Chuyện về một trong những người Nghệ đầu tiên được phong danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân

06/11/2016 19:45

(Baonghean) - “Tôi đã mở mắt chào đời giữa thành phố Vinh… Thuở bé, tôi chưa hiểu biết gì về cuộc sống, nhưng đã chịu ảnh hưởng ngay về nghệ thuật tuồng”. Đó là những dòng đầu tiên trong cuốn “Đời tôi trên sân khấu tuồng”, mà tôi, bằng một cơ duyên nào đó, đã có nó trong tay và đọc không thể dứt ra được.

Nghệ sỹ nhân dân Lê Bá Tùng.
Nghệ sỹ nhân dân Lê Bá Tùng.

Cuốn sách xuất bản năm 1977 của Nhà xuất bản Văn hóa ghi tên tác giả là Lê Bá Tùng (kể) và Thành Đăng Khánh (ghi). Không mấy ai biết rằng, Lê Bá Tùng - người đã kể lại đời mình qua cuốn sách ấy chính là nghệ sỹ tuồng Lê Bá Tùng, một trong những người Nghệ đầu tiên được phong danh hiệu cao quý: Nghệ sỹ nhân dân (NSND).

Khi khép lại những trang cuối cùng của cuốn sách cũ kỹ ấy, tôi thực sự sửng sốt với danh sách gần 90 vai diễn trên sân khấu tuồng trong suốt cuộc đời nghệ sỹ Lê Bá Tùng, được ông nhớ tới từng chi tiết. Có cảm giác như NSND Lê Bá Tùng đã sống với những vai diễn như những chặng đời thực của mình. Hay nói cách khác, ông đã yêu, đã hóa thân vào từng vai diễn ấy để sống cuộc đời thực của mình.

Những vai diễn ấy cũng chính là lý lịch cuộc đời ông. Vai kép con Lý Nguyên Bá trong vở “Thí võ Lý Nguyên Bá” diễn lần đầu ở Vinh tháng 2 năm 1920 trong gánh hát Vĩnh Tường Long của ông Nguyễn Văn Liễn; vai kép con Cao Lủng trong vở “Cao Lủng phá cửu cá hỏa xa”, diễn lần đầu ở Thanh Hóa tháng 5 năm 1922, gánh hát của ông B.H; vai kép nhỡ Thạch Sanh trong vở “Thạch Sanh” diễn lần đầu tại Hà Tĩnh tháng 10 năm 1922, gánh của ông B.G… Cứ thế, ngày tháng cuộc đời ruổi rong cùng những gánh hát, những vai diễn trên khắp mọi miền…

Có thể nói rằng, khi sinh ra, cuộc đời đã cho ông mối duyên nợ với tuồng. Lê Bá Tùng sinh năm 1899 tại phố Đệ Tam, thị xã Vinh, nay là thành phố Vinh. Nhà ông ở gần rạp tuồng (cạnh chùa Lề). Đây là rạp tuồng duy nhất của Vinh thuở đó. Trong ký ức Lê Bá Tùng, rạp tuồng ấy lúc đầu lợp tranh, che phên nứa, có khoảng 200 chỗ ngồi. Sau này được sửa sang lại khá đàng hoàng, có mái ngói, tường gạch, bục sân khấu, có phòng nghỉ, chứa được trên 400 người. Rạp trở thành nơi biểu diễn của các gánh hát lưu động 3 miền. Đêm đêm, cậu bé Tùng chứng kiến đoàn người rậm rịch kéo đến rạp tuồng sau tiếng trống điểm ban.

Nghệ sỹ tuồng Lê Bá Tùng trong vai lão Tạ trong tuồng “Tam nữ đồ vương”
Nghệ sỹ tuồng Lê Bá Tùng trong vai lão Tạ trong tuồng “Tam nữ đồ vương”

Trong hồi ức của Lê Bá Tùng, ông còn nhắc tới bộ tranh “Ngũ hổ bình Liêu” với các nhân vật Địch Mẫu, Lưu Khánh, công chúa Trại Ba và Bàng Hồng. Ngày mới mua tranh, mẹ ông đã chỉ vào bộ tranh này mà kể cho ông nghe tích truyện của vở tuồng nọ.

Ông yêu mến tích truyện, yêu mến bộ tranh đến độ tâm tưởng ông lúc nào cũng nghĩ tới nó, và một ngày kia, ông cất lời xin mẹ bộ tranh làm “của riêng”, gìn giữ nó như một báu vật. Ngày mới đi học, Lê Bá Tùng chỉ chuyên tâm cặm cụi với bộ tranh của mình. Ông tô những nhân vật của mình bằng màu sắc mà ông yêu - ghét.

Lê Bá Tùng cũng thường lén lút bày trò hò hát theo lối một gánh hát ở trong lớp. Cứ tối đến, người ta lại thấy cậu bé Tùng lân la ở các cổng rạp, vờ nhận là con cháu các bà, các chị vào xem hát chui. Sau khi giở trò này không qua mặt được gác cổng thì ông giở mẹo chui rào, vượt tường, tiến thẳng tới phòng hóa trang, làm thân với các diễn viên bằng cách làm theo yêu cầu nhờ vả của họ, khi thì mua diêm, cau trầu hay lấy nước uống… Yêu mến tài nghệ của đào kép, thích lối sống hồn nhiên và thoải mái của họ, nên cậu bé mơ ước một ngày kia, khi lớn lên cũng được lên sân khấu diễn tuồng như họ…

Ham tuồng, mê mẩn những vai diễn, dưới lớp son phấn hóa trang kia, ông như thấy người diễn viên có một thứ quyền năng bí ẩn. Chỉ là cái bục sân khấu nho nhỏ, những bộ phục trang xúng xính, vài động tác múa…, vậy mà khiến người ta khóc, cười, nức nở, xót xa… Lê Bá Tùng không biết rằng, mình đã bắt đầu dấn thân vào cái nghiệp “xướng ca” vĩnh viễn đóng đinh vào cuộc đời mình.

Năm 1912, khi Lê Bá Tùng 15 tuổi, cha ông mất, mẹ gửi lại ông cho một người bạn thân của cha để ra Bắc tìm kế sinh nhai. Ông được người này sắp xếp làm nghề kéo quạt cho một tên sếp ga. Tiền công cũng khá, ông dùng khoản này vào việc thuê sách đọc và đi xem tuồng. Đời đang yên ả, ông được tin có một ban tuồng trẻ con thường diễn tuồng ở vườn hoa ngã tư. Thế là ông quyết định bỏ nghề quạt mà đi theo ban tuồng ấy…

Những năm tháng tiếp theo của Lê Bá Tùng gắn liền với tên tuổi các ông thầy và gánh hát: gánh Vĩnh Tường Long của ông bầu Nguyễn Văn Liên, gánh Phượng Lâu, gánh Thái Mộng Đài, gánh Bang Hồ, gánh Tụ Châu, gánh Viên Quảng, gánh Thọ Vinh Đài... Ngày ấy, những vở tuồng ngoài diễn tích cổ, còn thể hiện cả tinh thần thời đại trong từng câu nói, phong cách nhân vật. Những yêu, ghét, oán hờn, nợ nước, thù nhà đều được người diễn viên đem lên sân khấu. Lê Bá Tùng cảm nhận và yêu tuồng hơn, bởi ở đó, ông có thể diễn rất thật về cuộc đời này.

Nghệ sỹ tuồng Lê Bá Tùng vai Đào Lệnh Công trong tuồng “Đào Phi Phụng”.
Nghệ sỹ tuồng Lê Bá Tùng vai Đào Lệnh Công trong tuồng “Đào Phi Phụng”.

Trong cuốn hồi ký, có cảm giác như Lê Bá Tùng đã nhớ đến gan ruột từng vai diễn, từng động tác, từng xúc cảm của những câu nói, điệu vung tay. Cố nhà báo Lê Bá Liễu (là con trai út của NSND Lê Bá Tùng) đã từng kể về quãng thời gian được sống cùng cha mình và những năm tháng sau này của NSND Lê Bá Tùng (còn được dân mê tuồng gọi là Chánh Tùng):

“Năm 1959, Nhà nước lập Trường sân khấu Trung ương tại Cầu Giấy, bố tôi được mời làm giáo viên khoa tuồng của trường. Tôi được ông mang theo cùng, gửi học chữ ở trường tư kế bên trường. Ngày lại ngày, bố tôi bận bịu công việc giảng dạy, viết sách, đóng phim... Hiếm khi nghỉ ngơi ngoài lễ thường cuối tuần, ông dắt tôi qua thăm thầy giáo Đán - người dạy chữ cho tôi. Năm 1968, tôi nhập ngũ vào Nam chiến đấu, bố tôi về hưu tại quê nhà (TX. Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn).

Mẹ tôi nói, ngày bố tôi về hưu, với quãng đời còn lại, ông nguyện chỉ sống chết với sân khấu tuồng. Vậy nên khi ở nhà chưa ấm chỗ, giấy tờ chưa chuyển hết về địa phương, đã thấy ông tới giúp các các đội văn nghệ trong vùng, dàn dựng các tích tuồng, xem đó như dịp để truyền rộng nghệ thuật hát tuồng đến công chúng. Với các đội văn nghệ quanh vùng thời đó, mời được thầy Chánh Tùng là quý lắm. Chẳng ở cái danh “thầy tuồng” Trung ương, càng không vì thầy dạy không lấy thù lao, cái chính là tài diễn và tấm lòng thảo thơm chung thủy của thầy với nghề.

Năm 1984, bố tôi mất ở tuổi 85 khi ông dàn dựng dở dang một tích tuồng cổ cho huyện nhà. Năm 1997, ngày giỗ thứ 13, tôi về quê thắp hương cho bố tôi, cùng lúc ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân. Chị gái tôi kể trong niềm xúc động rằng, lễ trao danh hiệu cho bố tôi trân trọng lắm. Các vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa đều có đánh giá cao về tài năng, đức nghề của ông. Đặc biệt, Hội văn nghệ dân gian nhận xét ông là người có công đào tạo nghề trong môn nghệ thuật luôn lấy đạo nghĩa, trung tín làm nền cho mọi tích diễn, trường tồn với nhân gian”.

Tôi đã từng đến ngôi nhà nhỏ của nhà báo Lê Bá Liễu tại thị xã Thái Hòa cách đây vài năm. Trên bàn thờ của gia đình, tôi đã gặp bức ảnh đá khiêm nhường thờ NSND Lê Bá Tùng. Gương mặt ông có chút gì hiền hậu và hóm hỉnh. Tôi đã không biết, ông chính là một trong những nghệ sỹ người Nghệ đầu tiên được vinh danh là Nghệ sỹ nhân dân. Nhưng tôi hiểu, Lê Bá Tùng đã sống không phải vì điều đó, mà bởi rằng trên sân khấu tuồng, ông đã được sống cuộc đời của chính mình.

NSND Lê Bá Tùng sinh năm 1899 , tại phố Đệ Tam, thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh), Nghệ An. Mất năm 1984 tại Thái Hòa, Nghĩa Đàn. Vợ NSND Lê Bá Tùng là Nguyễn Thị Bốn, mê tiếng hát của kép Chánh Tùng mà nên vợ chồng. Trước khi NSND Lê Bá Tùng mất, trong lễ mừng thọ ông, cụ Nguyễn Vựng, một cán bộ lão thành của địa phương tặng đôi vế đối: Ra Bắc vào Nam mấy độ, lời ca còn vang vọng/ Trong làng ngoài nước một thời, tiếng hát mãi truyền lưu.

Thùy Vinh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Chuyện về một trong những người Nghệ đầu tiên được phong danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO