Công chức gây oan sai thì bỏ tiền túi để bồi thường?

21/09/2016 06:36

Việc quy định chưa rõ về nội dung bồi thường dẫn đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người được bồi thường rất khó thống nhất với nhau.

Gặp khó do luật chưa rõ!

Thảo luận về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/9, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào thừa nhận thời gian giải quyết bồi thường án oan đối với một số vụ như vụ ông Phan Văn Lá ở Long An (bồi thường 300 triệu đồng), vụ ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình (bồi thường 23 tỉ đồng) còn chậm. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do quy trình pháp luật có gì vướng mắc mà là do xác định trách nhiệm bồi thường và mức độ thiệt hại.

Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hà
Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hà


Cũng theo ông Tống Anh Hào, quy định chưa cụ thể cũng dẫn đến khó xác định mức thiệt hại. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ ông Huỳnh Văn Nén phải mất thời gian dài để luật sư cung cấp tài liệu chứng minh.Như vụ ông Phan Văn Lá, toà xử sơ thẩm xử năm 1991 nhưng phiên tòa phúc thẩm cuối năm đó hủy án, chuyển về cơ quan điều tra và đến năm 2012 thì ông Lá đòi bồi thường. “Lúc đó xác định trách nhiệm bồi thường là ai? Theo luật thì cơ quan nào quyết định cuối cùng bồi thường nhưng vụ việc này lại ở khâu cơ quan điều tra, từ đó có nhiều cuộc họp kéo dài đến khi thống nhất thì việc bồi thường mới tiến hành” – ông Tống Anh Hào phân tích và cho rằng vụ ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình cũng tương tự.

“Quan điểm của TAND Tối cao trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn là chỉ đạo bồi thường ngay, nhưng cái khó là chứng minh thiệt hại chứ không phải các cơ quan không muốn bồi thường mà kéo dài” – ông Hào dẫn chứng và đề nghị luật cần làm rõ trách nhiệm bồi thường và liên đới bồi thường của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án; quy định rõ mức độ và chi tiết về xác định thiệt hại.

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cũng cho rằng cái khó nhất là quy định chưa rõ về nội dung bồi thường, do đó cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người được bồi thường rất khó thống nhất với nhau.

“Cách tính mức độ thiệt hại tinh thần và vật chất rất khó. Nói ra thì xấu hổ, bảo “cò kè bớt một thêm hai”, nhưng chúng ta cần có quy định rất chuẩn để cơ quan Nhà nước căn cứ vào đó như một ba-rem để tính toán mức bồi thường” – ông Thể nói.

Cũng theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, cần xác định rõ trường hợp nào phải bồi thường. Dễ xác định trách nhiệm trong án oan nhưng sai thì muôn hình vạn trạng. Cùng với đó là xác định khoản nào được bồi thường và giảm bớt thủ tục hành chính.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết cách tính toán thiệt hại để bồi thường với những thiệt hại về vật chất tính dễ hơn, nhưng thiệt hại về tinh thần cũng có cách tính toán và ban soạn thảo cố gắng đưa ra tiêu chí để lượng hoá các thiệt hại về tinh thần để đền bù.

“Bồi hoàn là bắt buộc, không phải thích thì làm”

Dự thảo Luật quy định người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ gây thiệt hại của mình.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực tế lâu nay dư luận rất bức xúc về việc Nhà nước phải trích nguồn ngân sách rất lớn để bồi thường, nhưng sau đó lại chưa rõ trách nhiệm của người gây oan sai, gây thiệt hại trong việc bồi hoàn số tiền Nhà nước đã bỏ ra thế nào.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng:
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: "Bồi hoàn không phải thích thì làm"


“Trong trường hợp này là bồi hoàn của người có lỗi với tổ chức, với cơ quan Nhà nước, là thái độ của công chức với tổ chức, tính bắt buộc rất cao nên không phải thích thì làm, không thích thì thôi. Cần nói rõ khái niệm bồi hoàn là gì? Ai bồi hoàn cho ai? Khi nào thì xong? Không bồi hoàn xử lý thế nào? Phải quy định rõ chứ thế này chẳng khác gì động viên” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.Nhấn mạnh Luật ban hành ra có tính bắt buộc thực hiện, có tác dụng răn đe, phòng ngừa, nâng cao trách nhiệm, uy tín của Nhà nước, nâng cao trách nhiệm công vụ của người thi hành, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng còn phân vân về quy định trách nhiệm bồi hoàn chưa rõ.

Giải trình thêm quy định về việc bồi hoàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng: “Nguyên tắc tất cả các công chức gây ra thiệt hại đều phải bồi hoàn. Luật sẽ thiết kế hợp lý để người ta ý thức việc phải bỏ tiền bồi thường thiệt hại do mình gây ra, nhưng cũng không đến mức “quá kinh khủng” để cán bộ không dám làm gì”.

Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc quy định rõ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vừa để thực hiện quyền con người, quyền công dân, vừa góp phần tăng cường trách nhiệm thi hành công vụ của công chức. Nhưng cần lưu ý quy định của Luật phải chặt chẽ, khả thi để phòng ngừa tâm lý e ngại, dè chừng trong thực thi công vụ của công chức.

Dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới đây để xin ý kiến./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Công chức gây oan sai thì bỏ tiền túi để bồi thường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO