Chủ động phòng, chống cháy rừng theo phương châm '4 tại chỗ'

Văn Trường 06/07/2022 09:48

(Baonghean.vn) - Thời điểm này, Nghệ An đang bước vào cao điểm nắng nóng, nhiều nơi đang có dự báo cháy rừng cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Để ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra cháy rừng, lực lượng chức kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng chủ động phòng, chống cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ".

Kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại huyện Nghi Lộc. Ảnh: Văn Trường.

Sẵn sàng dập lửa rừng

Ngày 28/6/2022, ở xóm 2, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, đã xảy ra vụ cháy rừng thông, tràm. Do thời tiết nắng nóng gay gắt cộng với gió thổi mạnh nên đám cháy lan nhanh ra khu vực xung quanh. Nhận được thông tin, Lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với lực lượng Quân đội huy động gần 200 người tham gia chữa cháy rừng, sau 2 tiếng đồng hồ các lực lượng đã kịp thời dập tắt lửa rừng.

Đường băng cản lửa ở xã Xuân Thành, Yên Thành đã được xử lý. Ảnh: Văn Trường.

Trước đó, ngày 13/6, một đám cháy rừng bất ngờ bùng phát tại cánh rừng keo tại xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương. Lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ số 7, huy động xe chữa cháy, cùng nhân lực và các thiết bị chuyên dụng nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai chữa cháy dập tắt lửa rừng không để cháy lan. Tính từ đầu năm đến nay, địa bàn toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy trên các địa bàn Quỳ Châu, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, giảm 8 vụ cháy so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An: Nguyên nhân gây nên các vụ cháy rừng tại địa phương thời gian qua là do người dân gần rừng chủ quan trong thời tiết nắng nóng gay gắt; đưa lửa vào rừng xử lý thực bì, bắt ong… Chưa kể hiện nay, diện tích thực bì dưới tán rừng thông còn khá nhiều, 4.000/16.000 ha, chủ yếu mới chỉ các đơn vị quản lý bảo vệ rừng, chủ rừng xử lý thực bì, còn lại các xã do thiếu kinh phí nên chưa xử lý được nhiều, nguy cơ cháy rừng cao.

Lãnh đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm kiểm tra thiết bị, dụng cụ dập lửa tại Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Bắc Nghệ An. Ảnh: Văn Trường.

Tại một số huyện, đường băng cản lửa chưa được duy tu, khi xảy ra cháy rừng dễ lây lan sang các khu vực khác. Chưa kể, công tác chỉ huy chữa cháy rừng tại hiện trường một số vụ cháy còn lúng túng. Công tác điều tra, xử lý vi phạm đối với hành vi gây cháy rừng tại các vụ cháy rừng còn thấp.

Canh gác lửa rừng 24/24h

Những ngày này, có mặt tại rừng thông xã Hoà Sơn, huyện Đô Lương, thấy các lực lượng bảo vệ rừng đang canh gác lửa rừng trên chòi canh. Chòi canh lửa này cao hơn 10 mét, giám sát lửa rừng cho cả một vùng rừng thông rộng lớn gồm các xã Hoà Sơn, Bài Sơn, Thịnh Sơn, Giang Sơn Đông và một phần diện tích của huyện Yên Thành.

Theo dõi lửa rừng tại chòi canh xã Nam Giang (Nam Đàn). Ảnh: Văn Trường.

Một công nhân bảo vệ rừng trực chòi canh tại xã Hòa Sơn cho biết: Thời điểm này nắng nóng cao điểm, trực chòi rất vất vả, tuy nhiên chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, thay nhau túc trực 24/24h để kịp thời phát hiện lửa rừng báo cáo xử lý sự cố kịp thời.

Ông Võ Sĩ Lâm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đô Lương cho biết: Để chủ động phòng cháy rừng, ngay từ đầu mùa nắng, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, theo đó đã thành lập các tổ, đội phòng, chống cháy rừng với phương châm "4 tại chỗ". Hạt Kiểm lâm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các phòng ban, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Bố trí lực lượng thường trực suốt ngày đêm để tiếp nhận thông tin cháy rừng từ cơ sở, từ đó kịp thời xử lý những tình huống xảy ra. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Đô Lương đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện tổ chức cho các đơn vị lực lượng vũ trang, các chủ rừng và chính quyền các địa phương ký cam kết điều động lực lượng và hiệp đồng tác chiến khi có xảy ra cháy rừng.

Đối với huyện Quỳnh Lưu có diện tích rừng thông trên 1.600 ha, giáp ranh với các huyện Yên Thành, Diễn Châu, nguy cơ cháy rừng cao. Thời điểm này, công nhân bảo vệ rừng của Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, kết hợp với lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra giám sát canh lửa tại các khu rừng thông.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hệ thống cảnh báo sớm cháy rừng bằng camera của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An. Ảnh: Văn Trường

Các hộ nhận khoán tại đây cũng vừa khai thác nhựa thông, vừa trực phòng cháy, khi xảy ra sự cố sẵn sàng dập lửa ngay tại chỗ. Đặc biệt, ngay từ đầu mùa cháy năm nay, Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Bắc Nghệ An đã đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát phòng, chống cháy rừng ở xã Ngọc Sơn

Ông Trần Văn Sơn - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An cho biết: Nhiệm vụ của hệ thống camera này là theo dõi tình hình các khu vực rừng 24/24h và truyền tín hiệu về Trạm QLBVR rừng Lèn Ngồi xã Ngọc Sơn, giúp lực lượng túc trực có thể phát hiện ra các sự việc bất thường, các đám cháy rừng để có thể xử lý kịp thời.

Tại địa bàn huyện Diễn Châu, một số xã có rừng thông đã triển khai lập các chốt để kiểm soát người ra vào rừng, các điểm này luôn có người túc trực 24/24h, nhờ vậy trong mùa nắng nóng đã giảm thiểu cháy rừng thông.

Đặc biệt, các Đội Kiểm lâm cơ động và phòng chống chữa cháy rừng số 1, 2, 3, thường xuyên duy trì đảm bảo quân số trực, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, chủ rừng tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh đạt hiệu quả.

Chủ động các giải pháp phòng, chống cháy rừng

Ông Bạch Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết thêm: Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, đến nay Nghệ An đã chủ động phát dọn, đốt trước vật liệu cháy 1.203 ha, xử lý, phát dọn thực bì 3.537 ha (chiếm 32% diện tích toàn tỉnh).

Rừng thông do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An quản lý thuộc xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) đã xử lý xong thực bì. Ảnh: Văn Trường

Tu sửa 163 km đường băng cản lửa, xây dựng mới 27 km đường băng trên rừng sản xuất giáp ranh rừng tự nhiên. Làm mới 9 chòi canh lửa, tu sửa 20 chòi canh lửa. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2 hệ thống camera giám sát cháy, 184 máy thổi gió, 79 máy cắt thực bì, 146 cưa xăng, máy bơm nước, 170 loa cầm tay...

Trước đó, Chi cục Kiểm lâm đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tại 8 huyện trọng điểm như Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, thị xã Hoàng Mai. Thông qua kiểm tra để chủ động tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong công tác PCCCR ở các địa phương, chủ rừng để có biện pháp chỉ đạo giúp các địa phương và chủ rừng thực hiện tốt công tác PCCCR.

Thời điểm này, Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng tổ chức, duy trì thường trực, thông tin cháy rừng 24/24h hàng ngày từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tại những vùng rừng trọng điểm, nguy cơ cháy rừng cao, bố trí lực lượng tuần tra, giám sát chặt chẽ người ra vào rừng và việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng để kiểm soát các nguồn lửa, nguồn nhiệt có thể gây cháy rừng.

Xử lý thực bì tại rừng thông xã Xuân Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường

Tại các địa phương có hàng trăm tổ đội cấp thôn với tổng số trên 6.000 người luôn thường trực tham gia chữa cháy rừng. Các địa phương, các đơn vị chủ rừng thường xuyên vận hành, bảo quản các thiết bị chữa cháy; sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống xảy ra.

Theo dự báo trong thời gian tới, thời tiết còn tiếp tục nắng nóng gay gắt, kéo dài và có nhiều diễn biến bất thường. Chi cục kiểm lâm tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong nhân dân; kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng. Phối hợp phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Nghệ An tiếp tục cảnh báo cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm

25/06/2022

Nghệ An: Nhiều cánh rừng chưa được thu dọn thực bì, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao

10/05/2022

Mới nhất

x
Chủ động phòng, chống cháy rừng theo phương châm '4 tại chỗ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO