Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội: Nghệ An thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp
(Baonghean.vn) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cao hoạt động cải cách tư pháp ở Nghệ An, đã tạo chuyển biến, đóng góp tích cực vào tạo ổn định, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua.
Chiều 29/7, đoàn công tác khảo sát, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư làm việc tại tỉnh Nghệ An. Đồng chí Lê Thị Nga - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW và đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Thu Giang |
Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các ban Đảng của Tỉnh ủy, đại diện các đơn vị liên quan.
Không để xảy ra oan sai
Báo cáo do Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông trình bày nêu rõ, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP), Tỉnh ủy đã lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan tư pháp triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCTP đạt nhiều kết quả quan trọng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp tích cực, chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp; xây dựng các quy chế phối hợp nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ CCTP; đồng thời làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng.
Nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp và bổ trợ tư pháp có sự chuyển biến rõ rệt. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án không ngừng được nâng cao, không để xảy ra oan sai. Các phiên tòa được thực hiện theo tinh thần CCTP, chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng được bảo đảm.
Công tác hòa giải trong giải quyết án dân sự, đối thoại trong giải quyết án hành chính được chú trọng, tỷ lệ hòa giải thành công các vụ án dân sự đạt cao (khoảng 60%)...
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Giang |
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, các cơ quan tư pháp đã góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tạo môi trường tốt để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, đồng chí cho rằng thực tế triển khai chiến lược CCTP tại Nghệ An đặt ra nhiều vấn đề trăn trở cần tiếp tục thực hiện, tìm cách tháo gỡ, tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quá trình CCTP...
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Thường trực Tỉnh ủy cũng thông tin đến đoàn khảo sát kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư.
Luật sư tư vấn pháp lý cho người dân tại Văn phòng trợ giúp pháp lý Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu: Đ.C |
Theo đó, hiện nay trên toàn tỉnh có 130 luật sư, phần lớn có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, yêu nghề, có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư cho tổ chức, cá nhân tăng đáng kể về số lượng và nâng cao về chất lượng. Việc tư vấn pháp luật được quan tâm nhiều hơn, tập trung vào lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình.
Tuy nhiên, số lượng luật sư tính theo tỷ lệ bình quân trên đầu người của tỉnh còn thấp, mới đạt 1 luật sư/26.400 người dân. Bên cạnh đó, tỉnh đang thiếu đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, chuyên sâu các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại, đặc biệt là đội ngũ luật sư hành nghề trong môi trường pháp lý quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh... Đây là những hạn chế, vướng mắc được chỉ rõ và tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh trao đổi các nội dung đoàn công tác quan tâm. Ảnh: Thu Giang |
Tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách tư pháp
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh công tác CCTP tại Nghệ An bám sát các nội dung quy định trong Hiến pháp, trên tinh thần là làm sao để dân chủ, khách quan, minh bạch hơn, đề ra các phương hướng, giải pháp cụ thể trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn tại cơ sở. Nghệ An sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư pháp, trong đó bao gồm công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; quan tâm giải quyết và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...
Về hoạt động của luật sư tại Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy tái khẳng định vai trò của nghề trong bối cảnh kinh tế phát triển, đời sống xã hội ngày càng cải thiện, pháp luật được đề cao. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh chỉ rõ, cần quan tâm hoàn thiện hơn nữa về cơ chế, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong hành nghề luật sư tại địa phương.
“Khi Bí thư, Chủ tịch tiếp dân thì mời đoàn luật sư sang cùng tiếp công dân. Đấy là một cơ chế để tạo điều kiện cho đoàn luật sư tham gia vào các hoạt động chính thống của Đảng, của chính quyền”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu ví dụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu kết luận. Ảnh: Thu Giang |
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cao chất lượng buổi làm việc, đã cung cấp nhiều thông tin cho đoàn công tác. Nhấn mạnh Nghệ An là tỉnh lớn, mang tính đại diện cho các địa phương khác của cả nước có những đặc điểm tương đồng về địa hình, mật độ dân cư, trưởng đoàn công tác khẳng định, nhìn chung, Nghị quyết 49-NQ/TW và Chỉ thị 33-CT/TW tại Nghệ An đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực.
Hoạt động CCTP cũng như hoạt động của đoàn luật sư tại Nghệ An đã tạo chuyển biến, đóng góp tích cực vào tạo ổn định, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An thời gian qua.
Chánh án Tòa án tối cao trao đổi với cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An trong chuyến thăm và làm việc trong tháng 7/2019. Ảnh tư liệu: An Quỳnh |
Hoan nghênh những nỗ lực của tỉnh với những kết quả đáng biểu dương như thời gian qua không để xảy ra oan sai, không để khiếu kiện bị đẩy thành điểm nóng hay khiếu kiện về Hiến pháp ra Trung ương..., Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, đồng thời ghi nhận kiến nghị đề đạt với Trung ương và các bộ, ngành liên quan. Tuy cơ bản Nghệ An đã thực hiện tốt các yêu cầu chung của các văn bản Trung ương, song tỉnh cần quan tâm thêm một số điểm hạn chế về chất lượng CCTP đã được chỉ ra, quan tâm cải thiện số lượng và chất lượng đoàn luật sư.