển Đông sau khi Bắc Kinh tăng cường quân sự hóa tại các đảo nhân đạo. Ảnh: AP

Quan ngại về việc Mỹ duy trì cam kết vững chắc với Đài Loan, đặc biệt khi ông Trump ngày 13/1 cho hay “mọi thứ đang được đàm phán, kể cả chính sách một Trung Quốc”, đã gia tăng. Nỗi lo sợ chính là việc ông Trump có thể cân nhắc thỏa hiệp với Bắc Kinh với cái giá phải trả là Đài Loan.

Trong thời đại Trump với tài ngoại giao “Nghệ thuật đàm phán”, dấy lên đồn đoán rằng một thỏa thuận thương mại thuận lợi hơn cho Trung Quốc có thể trở thành sự dụ dỗ để “gạ gẫm” Bắc Kinh hợp tác với Triều Tiên. Một nỗi sợ lớn hơn đó là an ninh của Đài Loan, một trong những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, có thể bị đánh đổi với tiến triển ngăn chặn hạt nhân của Triều Tiên.

Điều này có thể xảy ra bất chấp việc Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc điều trần công khai trước Thượng viện nhấn mạnh “người dân Đài Loan là bạn bè của Mỹ và không thể bị xem là một thứ để đổi chác. Cam kết của Mỹ với Đài Loan vừa là cam kết luật pháp vừa là cam kết đạo đức”.

Nhưng, sau đó, không lâu, ngày 20/6, Tổng thống Trump đã gần như mất kiên nhẫn. Mặc dù ông cảm ơn Trung Quốc trong nỗ lực giải quyết căng thẳng với Triều Tiên nhưng cho rằng Bắc Kinh đã thất bại. Và đến cuối tháng 6, Mỹ đã thành công trong thương vụ bán gói vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho Đài Loan, song song đó Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt trừng phạt lên Ngân hàng Dandong của Trung Quốc vì “hỗ trợ tài chính cho Triều Tiên”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington ra thông báo cho hay thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan “là sự can dự to lớn” vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Đài Bắc không phải người bạn duy nhất của Mỹ tại Đông Á bị “bối rối” trước chính sách của Mỹ trong thời đại Trump.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong chuyến thăm Washington vừa qua, tuyên bố sự kiên nhẫn chiến lược của Mỹ đối với Triều Tiên “đã kết thúc”. Tuy nhiên, ông Moon, người ủng hộ “chính sách Tia sáng” trong vấn đề Triều Tiên, dường như đồng thuận với chính sách ngoại giao mới nhất của người đồng cấp Trump.

 Giới chuyên gia nhận định cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Đài Loan không phải chiến thắng ngoại giao cho Đài Bắc. Ảnh: AP
Giới chuyên gia nhận định cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Đài Loan không phải chiến thắng ngoại giao cho Đài Bắc. Ảnh: AP

Ngày 1/5, chỉ 9 ngày trước khi ông Moon nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, ông Trump cho biết ông sẽ sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “trong hoàn cảnh thích hợp” và bày tỏ “tôi rất vinh dự”. Sau đó, ông Moon cũng tuyên bố: “Nếu điều kiện phù hợp, tôi sẽ tới Bình Nhưỡng”.

Nhưng ngoắt 1 cái, sau khi Triều Tiên phóng ICBM ngày 4/7, Tổng thống Trump đã thay đổi giọng điệu, và tuyên bố “thật khó để tin rằng Hàn-Nhật sẽ chịu đựng điều này lâu hơn nữa”. Như vậy có thể nhận ra cả hai lãnh đạo Mỹ-Hàn sẽ không “ăn bánh mì” tại Bình Nhưỡng (hay chia sẻ bát cơm) với Kim Jong-un trong thời gian tới.

Vấn đề cuối cùng mà đồng minh Đông Á quan ngại là việc tuần tra tự do trên biển Đông sau khi Bắc Kinh tăng cường quân sự hóa tại các đảo nhân đạo. Điều này vẫn tiếp tục ngay cả khi Trung Quốc thua trong vụ Philippines kiện nước này về vấn đề tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực rộng lớn tại biển Đông trước tòa trọng tài thường trực La Haye.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại có giọng điệu nhún nhường khi cho rằng “sẽ lùi lại ghế sau” nhằm khởi động lại các cuộc thương lượng song phương với Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines còn tuyên bố kế hoạch với Mỹ “tiến hành các cuộc tuần tra và diễn tập hải quân chung trên biển Đông đã bị hoãn”.

Ngày 29/4, cả hai nhà lãnh đạo Trump-Duterte không đề cập tới vấn đề biển Đông trong cuộc điện đàm- mặc dù đây là vấn đề đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu của Manila, cũng như là mối quan ngại chủ yếu cho đồng minh Washington. Thay vào đó, hai bên lại thảo luận chiến dịch trấn áp ma túy của ông Duterte cũng như mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Vấn đề Triều Tiên được nêu ra khiến nhiều chuyên gia khu vực bối rối bởi không giống Hàn-Nhật, Philippines cách xa Triều Tiên hàng trăm km.

Như vậy, với tất cả những “zic zac” trong chính sách Đông Á của chính quyền Trump trong những tháng cầm quyền đầu tiên, đặc biệt với các vấn đề liên quan tới các đối thủ khu vực của Trung Quốc, đã gây ra sự bối rối cho các nước đồng minh và sự “kinh ngạc” từ Trung Quốc.

Như vậy hy vọng sẽ càng xa rời khi cho rằng Trung Quốc sẽ giúp sức trong vấn đề Triều Tiên. Với thực tế Trung Quốc không có ý định “giải cứu” Mỹ khỏi mối đe dọa hạt nhân gia tăng của Bình Nhưỡng, thì một cách tiếp cận truyền thống hơn trong chính sách Đông Á có thể nổi lên trong những tháng sắp tới./.

Lan Hạ

(Theo National Interest)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Chính sách Trung Quốc 'zic zac' của Tổng thống Trump gây bối rối cho các đồng minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO