Công nghệ 5G đã được triển khai như thế nào ở các thị trường châu Á trong năm 2022?

Phan Văn Hoà 13/01/2023 10:29

(Baonghean.vn) - Châu Á được xem là khu vực tiên phong trong việc triển khai 5G thương mại của thế giới với một số thị trường tiêu biểu như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,...

Cuộc đua thương mại hóa dịch vụ 5G vẫn tiếp tục trong bối cảnh mạng 5G đang được triển khai nhanh chóng trên toàn cầu. Các chuyên gia nhận định rằng, 5G đã phát triển nhanh hơn 4G hai năm kể từ khi công nghệ này được ra mắt. 5G được coi là nền tảng của một loạt các đổi mới công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), thành phố thông minh, xe tự lái và Internet vạn vật (IoT)…

Ảnh minh hoạ.

Trong phân khúc 5G, Báo cáo di động của Ericsson (Ericsson Mobility Report) xuất bản tháng 11/2022 cho thấy, gần 110 triệu thuê bao đã được bổ sung trên toàn cầu trong quý 3/2022, nâng tổng số thuê bao di động 5G toàn cầu tính đến cuối tháng 9 năm 2022 lên khoảng 870 triệu và đạt 1 tỷ thuê bao vào cuối năm 2022 và 5 tỷ vào cuối năm 2028.

Tốc độ triển khai nhanh của 5G đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó, bao gồm sự sẵn có của các thiết bị hỗ trợ 5G giá rẻ đến từ nhiều nhà cung cấp và việc triển khai 5G sớm trên quy mô lớn tại nhiều thị trường tiên phong như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ... Các nhà cung cấp dịch vụ lớn tại các thị trường này đã công bố kết quả tích cực của các thuê bao 5G về doanh thu dịch vụ và doanh thu trung bình trên mỗi người dùng.

Vì 5G là tiêu chuẩn thông tin di động toàn cầu mới nên các nhà cung cấp dịch vụ di động tại các thị trường mới nổi ở châu Á cũng đang lên kế hoạch tắt sóng các thế hệ di động trước đó, chẳng hạn như 2G và 3G, nhằm tái sử dụng phổ tần số này cho mạng 4G và 5G.

Bên cạnh đó, hiện các quốc gia ở châu Á đang bắt đầu hoặc tăng cường các kế hoạch số hóa của họ, thì việc phát triển 5G cũng là một trong những chiến lược để các quốc gia đạt được một nền kinh tế số năng động.

Trung Quốc

Trung Quốc được xem là quốc gia có mạng 5G và cáp quang lớn nhất thế giới. Quốc gia này cũng đã chứng kiến ​​sự phát triển ổn định trong việc triển khai các trạm gốc 5G.

Dữ liệu chính thức cho thấy sự phát triển mạng 5G ở nước này đã tiếp tục được mở rộng. Đến cuối tháng 11 năm 2022, số lượng trạm gốc 5G tại Trung Quốc đã ở mức 2,29 triệu, tăng 862.000 trạm so với cuối năm 2021.

Về thuê bao di động 5G, 3 nhà khai thác viễn thông lớn nhất Trung Quốc bao gồm China Telecom, China Mobile và China Unicom đã bổ sung 34,33 triệu thuê bao 5G trong tháng 11, nâng tổng số thuê bao di động 5G tại Trung Quốc lên 595,4 triệu thuê bao.

Vào tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc cũng đã trao giấy phép mạng 5G dùng riêng đầu tiên cho Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc để cung cấp kết nối 5G trong các nhà máy. Động thái này của Chính phủ Trung Quốc nhằm nỗ lực mở rộng các ứng dụng 5G sang các lĩnh vực công nghiệp.

Theo kế hoạch đề ra, các nhà mạng di động của Trung Quốc sẽ mở rộng vùng phủ sóng mạng 5G tới tất cả các thành phố và thị trấn vào năm 2025.

Nhật Bản

Mạng 5G thương mại đã được các nhà mạng di động lớn của Nhật Bản là NTT Docomo, KDDI và SoftBank ra mắt tại thị trường Nhật Bản vào tháng 3/2020. Việc triển khai mạng 5G của các nhà cung cấp dịch vụ di động của Nhật Bản ban đầu tập trung vào các khu vực đô thị và những nơi tập trung đông người như các sân bay, ga tàu…, nhằm mục đích phủ sóng 95% dân số vào tháng 3/2024 và phủ sóng 99% dân số vào năm 2031.

5G là một trong những chìa khóa để tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp tại Nhật Bản.

Sau gần 3 năm triển khai mạng 5G thương mại, tỷ lệ phủ sóng mạng 5G tại quốc gia này đã đạt gần 40% dân số, với khoảng 22.000 trạm gốc 5G đã được triển khai. Đến tháng 3/2022, số thuê bao di động 5G tại Nhật Bản đã đạt 45 triệu thuê bao.

Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai 5G thương mại vào tháng 4/2019, đây được xem là một trong những quốc gia tiên phong và áp dụng nhanh nhất công nghệ 5G. Tổng số thuê bao 5G tại Hàn Quốc tính đến cuối tháng 7/2022 đã đạt 25,1 triệu thuê bao, chiếm 33,3% tổng số thuê bao di động cả nước.

Sau gần 4 năm triển khai thương mại 5G, vào tháng 11 năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã công bố kết quả đánh giá việc đáp ứng các điều kiện cấp phép phổ tần số 5G cho các nhà mạng.

Kết quả đánh giá cho thấy, các nhà mạng di động đã hoàn thành số lượng trạm gốc quy định ở băng tần 3,5 GHz (22.500 trạm gốc) nhưng tất cả đều không đạt mục tiêu triển khai được 15.000 trạm gốc ở băng tần 28 GHz trên toàn quốc như cam kết với Chính phủ.

Với kết quả như vậy, Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc đã quyết định thu hồi giấy phép sử dụng băng tần 28 GHz của 2 nhà mạng KT Telecom và LG Uplus. Trong khi đó, nhà mạng di động lớn nhất Hàn Quốc, SK Telecom được cho phép kéo dài thời hạn đến tháng 5 năm 2023, sau thời điểm này nếu nhà mạng không thực hiện cam kết triển khai 15.000 trạm gốc trong băng tần 28 GHz thì Chính phủ sẽ thu hồi giấy phép như hai nhà mạng trên.

Trong một tuyên bố mới được đưa ra gần đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc Park Yun Kyu cho biết: “Trong tương lai, Chính phủ sẽ khuyến khích các nhà khai thác di động mới tham gia vào lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà khai thác di động hiện có, chẳng hạn như chỉ cấp giấy phép phổ tần số cho chỉ một nhà khai thác để thúc đẩy các dịch vụ viễn thông di động 5G”.

Singapore

Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phủ sóng hoàn toàn bằng mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập (5G SA - Standalone), sau khi nhà mạng Singtel của nước này chính thức đạt tỷ lệ phủ sóng 5G lên tới 95%, sớm hơn 3 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra là năm 2025. Cột mốc quan trọng này đã đưa Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới được phủ sóng hoàn toàn bằng mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập

Ngoài Singtel, các nhà cung cấp dịch vụ di động khác như M1 và Starhub cũng đang đẩy nhanh tốc độ phủ sóng 5G, trong đó đối thủ M1 của Singtel hiện đã đạt độ bao phủ 75%, phấn đấu đạt 95% vào cuối năm 2022. Cùng với đó, các nhà mạng di động của Singapore cũng đang tập trung phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên công nghệ 5G cho các doanh nghiệp với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các cơ quan quản lý.

Kể từ khi bắt đầu ra mắt 5G, Chính phủ Singapore đã xác định 6 lĩnh vực chiến lược mà 5G có thể mang lại cơ hội, bao gồm hoạt động hàng hải, di động đô thị, bất động sản thông minh, Công nghiệp 4.0, ứng dụng tiêu dùng và ứng dụng của Chính phủ.

Trong bối cảnh các dịch vụ 5G SA có sẵn được cung cấp trên nền tảng băng tần 3,5 GHz, một loạt các dịch vụ di động đang được cung cấp để quảng bá hơn nữa các ứng dụng 5G cho người dùng, chẳng hạn như các gói dịch vụ phát trực tuyến video và chơi game trên đám mây.

Thái Lan

Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á triển khai dịch vụ 5G thương mại. Các nhà cung cấp dịch vụ di động Thái Lan đã nhanh chóng triển khai vùng phủ sóng 5G trên toàn quốc và 5G hiện đã bao phủ hơn 80% dân số của quốc gia này. Tính đến cuối quý 2/2022, số thuê bao di động 5G của Thái Lan đã đạt mốc 7,3 triệu.

Công ty Tư vấn và Phân tích dữ liệu GlobalData dự báo rằng tổng doanh thu dịch vụ di động ở Thái Lan sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,9% từ 8,5 tỷ USD vào năm 2022 lên 10,8 tỷ USD vào năm 2027, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự gia tăng số lượng đăng ký 5G và tăng doanh thu dữ liệu trung bình trên mỗi người dùng.

Malaysia

Malaysia đang triển khai 5G thông qua một mạng bán buôn duy nhất thuộc sở hữu của Nhà nước sau đó cho phép các công ty viễn thông nắm giữ cổ phần để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và tăng tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng. Malaysia đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 40% dân số, vào cuối năm 2022 và 80% dân số vào năm 2024. Hiện tại, 5 nhà cung cấp dịch vụ di động của Malaysia đã bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G cho người dùng.

Philippines

Philippines là quốc gia đầu tiên trong khu vực triển khai 5G FWA vào tháng 6 năm 2019. Đến tháng 2 năm 2020, quốc gia này bắt đầu thương mại hóa dịch vụ di động 5G sử dụng băng tần 3,5 GHz. Dựa trên kết quả đo kiểm Speedtest của Tổ chức Ookla cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2022, nhà khai thác di động lớn nhất Philippines là Smart đã phủ sóng đến 25,5% dân số và triển khai được 7.300 trạm gốc 5G trên toàn quốc, trong khi đó một nhà khai thác di động lớn khác là Globe cũng đã phủ sóng được 15,3% dân số.

Indonesia

Công nghệ 5G đã được phủ sóng ở các thành phố lớn của Indonesia kể từ năm 2021. Các nhà cung cấp dịch vụ di động hàng đầu của Indonesia đã cung cấp dịch vụ 5G thương mại thông qua các băng tần đã được cấp phép bao gồm các băng tần 1.800 MHz, 2.100 MHz và 2.300 MHz. Tuy nhiên, việc triển khai mạng 5G đã bị chậm lại do thiếu phổ tần số trong băng tần trung (mid-band). Dự kiến, các phổ tần số mới dành cho 5G (700 MHz, 2,6 GHz, 3,5 GHz và 26 GHz) có thể sẽ được cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ di động Indonesia từ năm 2023.

Ấn Độ

Phiên đấu giá các băng tần 700 MHz, 800 MHz, 900 MHz, 1.800 MHz, 2.100 MHz, 3.300 MHz và 26 GHz dành cho 5G ở Ấn Độ đã kết thúc vào đầu tháng 8 năm ngoái, mang về cho ngân sách Chính phủ gần 19 tỷ USD, trong đó nhà mạng di động lớn nhất của Ấn Độ là Reliance Jio đã phải bỏ ra hơn 11 tỷ USD để sở hữu phổ tần số cần thiết cho việc triển khai 5G.

Theo các báo cáo gần đây, 2 nhà mạng di động lớn nhất của Ấn Độ là Reliance Jio và Bharti Airtel đã triển khai gần 33.000 trạm gốc cho các dịch vụ 5G vào cuối năm 2022. Vùng phủ sóng 5G cũng được các nhà mạng di động Ấn Độ liên tục mở rộng, đến nay nhà mạng Reliance Jio đã triển khai 5G thương mại tại 78 thành phố trên khắp Ấn Độ, dự kiến nhà mạng này sẽ phủ sóng 5G trên toàn quốc vào tháng 12/2023; trong khi đó nhà mạng di động Bharti Airtel cũng đã phủ sóng 5G đến 17 thành phố và dự kiến sẽ phủ sóng toàn quốc vào tháng 3/2024.

Khác với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty trong nước nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thiết bị 5G do chính Việt Nam sản xuất.

Bắt đầu triển khai thử nghiệm 5G từ năm 2020, Việt Nam là một trong số những quốc gia sớm thực hiện thí điểm và ứng dụng 5G so với các khu vực và thế giới. Tính đến tháng 10/2022, các cuộc thử nghiệm 5G thương mại đang diễn ra ở 55 tỉnh, thành phố.

Để phổ biến hơn nữa công nghệ này, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiến hành thí điểm 5G ở các khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu,... Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dân số sẽ có kết nối 5G.

Mới nhất

x
Công nghệ 5G đã được triển khai như thế nào ở các thị trường châu Á trong năm 2022?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO