'Có xã nợ nhà hàng, nợ quán kraraoke không trả được'

25/09/2016 07:21

Xung quanh việc Bộ Tài chính thí điểm khoán xe công cho thứ trưởng, trao đổi với Dân Việt, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, rất đáng hoan nghênh và trân trọng tinh thần tiết kiệm cho ngân sách của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, việc khoán chi tính theo khoảng cách giữa cơ quan với nhà ở cần phải đưa ra trao đổi, thảo luận thêm để làm sao thực sự khuyến khích và công bằng với những người sử dụng khác nhau.

Khoán xe công được áp dụng bắt buộc sẽ có hiệu lực hơn là khoán xe công như trước kia của Văn phòng Quốc hội có tính tự nguyện nhưng không có kết quả, ít người tham gia.

Ông Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, hiện nay, tình trạng lạm dụng xe công rất nghiêm trọng, có người đi nước ngoài còn cho người khác mượn xe đó để đi. Qua câu chuyện này cần siết chặt việc lạm dụng ngân sách một cách nghiêm túc.

“Hiện nay, so với việc chi tiêu ngân sách ở các nước thì ở nước ta hiện nay vô cùng tùy tiện và lãng phí, có sự lạm dụng cho các chi tiêu cá nhân. Như phản ánh vừa qua, có xã nợ nhà hàng, nợ quán kraraoke không trả được là những khoản chi rất vô lý”, ông Doanh nhấn mạnh.

ngân sách bị thâm hụt
Hình minh họa.

Cũng theo ông Doanh, ở các nước khoản được chi và không được chi được quy định rất rõ ràng. Ví dụ, một bộ trưởng này mời bộ trưởng khác khoản chi tối đa cũng được ghi rất cụ thể. Ngoài ra, phải nghiêm cấm việc quan chức mời khách xong rồi gọi doanh nghiệp ra thanh toán, kiểu tham nhũng đó rất rõ ràng và không thể nào chấp nhận được.

Ông Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nên đưa ra một mức khoán nói chung chứ nếu quá cụ thể thì lại thường xuyên phải sửa chữa. Việc áp dụng quãng đường để tính chi khoán cho lãnh đạo là quá sa đà vào vấn đề chi tiết sẽ rất khó tính, ngay cả chuyện tắc đường hay không tắc đường thì tính như thế nào cho chi phí…

Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng: Vấn đề này không rõ là Bộ Tài chính chỉ khoán từ nhà tới cơ quan làm việc trong tháng hay là khoán toàn bộ đi lại của các thứ trưởng.

Hình minh họa.
Ảnh có tính chất minh họa.

Còn việc đi công tác thì như thế nào, vẫn đi xe cơ quan hay sao? Trong khi, các lãnh đạo cũng thường xuyên đi công tác mà lúc đó vẫn đi xe riêng thì cũng chẳng giảm xe công đi được. Tức là vẫn phải sử dụng xe công, vẫn phải trả tiền cho chi phí bảo trì, bảo hành, bảo dưỡng và tiền trả lương cho lái xe. Trong khi, trước đó Bộ Tài chính cho biết mỗi một chiếc xe chi trung bình khoảng hơn 300 triệu mỗi năm. “Đã khoán là mục tiêu phải giảm số lượng xe, giảm chi phí thực sự cho ngân sách nhà nước”, ông Hải nói.

Còn PGS.TS. Định Trọng Thịnh (Học Viện tài chính) thì cho rằng, đây là một vấn đề rất lớn hiện nay chứ không phải là chuyện nhỏ. Hiện cán bộ có tiêu chuẩn được xe đưa xe đón ở các bộ, ngành và địa phương còn rất lớn. Chính vì thế, lượng xe công của Việt Nam như thống kê lên tới 40.000 xe. Chi phí bảo trì, bảo dưỡng, chi phí cho đội ngũ lái xe…hàng chục nghìn tỷ mỗi năm.

Nếu khoán xe thí điểm như Bộ Tài chính thì từ nhà tới cơ quan từ 4-9 triệu/tháng. “Dù là việc thử nghiệm trước mắt nhưng tôi cho rằng đây cũng là phương án rất dũng cảm. Hi vọng sẽ thành công để có thể áp dụng rộng rãi cho các cơ quan, bộ ban ngành để giảm chi phí ngân sách cho nhà nước”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cũng cho biết, trước đây, cũng đã có lần làm thử với mức khoán 9 triệu vào năm 2006 nhưng nhiều người vẫn không tham gia do khoán theo hình thức tự nguyện. “Nguyên nhân chính là khi đi xe công có biển xanh “oai hơn” được nhiều ưu tiên, nếu lên taxi đi lại có thêm phức tạp nên nhiều lãnh đạo không hưởng ứng”, ông Thịnh cho biết.

Ông Thịnh cũng cho rằng, từ việc giảm chi tiêu xe công tiến tới từng bước tính toán đầy đủ, tiết kiệm đối với ngân sách nhà nước chứ không thể để phung phí việc chi tiêu từ trước đến nay, từ đó giảm dần chi tiêu ngân sách. Hiện 70 – 80% chi tiêu của Việt Nam là chi tiêu thường xuyên, còn lại 20% là chi tiêu phát triển là rất gay go.

Theo danviet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
'Có xã nợ nhà hàng, nợ quán kraraoke không trả được'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO