Cho thuê ruộng, nông dân Nghệ An thành công nhân hưởng lương

Thanh Phúc - Hoài Thu - 04/08/2023 06:41
(Baonghean.vn) - Khi đất được tích tụ, địa phương kêu gọi được doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất, nông dân đã trở thành công nhân trên chính đồng đất của mình. Công việc và thu nhập ổn định không chỉ mang lại cho họ kế mưu sinh bền vững mà còn níu giữ họ ở lại với quê hương, ruộng đồng.
bna_thuê 1.JPG
Nông dân xóm Quang Thái (Xã Trung Phúc Cường) trở thành công nhân trên chính đồng đất của mình. Ảnh: Thanh Phúc

Trước đây, chị Trần Thị Thuý (xóm Quang Thái, xã Trung Phúc Cường, Nam Đàn) có 2,5 sào đất nhận khoán của xã để canh tác. Đất cát bạc màu, trồng ngô, trồng lạc, trồng vừng… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Hết thời gian thầu, chị trả lại đất cho xã và đi làm công nhân may ở các nhà máy trong vùng. Song, như chị chia sẻ thì làm công nhân may khi tuổi đã cao, “cứng chân, cứng tay” nên năng suất làm việc không cao, sản phẩm ít nên thu nhập cũng bấp bênh, lại phải đi sớm về muộn, làm ca, kíp nên bỏ bê việc nhà.

Bắt đầu từ năm 2022, khi có doanh nghiệp về thuê đất 5% của xã để sản xuất nông nghiệp sạch với diện tích gần 15ha; để phục vụ sản xuất, doanh nghiệp thuê nhân công, hàng chục nông dân ở xóm Quang Thái được nhận vào làm. Công việc làm nông vốn đã quen tay, chịu khó, chăm chỉ nên các chị nhanh chóng thích nghi.

bna_thuê 4.JPG
Mỗi tháng, nếu đủ ngày công, mỗi người nhận được 6-7,5 triệu đồng tiền lương. Ảnh: Hoài Thu

“Cũng làm cỏ, cũng thu hoạch ớt, bắt ngọn sắn lên giàn, đánh luống, làm giàn… như trước đây vẫn làm cho ruộng nhà. Nhưng khác là, giờ mình là công nhân cho họ, làm ngày 8 tiếng, được trả lương theo tháng. Thu nhập ổn định và không lo chuyện được mùa, mất mùa. Đặc biệt, vẫn được gắn bó với ruộng đồng, với công việc nhà nông đã quen thuộc với mình mấy chục năm qua và vẫn chăm lo được việc nhà”, chị Thuý phấn khởi nói.

Không riêng gì chị Thuý mà hàng chục nông dân ở xóm Quang Thái đã trở thành công nhân trên chính đồng ruộng của mình. Mỗi ngày làm 8 tiếng, tiền công được trả với mức 200.000 - 250.000 đồng/ngày, làm gần nhà, thu nhập ổn định nên ai cũng phấn khởi.

bna_thuê.jpg
Nông dân xóm Phú Xuân, xã Trung Phúc Cường trở thành công nhân cho một doanh nghiệp trên địa bàn với mức lương 350.000 đồng/ngày. Ảnh: Hoài Thu

“Công việc ổn định, mỗi tháng ai chăm chỉ cũng đủ 30 ngày công, lĩnh lương 6-7,5 triệu/tháng, có thể nhận vào cuối tháng, theo tuần hoặc ứng trước. Làm công nhân trong nhà máy thì thông tầm, làm ca nên không có thời gian làm việc nhà còn làm công nhân trên đồng ruộng thì vẫn tranh thủ được thời gian để chăn nuôi thêm gà, lợn; chăm sóc ruộng lúa của mình…”, chị Lê Thị Thiết, xóm Quang Thái cho biết.

29ha vùng đất bãi soi Bắc Giang của xã Trung Phúc Cường trước đây chỉ sản xuất một vụ, bỏ hoang hoá, nay cũng được bà con góp đất cho công ty mía đường thuê với giá 200.000 đồng/sào/năm.

bna_thuê 2.JPG
Sau khi cho doanh nghiệp thuê đất, nông dân Nghi Hoà trở thành công nhân với thu nhập ổn định, được hưởng các chế độ phúc lợi theo quy định. Ảnh: Thanh Phúc

“Cho doanh nghiệp thuê đất, có hợp đồng rõ ràng, nông dân không lo mất tư liệu sản xuất. Với lại, khi họ trồng mía diện tích lớn, cần nhân công nhiều thì các lao động trong xã trở thành công nhân cho họ, từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch nên việc làm xoay vòng quanh năm. Hầu hết làm ăn lương theo ngày công hoặc theo khoán diện tích”, anh Nguyễn Văn Hoà - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường cho biết.

Ngang qua cánh đồng Da (thuộc phường Nghi Hoà, Thị xã Cửa Lò) trước đây bỏ hoang, năn lác cao quá đầu người nay đã thành một nông trại trù phú, những công nhân đang cần mẫn làm việc. Họ đa phần là những nông dân đã gần 60 tuổi, là chủ những thửa ruộng này.

bna_chăm sóc nho.jpg
Nhiều nông dân góp đất cho doanh nghiệp thuê và trở thành công nhân trên chính đồng đất của mình. Ảnh: Thanh Phúc

Bà Nguyễn Thị Trường, nông dân khối 2, Nghi Hoà phấn khởi: “Gia đình tôi có 1,5 sào đất, trước đây, trên diện tích này, trồng đủ thứ lúa, ngô, khoai nhưng không ăn thua nên bỏ hoang 4-5 năm nay. Năm 2021, tôi và các hộ dân khác góp đất cho một hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao thuê trong thời gian 15 năm (đã nhận tiền cho thuê đất trước). Sau khi cho thuê đất, tôi được nhận vào làm công cho họ với mức lương 5 -7 triệu đồng/tháng. Không chỉ tôi mà những nông dân khác trong khối cũng được thuê làm công nhân, được trả lương ổn định, có ngày nghỉ, có chế độ phúc lợi nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều cánh đồng quy mô lớn. Từ đó, thu hút các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã thuê lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, tăng giá trị nông sản.

bna_hái.jpg
Làm công nhân trên đồng ruộng, vừa có thu nhập ổn định lại không phải ly nông. Ảnh: Thanh Phúc

Cách làm này mang lại lợi ích kép. Một mặt khắc phục tình trạng bỏ hoang đất sản xuất do thiếu nhân công, do kém hiệu quả; mặt khác, khi người dân cho thuê đất thì vừa có nguồn thu, vừa có việc làm tại chỗ, góp phần nâng cao hiệu quả vùng trồng. Đặc biệt, người dân vừa giữ được đất nông nghiệp, không phải ly hương, lại có thu nhập ổn định trên chính đồng đất của mình.

Clip: Thanh Phúc - Hoài Thu
Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO