Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi

03/10/2015 10:19

(Baonghean) - Thời điểm giao mùa là lúc các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi có điều kiện phát triển và gây hại mạnh, nhất là trong điều kiện chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, công tác tiêm phòng chưa đạt yêu cầu như hiện nay. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng và người dân đã làm gì, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu vấn đề này.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vât nuôi đứng vào “tốp đầu” của tỉnh, đợt tiêm phòng vụ xuân 2015, huyện Thanh Chương đạt tỷ lệ tiêm phòng 74% đối với bệnh tụ huyết trùng trâu, bò, 78% với bệnh lở mồm long móng (LMLM), 54% với bệnh tụ huyết trùng lợn và 54% với bệnh dịch tả lợn... Bà Phan Thị Huyền, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện chia sẻ: Huyện có tổng đàn lớn, gần 74 nghìn con trâu bò, trên 113 nghìn con lợn và 1,43 triệu con gia cầm, để đạt được kết quả như vậy là nhờ sự chỉ đạo ráo riết từ huyện đến các xã, lực lượng cán bộ thú y bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả tốt trong tiêm phòng, nhưng chủ yếu ở các trang trại chăn nuôi tập trung. Bà Trần Thị Tư ở thôn Trung, xã Thanh Lĩnh cho hay: “Gia đình bà có 2 con bò, vài chục con gà, nhưng từ trước đến nay tôi chỉ tiêm phòng cho bò, gà nuôi ít, thả trong vườn để ăn thịt nên hầu như không tiêm phòng bao giờ. Trong xóm, không riêng gì gia đình tôi mà gần như tất cả các hộ nuôi nhỏ lẻ đều chỉ mới quan tâm đến việc tiêm phòng cho đàn gia súc”.

Trang trại nuôi lợn tập trung của gia đình anh Lê Quốc Tân  ở xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên).
Trang trại nuôi lợn tập trung của gia đình anh Lê Quốc Tân ở xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên).

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn. Nghệ An là tỉnh có tổng đàn vật nuôi lớn, với 765 nghìn con trâu, bò, trong đó có 45 nghìn con bò sữa; trên 1 triệu con lợn và gần 17 triệu con gia cầm. Những năm qua, chăn nuôi theo hình thức trang trại, tập trung có xu hướng phát triển nhưng chưa nhiều và chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn đang chiếm phần lớn. Công tác vận chuyển, buôn bán, giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến, gây khó khăn trong công tác quản lý và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 33 lò giết mổ tập trung đang hoạt động, theo thống kê sơ bộ, chỉ khoảng 0,34% số gia súc được giết mổ ở các lò mổ tập trung này. Trong khi ý thức người dân còn hạn chế, cả trong chăn nuôi, tiêm phòng và tiêu thụ, thì hầu hết chính quyền cấp xã còn chưa thực sự vào cuộc hoặc còn nể nang. Theo bà Bá Thị Dung, cán bộ phòng Nông nghiệp Hưng Nguyên, thì mấy năm gần đây trên địa bàn ít xảy ra dịch bệnh nên tâm lý người dân và cả cán bộ địa phương có phần chủ quan, lơ là, đó cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Thời điểm giao mùa, mưa ẩm như hiện nay là lúc các loại dịch bệnh có điều kiện thuận lợi để bùng phát và gây hại trên đàn vật nuôi, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, LMLM và tụ huyết trùng. Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 3 điểm là Diễn Tân (Diễn Châu), Quỳ Hợp và Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu), tiêu hủy hàng nghìn con gia cầm. Theo ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cúm gia cầm vốn là dịch “đại lưu hành”, gây những thiệt hại rất nặng nề. Nhờ làm tốt công tác phòng và dập dịch, nên mấy năm gần đây đã chuyển thành “dịch địa phương”, với quy mô nhỏ, rải rác. Tuy nhiên, không thể chủ quan với loại bệnh dịch này vì hiện vi rút cúm gia cầm biến đổi rất nhiều và cực kỳ phức tạp, với các chủng mới xuất hiện như H5N6, H7N9, có khả năng lây nhiễm sang người rất lớn và làm chết vật nuôi rất nhanh mà chưa có loại thuốc nào đặc trị.

Dù Nhà nước đã có các quy định về vấn đề xử phạt trong chăn nuôi, thú y, nhưng hiệu quả xử phạt chưa cao do chính quyền chưa kiên quyết, còn nể nả, triển khai theo kiểu “hình thức”, chưa đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để đôn đốc chỉ đạo. Trong khi thực tế chứng minh, ở những địa phương mà chính quyền cấp xã thực sự vào cuộc, kiên quyết xử lý như Thanh Lĩnh (Thanh Chương), Nam Nghĩa (Nam Đàn), Lĩnh Sơn (Anh Sơn)... tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi rất cao. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đến tận người dân chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, bà con chưa được phổ biến đầy đủ các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Ngoài 8 huyện được cấp không vắc-xin LMLM do nằm trong chương trình khống chế quốc gia, Chương trình 30a là Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và các xã vành đai vùng nuôi bò sữa tại Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp có tỷ lệ tiêm phòng loại bệnh này khá cao; còn lại các địa phương khác đều đạt tỷ lệ rất thấp, trong khi ở các huyện đồng bằng, nguy cơ phát tán dịch bệnh từ các chợ buôn bán, từ công tác vận chuyển giết mổ là rất lớn. Trong đợt tiêm phòng vụ xuân 2015, tỷ lệ tiêm phòng tụ huyết trùng trâu, bò chỉ đạt 57,2% trên tổng đàn, LMLM trâu, bò đạt 48,2%. Trên đàn lợn, tỷ lệ tiêm phòng tụ huyết trùng đạt 22,4% trên tổng đàn, dịch tả đạt hơn 25%.

Năm nay mùa mưa bão đến sớm, theo dự báo lượng mưa lớn, kéo dài, diễn biến phức tạp, sẽ gây ngập úng nhiều nơi, nhất là các huyện dọc sông Lam như Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và một số huyện đồng bằng vùng trũng như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu... Để chủ động phòng ngừa các tình huống bất lợi có thể xảy ra cho đàn vật nuôi, các địa phương cần tiếp tục tổ chức triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ thu. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện nhanh các trường hợp vật nuôi mắc bệnh để xử lý ổ dịch trong diện hẹp. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo dịch bệnh định kỳ và đột xuất khi dịch xẩy ra. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để nhân dân chủ động thực hiện. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trong mùa mưa bão như chủ động che chắn, tu sửa nâng cấp chuồng trại chăn nuôi phòng khi nước ngập; có kế hoạch dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão như rơm, cỏ khô, khoai, sắn, cám, thức ăn đậm đặc...; trồng thêm cỏ, ngô để chủ động thức ăn cho trâu, bò.

Các xã vùng ngoài đê, hoặc vùng thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở phải chủ động bố trí địa điểm di dời, tập kết gia súc, gia cầm trong những ngày lũ lụt, nước ngập chuồng trại. Các xã vùng núi cao hướng dẫn nhân dân không thả rông trâu, bò trong rừng, ven khe suối, đề phòng lũ lụt cuốn trôi. Thường xuyên theo dõi tình hình sức khoẻ của đàn vật nuôi trong gia đình, nếu có hiện tượng bệnh tật bất thường phải báo cáo ngay cho thú y xã và chính quyền địa phương biết để xử lý kịp thời; không được giết thịt, bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh làm lây lan dịch. Sau lũ lụt, môi trường bị ô nhiễm, mầm bệnh phát tán rộng, cần triển khai thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường nhằm tiêu diệt mầm bệnh, trên tinh thần nước rút đến đâu vệ sinh khử trùng tiêu độc đến đó.

Phú Hương

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO