Cơ sở vật chất trường học: Nỗi lo cũ trước năm học mới

11/08/2016 15:29

(Baonghean) - Chưa đến một tuần nữa là học sinh trên địa bàn tỉnh bắt đầu tựu trường, bước vào năm học mới. Thời gian gấp rút rồi, nhưng đến thời điểm này công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất ở một số địa phương nhất là địa bàn miền núi vẫn còn nhiều những bộn bề, ngổn ngang…

Bộn bề thiếu thốn ở vùng cao

Trường Tiểu học Lượng Minh đóng ở một trong những vùng khó khăn nhất của huyện miền núi Tương Dương. Vào năm học mới này, trường có thêm 4 lớp, nhưng tổng số phòng học không thay đổi. Nhà trường cũng đã tính đến nhường dãy làm việc để lấy phòng học cho học sinh, nhưng lại không biết sắp xếp dãy nhà hiệu bộ ở đâu.

Nhiều năm gắn với giáo dục vùng cao, thầy giáo, Hiệu trưởng Lô Văn Hải chia sẻ: “Hiện trường có 34 lớp với hơn 500 học sinh, nhưng lại chia thành 9 điểm trường lẻ, có những điểm trường cách xa trường chính hàng chục cây số nên việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn”.

Phòng nội trú của học sinh Trường THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương.
Phòng nội trú của học sinh Trường THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương.

Trường THCS Lưu Kiền hiện có hơn 100 học sinh ở nội trú (chiếm hơn 50% học sinh của trường), nhưng cơ sở vật chất cho dãy nhà ký túc xá vẫn chưa có gì. Phòng học, phòng bếp đang là nếp nhà gỗ cũ kỹ, dột nát. Cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Chỗ ăn, ở không ổn định thì rất đáng lo ngại, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và phụ huynh. Hơn nữa, nếu tình trạng này không được khắc phục sớm sẽ dẫn đến rất nhiều những hệ lụy mà nhất là gia tăng tình trạng học sinh bỏ học”.

Trên toàn huyện Tương Dương, thời gian qua việc đầu tư xây dựng trường lớp đã được chú trọng, đầu tư. Nhưng đến nay, huyện vẫn còn thiếu tới 114 phòng ký túc, 54 điểm trường thiếu nguồn nước, 45 điểm trường nhà vệ sinh còn tạm bợ. Rất nhiều trường học do xây dựng đã lâu nên thời điểm này xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu mới trong dạy và học. Bên cạnh đó, nhiều công trình dù đã lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, nhưng do thiếu vốn nên bị chậm tiến độ như Trường Tiểu học Yên Thắng, điểm trường Pà Khốm, Huồi Pòa (Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2)...

Toàn tỉnh hiện có 23.984 phòng học trong đó, số phòng tạm, mượn là 1.533 phòng. Số phòng bộ môn hiện có là 4.168 phòng, đáp ứng 78% so với nhu cầu. Nhiều phòng chức năng phục vụ học tập chưa đáp ứng theo quy định.

Vài năm trở lại đây, hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông DTNT THCS trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển và cho đến nay 27/42 trường theo quy hoạch đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do mới thành lập, chưa được đầu tư nhiều nên điều kiện hoạt động còn hết sức khó khăn. Trong đó, ngoài Trường PTDTNT THCS Tương Dương cơ sở vật chất cơ bản đã hoàn thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu dạy học, số còn lại đều đang phải học nhờ, học tạm. Đơn cử như Trường PTDTNT THCS Quỳ Châu hiện đang sử dụng cơ sở vật chất, khuôn viên của Trường Tiểu học Hạnh Thiết 2; Trường PTDTNT THCS Quỳ Hợp nhận bàn giao cơ sở vật chất khuôn viên của cơ sở 2 Trường Tiểu học thị trấn Quỳ Hợp. Trường PTDTNT THCS Quế Phong hiện đang học nhờ trong Trường THPT Quế Phong. Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn đang sử dụng cơ sở vật chất chung với Trường THCS thị trấn Kỳ Sơn.

Riêng hệ thống trường PT dân tộc bán trú THCS tuy mỗi năm số học sinh ở bán trú lên đến hàng nghìn em, nhưng số phòng ở cho học sinh bán trú hầu như chưa có, mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% so với nhu cầu. Nhà ăn, hệ thống các công trình phụ trợ phục vụ cho học sinh bán trú chủ yếu tạm bợ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học của nhà trường.

Khó khăn chung về vốn

Những năm gần đây, nguồn ngân sách để chi cho xây dựng cơ bản bị cắt giảm, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các trường học. Bên cạnh đó, các chương trình như đầu tư kiên cố hóa trường học, chương trình mục tiêu cho giáo dục ngày càng thu hẹp lại. Tại một số nơi, do việc tham mưu chủ trương đầu tư của các ngành liên quan có lúc còn chung chung, chưa cụ thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, cũng như tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Ngay tại địa bàn thành phố Vinh, tình trạng này cũng đang tồn tại và khó giải quyết. Đơn cử như Trường Mầm non Cửa Nam, các trường Tiểu học và THCS Hưng Phúc mặc dù thành phố đã lên kế hoạch nâng cấp, xây dựng mới nhiều năm, nhưng hiện tại vẫn chưa triển khai. Trường Tiểu học Vinh Tân, khởi công xây dựng từ năm 2010, nhưng do thiếu kinh phí thực hiện nên phải “treo” nhiều năm và cho đến năm học này mới bắt đầu hoàn thành để đi vào sử dụng.

Ở bậc THPT, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng dù là một trong những ngôi trường trọng điểm cũng phải gián đoạn trong nâng cấp, sửa chữa do nguồn vốn nhỏ giọt, vốn đối ứng của nhà trường không cân đối đủ. Ở huyện Yên Thành, ít nhất có 5 dự án đã lên kế hoạch xây dựng nhiều năm, nhưng hiện nay vẫn chưa triển khai hoặc đang dang dở.

Khu nhà làm nơi nấu ăn của học sinh Trường THCS Lưu Kiền
Khu nhà làm nơi nấu ăn của học sinh Trường THCS Lưu Kiền

Theo tổng hợp của Phòng Cơ sở vật chất - Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện mỗi năm tỉnh cấp gần 100 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, nhưng để đáp ứng được yêu cầu thực tế là không đủ. Hơn thế, nguồn vốn cũng cấp không đủ theo kế hoạch dẫn đến chậm tiến độ thực hiện. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm 2016, số vốn để nâng cấp các trường dân tộc nội trú theo chương trình mục tiêu giáo dục và đào tạo chỉ mới đạt 31%; nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản địa phương mới giải ngân được khoảng 50%.

Trao đổi của bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: “Do nguồn vốn hạn chế, trước mắt, sẽ ưu tiên các công trình đã có dự án đầu tư được phê duyệt, các dự án đã có chủ trương đầu tư được phê duyệt, các đơn vị vật chất quá khó khăn, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia; hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh trường học. Ngành Giáo dục mong muốn các địa phương đẩy mạnh việc xã hội hóa, gắn việc xây dựng trường học với xây dựng nông thôn mới, kêu gọi hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư…”.

Bà Nguyễn Thị Minh - Trưởng phòng Cơ sở vật chất, Sở Giáo dục và Đào tạo: Việc xây dựng trường học hiện nay được thực hiện theo cơ chế đối ứng với tỷ lệ từ 20 – 50% (theo từng khu vực thành thị, nông thôn, đồng bằng) là còn quá cao, gây nhiều khó khăn cho các nhà trường trong việc tự huy động vốn, xây dựng cơ sở vật chất.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cơ sở vật chất trường học: Nỗi lo cũ trước năm học mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO