Cô bé lớp 3 một mình chăm bà ngoại

(Baonghean.vn) - Mẹ đi làm ăn xa, một mình ở với bà ngoại già yếu, bệnh tật, gia cảnh nghèo khó thế nhưng cô học trò nghèo Nguyễn Thị Hường, học sinh lớp 3B, Trường THCS xã Quỳnh Hoa vẫn luôn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh trở thành học sinh giỏi và cán bộ lớp năng nổ.

Chúng tôi đến thăm gia đình cô học trò nghèo Nguyễn Thị Hường ở xóm 6, xã Quỳnh Hoa vào dịp đầu năm học mới. Căn nhà cấp 4 cũ kỹ, tuềnh toàng là nơi ở của hai bà cháu Hường. Bà ngoại em già yếu, thường xuyên đau ốm, cuộc sống hai bà cháu vô cùng khó khăn.

Bà ngoại Hường nghẹn ngào kể về hoàn cảnh éo le của cô cháu gái. Hường là con gái của chị Nguyễn Thị Trường, con gái đầu của bà. Trước đây, vì nhà nghèo, chị Trường không nhanh nhẹn và trí tuệ chậm phát triển nên chỉ học hết lớp 4. Năm 1999, chị Trường không may bị người ta lừa bán sang Trung Quốc và ép làm vợ lẻ  một người đàn ông 70 tuổi và sinh ra Hường.

Hai bà cháu em Nguyễn Thị Hường nương tựa vào nhau, cuộc sống vô cùng khó khăn. Ảnh: Thanh Toàn
Hai bà cháu em Nguyễn Thị Hường nương tựa vào nhau, cuộc sống vô cùng khó khăn. Ảnh: Thanh Toàn

Sau 15 năm tủi nhục làm vợ xứ người, người phụ nữ bất hạnh ấy cũng gắng gượng tìm được đường về nhà. Chị mang theo cô con gái là Hường, lúc ấy cũng tròn 10 tuổi về quê sống được một thời gian. Sau đó, chị gửi con gái cho bà ngoại nuôi rồi vào miền Nam làm ăn biền biệt, thỉnh thoảng mới về thăm nhà.

Để chăm lo cho cháu gái, bà Nhi đã cố gắng làm thuê, làm mướn. Nhưng giờ đây sức khỏe yếu, căn bệnh đau cột sống hành hạ, khiến bà không thể gắng gượng nổi. Mọi sinh hoạt của bà giờ đều nhờ vào cô cháu gái. Hai bà cháu không có nguồn thu nhập nào, còn ít tiền dành dụm được, Hường dành để mua thuốc cho bà chữa bệnh nên em phải ăn mì tôm qua ngày.

Bà Nhi tâm sự trong nước mắt: “Ba ngày nay tôi bị đau phải nằm trên giường, sáng dậy cháu nó nấu thuốc đưa lên cho uống, trưa đi học về cháu lại nấu cháo cho ăn. Nhưng tôi làm sao nuốt nổi khi thấy cháu suốt ngày phải ăn mì tôm trừ bữa ...”.  

Căn nhà cấp 4, lụp xụp của bà cháu em Hường. Ảnh: Thanh Toàn
Căn nhà cấp 4, lụp xụp của bà cháu em Nguyễn Thị Hường ở xóm 6, xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu. Ảnh: Thanh Toàn

Mặc dù cuộc sống nghèo khó nhưng sớm ý thức được hoàn cảnh của mình nên Hường đã luôn nỗ lực cố gắng học tập. 10 tuổi, khi theo mẹ từ Trung Quốc trở về quê, Hường mới được đi học lớp 1. Thời gian đầu đến trường, em còn chưa biết tiếng Việt mà chỉ biết nói tiếng Trung, giao tiếp với thầy cô, bạn bè gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng 3 năm sau, em đã nói tiếng Việt một cách rành mạch, rõ ràng, đặc biệt chữ viết rất đẹp. Hai năm qua em đều được nhà trường khen thưởng vở sạch, chữ đẹp. Trong các đợt thi học kỳ 2 môn Tiếng Việt, Toán em đều đạt điểm 10. Không chỉ là một học sinh chăm ngoan, học giỏi, mà trong các hoạt động Đoàn, Đội, Hường tham gia rất tích cực, nhiệt tình.

“Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai bà cháu phải chạy bữa ăn hàng ngày, 2 năm đi học em chưa bao giờ được ăn sáng, đến trường có hôm thầy cô, bạn bè thương, đưa cho hộp sữa, miếng bánh. Nhưng Hường đã rất chăm chỉ, nỗ lực vượt qua khó khăn, là một lớp trưởng gương mẫu; một học sinh tiêu biểu của trường” -  Cô Hồ Thị Loan, Giáo viên chủ nhiệm lớp 3B, Trường THCS Quỳnh Hoa chia sẻ về cô học trò đáng thương.

Vượt lên hoàn cảnh em Hường luôn chăm ngoan, học giỏi. Ảnh: Thanh Toàn
Vượt lên hoàn cảnh em Nguyễn Thị Hường luôn chăm ngoan, học giỏi. Ảnh: Thanh Toàn

Thương cho hoàn cảnh của em, cứ vào đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm cùng các thầy cô trong trường thường mượn và xin sách cũ của các anh, chị khóa trước cho Hường học. Đồng thời, nhà trường cũng miễn giảm cho em một số khoản đóng góp trong quá trình học.

Cô Nguyễn Thị Bích Nga – Hiệu Phó trường THCS Quỳnh Hoa cho biết: “Nhà trường cũng luôn động viên và chia sẻ để em vượt qua những mặc cảm, cố gắng chuyên tâm vào học tập. Những dịp lễ, Tết trường cũng kêu gọi quyên góp để giúp đỡ em. Đặc biệt, có những suất học bổng của huyện nhà trường cũng  ưu tiên cho em. Dịp tết trung thu này, nhà trường cũng gửi danh sách cho huyện có quà gửi đến động viên em và gia đình”.

Sức khỏe của bà ngoại Hường ngày càng yếu, căn bệnh đau cột sống hành hạ, căn bệnh đục tinh thể khiến đôi mắt của bà mờ dần và khối u mỡ bên cổ cũng đang lớn lên từng ngày. Nhưng éo le thay, hai bà cháu còn phải chật vật với từng bữa ăn, lấy đâu tiền thuốc thang, chữa trị.

Hoàn cảnh đáng thương của cô học trò nghèo, vượt khó đang rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng; giúp em thực hiện ước mơ “có tiền mua thuốc chữa bệnh cho bà và tiếp tục ước mơ được đến trường”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Bà Vũ Thị Nhi - Xóm 6, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Thanh Toàn

Đài Quỳnh Lưu

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.