Chu Huy Mân – Vị tướng của mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào

12/03/2013 21:55

Đồng chí Chu Huy Mân - tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hoà, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, được chứng kiến cảnh lầm than, tủi nhục của người dân mất nước, anh đã sớm giác ngộ cách mạng.

(Baonghean.vn) - Đồng chí Chu Huy Mân - tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hoà, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, được chứng kiến cảnh lầm than, tủi nhục của người dân mất nước, anh đã sớm giác ngộ cách mạng.

Anh tham gia cách mạng từ năm 1929, vào Đảng năm 1930 và trưởng thành trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Năm 1935, với tên gọi mới - Chu Huy Mân (Chu Huy là sáng, chữ Mân là ngọc), anh thoát ly hoạt động cách mạng và bị tù đày nhiều năm tại nhà lao Vinh, Đắc Lây và Đắc Tô. Năm 1943, anh vượt ngục an toàn cùng các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Hà Thế Hạnh, Huỳnh Ngọc Huệ về hoạt động bí mật và lãnh đạo nhân dân tỉnh Quảng Nam giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám thắng lợi.

Sau Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, đồng chí gia nhập quân đội và lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam; Chủ tịch Uỷ ban quân chính Khu C gồm 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam; Chính trị viên mặt trận đường 9 - Sa-va-na-khẹt; Trưởng ban Kiểm tra đảng, Đảng uỷ viên Quân khu Việt Bắc. Từ năm 1947 đến năm 1949, đồng chí là Trung đoàn trưởng kiêm Bí thư đảng uỷ các Trung đoàn 72 (Cao Bằng), 74 (Bắc Cạn) rồi Chính uỷ Trung đoàn 174 (Cao - Bắc- Lạng). Ngày 1/5/1951, Đại đoàn 316 thành lập, ông được điều về làm Bí thư Đảng uỷ kiêm Phó Chính uỷ rồi Chính uỷ Đại Đoàn, tham gia các chiến dịch Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, rồi chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, nhưng tình hình của Lào gặp khó khăn về mặt quân sự. Đảng bạn yêu cầu Đảng và Chính phủ ta cử một đoàn cố vấn chuyên gia quân sự sang giúp bạn xây dựng quân giải phóng Pa-thét Lào, giúp lực lượng hai tỉnh tập kết Sầm-Nưa và Phông-xa-lỳ. Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định cử đồng chí Chu Huy Mân làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng uỷ Đoàn cố vấn quân sự sang giúp Đảng và Bộ Quốc phòng Lào.

Trước lúc lên đường, đồng chí Chu Huy Mân được đến gặp Hồ Chủ tịch tại nơi ở và làm việc của Người. Bác ân cần căn dặn "Giúp bạn là tự giúp mình. Chú cần nhớ ba điều cốt yếu của cách mạng Lào là lâu dài, gian khổ, tự lực cánh sinh là chính và cuối cùng nhất định thắng lợi". Suốt thời gian hoạt động ở Lào, đồng chí luôn ghi nhớ và làm theo lời căn dặn của Bác.

Sau những ngày hành quân vất vả, Đoàn 100 đến bản Na Mèo thuộc tỉnh Hủa-Phăn, nước Lào. Ổn định xong nơi ăn, ở và sinh hoạt, đồng chí Chu Huy Mân họp Đảng uỷ Đoàn 100 đề ra chủ trương lãnh đạo: củng cố phát triển đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bạn và đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

Đầu tháng 12/1954, Hội nghị quân chính quân đội Lào tổ chức tại bản Cang-Thạt. Tại Hội nghị, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản trình bày đề án xây dựng lực lượng và cơ bản thống nhất với chủ trương của ta. Sau hội nghị, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản ký quyết định biên chế toàn quân đội Lào, có cơ cấu hợp lý của một quân đội tập trung: Ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng, cùng hệ thống cán bộ thuộc các đơn vị, địa phương, chín tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn trợ chiến, một tiểu đoàn vận tải, 12 đại đội độc lập, một trường quân chính Com-ma-đam, hai cơ quan tỉnh đội Hủa-Phăn và Phông-xa-lỳ.

Trong gần 4 năm làm việc tại Lào, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng Đoàn chuyên gia quân sự nước ta đã tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng Lào phát triển theo kịp phong trào của ba nước Đông Dương. Tháng 5/1957, đồng chí Chu Huy Mân được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một chiếc đồng hồ hiệu Wyler với lời nói ngắn gọn: "Bác tặng đồng hồ cho chú vì thành tích giúp Đảng và nhân dân cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp".

Về nước vừa được 3 tháng thì nhận được thông báo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh phải trở lại Lào ngay. Lúc này, Mỹ và tay sai ở Lào ra sức phá hoại hòa bình, trung lập và chưa từ bỏ âm mưu biến Lào thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới. Để giúp bạn chủ động trong cuộc đấu tranh này, Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh cử đồng chí Chu Huy Mân trở lại giúp Lào trước khi Neo-Lào hắc-xạt đưa lực lượng của mình về Viêng-Chăn thành lập Chính phủ liên hiệp.

Đầu tháng 9/1957, đồng chí trở lại Hủa-Phăn. Gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Lào, đồng chí bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị. Với sự nỗ lực của bạn và sự giúp đỡ nhiệt tình có hiệu quả của Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam, các lực lượng vũ trang Pa-thét Lào có bước trưởng thành vượt bậc và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.

Năm 1960, đồng chí Chu Huy Mân trở lại Lào với cương vị Đoàn trưởng Đoàn 100, tức Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam bên cạnh Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng với quân dân bộ tộc Lào lập chiến công chói lọi tại Cánh đồng Chum – Xiêng-Khoảng.

Sau khi giải phóng Cánh đồng Chum, lãnh đạo Đảng bạn đã tận dụng lợi thế và thời cơ, khẩn trương xây dựng cơ sở chính trị trong cả nước đạt kết quả bước đầu.

Trước ngày đồng chí Chu Huy Mân về nước, Thủ tướng Xu-va-na Phu-ma quyết định trao tặng đồng chí Huân chương Bắc Đẩu bội tinh, một thanh bảo kiếm của Hoàng gia và tổ chức buổi tiệc thân mật. Thủ tướng Phu-ma hai lần cảm ơn Việt Nam, cảm ơn đồng chí Chu Huy Mân.

Với những đóng góp to lớn của đồng chí với cách mạng Lào đã tạo lập được mối quan hệ mật thiết, cộng tác chặt chẽ, được các đồng chí lãnh đạo chỉ huy của Bạn quý mến, tin cậy và hết sức giúp đỡ, đã xây dựng được mối quan hệ hết sức thân tình, gắn bó và sâu sắc bền vững, thực sự coi nhau "vừa là đồng chí, vừa là anh em".


Nguyễn Thị Hồng Vui - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Mới nhất

x
Chu Huy Mân – Vị tướng của mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO