'Cò đất' đưa nhiều người sa bẫy, mất tiền tỷ

Trần Vũ- Đặng Nguyễn 09/09/2023 17:56

(Baonghean.vn) - Hải nhận mình có thể đấu giá thành công các lô đất quy hoạch, cũng như hợp thức hóa được việc nhập, tách Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho người có nhu cầu. Cùng với các “chân rết”, Hải đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều bị hại gần 7,3 tỷ đồng.

Lừa cọc tiền mua đất đấu giá

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Thanh Hải (40 tuổi) và bị cáo Lê Kiên Trung (44 tuổi), cùng trú TP. Vinh, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; bị cáo Trần Diễn Thương (47 tuổi), trú xã Nghi Phú, TP. Vinh về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

bna_Ba bị cáo tại phiên tòa. ảnh pv.JPG
Ba bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Trần Vũ

Thủ đoạn lừa đảo mà các đối tượng sử dụng trong vụ án này tuy không mới, nhưng nhiều người vì chạy theo cơn “sốt” đất nên sẵn sàng đưa hàng trăm triệu đồng, thậm chí là tiền tỷ cho các đối tượng. Đến khi phát hiện bị lừa thì mọi chuyện đã muộn. Một trong những thủ đoạn mà Hải, Trung thực hiện đó là lừa cọc mua đất đấu giá quy hoạch để chiếm đoạt tiền của người dân.

Cụ thể, thông qua các mối quan hệ, Hải và Trung có được sơ đồ đất đấu giá quy hoạch. Khi có khách muốn mua đất đấu giá, Trung giới thiệu mình là “sân sau” của các sếp, nên lấy được đất đấu giá, yêu cầu phải cọc tiền. Tuy nhiên, khi khách đấu giá không trúng thì các đối tượng không trả lại tiền.

Một trong số các nạn nhân bị lừa đảo bằng hình thức này là anh Nguyễn Thái T. (38 tuổi), ở xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Đầu năm 2022, khi biết thông tin xã Nghi Yên sắp bán đấu giá đất quy hoạch, anh T. đến nhà Trung nhờ giúp đỡ. Trung giới thiệu mình làm ở công ty bất động sản và hứa hẹn sẽ lấy được đất quy hoạch đấu giá, yêu cầu cọc từ 50 đến 80 triệu đồng 1 lô để giữ chỗ. Tổng số tiền mà anh T. chuyển cho Trung là hơn 700 triệu đồng để cọc 11 lô đất. Tuy nhiên, sau khi anh T. không đấu trúng lô đất nào, thì Trung không trả lại tiền cọc như đã hứa mà cắt liên lạc.

Cũng bằng thủ đoạn tương tự, Trung và Hải đã lừa đảo, chiếm đoạt của anh Phạm Dũng S. (52 tuổi), ở huyện Nghi Lộc gần 400 triệu đồng. Anh S. đã chuyển tiền cho Trung để giữ 7 lô đất đấu giá ở xã Nghi Yên. Trung cam kết sẽ lấy được các lô đất này với giá cao hơn 20% giá khởi điểm. Để thể hiện việc “chơi đẹp”, Hải còn nói với Trung “kỷ niệm 1 lô cho anh S. không phải đặt cọc tiền”.

Ngày 2/5/2022, Trung và Hải hẹn anh S. và những người đặt cọc đất ở xã Nghi Yên để trao đổi trước khi đấu giá đất. Hải yêu cầu những người này khi nộp tiền vào tài khoản Ban Đấu giá phải mang tên của Hải thì mới cam kết đấu trúng nhưng không ai đồng ý với yêu cầu này. 3 ngày sau, khi phiên đấu giá diễn ra, anh S. tham gia đấu giá đất nhưng không trúng lô nào, yêu cầu trả lại tiền nhưng không được...

Cơ quan điều tra xác định, bằng hình thức lừa đảo này, Trung và Hải đã chiếm đoạt gần 3,9 tỷ đồng.

Thuê làm bìa đất giả để lừa đảo

Ngoài “đạo diễn” màn kịch trên, Trung và Hải còn câu kết với Trần Diễn Thương thực hiện hành vi lừa đảo nhiều nạn nhân bằng hình thức nhận hồ sơ sang tên bìa đất, tách thửa đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Ở hình thức này, Hải là người khởi xướng, trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo đó, Hải biết Thương có mối làm giả các loại giấy tờ nên nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng cách nhận hồ sơ sang tên bìa đất, tách thửa đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho người dân có nhu cầu. Hải chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho anh con bác là Lê Kiên Trung tìm những người có nhu cầu làm các thủ tục về đất đai để giới thiệu cho Hải. Cùng với đó, Hải thuê Thương làm bìa đất giả để đưa cho người dân rồi nhận tiền.

bna_Bị cáo Lê Thanh Hải lĩnh án 24 năm tù. ảnh pv.JPG
Bị cáo Lê Thanh Hải lĩnh án 24 năm tù. Ảnh: Trần Vũ

Vì ngại đi làm các thủ tục nên anh Đào Văn T. ở TP. Vinh đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 520 triệu đồng. Cụ thể, anh này có thửa đất rộng hơn 1.100 m2 tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, chưa có bìa đỏ nên muốn làm thủ tục cấp bìa. Đầu năm 2022, nghe rằng, Trung có khả năng làm được thủ tục cấp bìa đất nên anh T. đã nhờ làm bìa đỏ. Trung nói với anh T. có quen biết nhiều lãnh đạo và có người nhà làm ở Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An nên cam kết sẽ làm được bìa đỏ.

Tin tưởng nên anh T. đã gửi thông tin và chuyển tiền cho Trung. Trung đưa thông tin đó đến cho Hải. Sau đó, Hải thuê Thương làm bìa giả cho thửa đất đó. Tuy nhiên, sau khi phát hiện chữ ký và con dấu trên bìa đỏ làm giả bị lỗi, lo sợ bị phát hiện nên Trung nói với Hải trả lại tiền cho khách. Nhưng vì đã tiêu hết tiền rồi nên các đối tượng đã tắt liên lạc và bỏ trốn.

Cơ quan điều tra xác định, bằng các thủ đoạn trên, từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022, các đối tượng đã chiếm đoạt 3,4 tỷ đồng; cộng với chiêu thức lừa đảo tiền đặt cọc đất thì các đối tượng đã chiếm đoạt của nhiều bị hại số tiền gần 7,3 tỷ đồng.

Trả giá

Trong vụ án này, Hải và Trung ngoài mối quan hệ bị cáo còn là anh em con chú, con bác. Từ mối quan hệ thân thiết, cả hai đã câu kết, bàn bạc với nhau thực hiện nhiều hành vi lừa đảo. Trong đó, Hải là người khởi xướng, trực tiếp thực hiện nhiều hành vi lừa đảo tinh vi. Đáng nói, Hải là bị cáo có nhân thân xấu, khi từng 5 lần bị xử phạt tù về các tội “Trộm cắp tài sản”, “Gây rối trật tự công cộng”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy”…

bna_Hai anh em họ Hải và Trung cùng vào tù. ảnh pv.JPG
Hai anh em họ Hải và Trung cùng vào tù. Ảnh: Trần Vũ

Tại phiên tòa, các bị cáo khai, số tiền chiếm đoạt của các bị hại đã tiêu xài cá nhân hết, hiện chưa có khả năng chi trả. Các bị hại tham dự tòa yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ tiền đã chiếm đoạt của họ. Trước sự có mặt của đông đảo bị hại và người dân, Hội đồng xét xử phân tích, với tâm lý e ngại phải đi lại nhiều lần để thực hiện thủ tục hành chính, pháp lý để làm bìa đất nên một số người đã bỏ tiền thuê dịch vụ (hay được gọi là “cò”) làm nhanh các thủ tục này. Nhiều đối tượng “cò” tự nhận có sự quen biết các cán bộ, nhân viên của cơ quan Nhà nước để đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai nhanh chóng, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Vì tin tưởng nên nhiều người đã trả hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng đối với những sổ đỏ được gọi là “khó làm”, rồi giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu gốc về đất đai cho họ. Sau khi nhận tiền, những đối tượng này hoặc không thực hiện dịch vụ hoặc làm bìa giả để đưa cho người dân. Người may mắn thì nhận lại được hồ sơ gốc về đất đai, những có người còn mất cả hồ sơ gốc, gây thiệt hại lớn về tài sản và thời gian. Do đó, người dân cần nên đề cao cảnh giác khi làm thủ tục hành chính về đất đai, tránh những sự việc đáng tiếc và bị lừa.

Nhận định trong vụ án này, các bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, xâm phạm đến hoạt động của cơ quan Nhà nước, gây dư luận xấu trong nhân dân, làm hoang mang trong dư luận nên cần xử lý nghiêm. Với vai trò là người chủ mưu, khởi xướng, bị cáo Lê Thanh Hải bị tuyên phạt 24 năm tù (trong đó, 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 4 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”). Bị cáo Lê Kiên Trung lĩnh án 19 năm tù (16 năm tù về tội “Lừa đảo”, 3 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả”). Trong khi đó, bị cáo Trần Diễn Thương lĩnh án 4 năm 6 tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Như vậy, bản án thích đáng đã được tuyên cho những kẻ lừa đảo. Qua đây cũng là bài học cho nhiều người, không vì tâm lý chủ quan, ngại tìm hiểu mà phó mặc cho người khác để rồi bị lừa.

Mới nhất
x
'Cò đất' đưa nhiều người sa bẫy, mất tiền tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO