Xã hội

Công nhân, lao động 'sống mòn' với lương tối thiểu

Trần Nguyệt - Diệp Thanh 19/11/2024 6:30

Người lao động chỉ có thể yên tâm lao động, sản xuất khi những vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo, được thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của cuộc sống. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những nhu cầu trên vẫn chưa thể đáp ứng, dẫn đến những bất cập và hệ lụy không mong muốn.

Mức lương không đủ trang trải

Theo các chuyên gia, tại các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, người lao động đang phải nhận một mức lương quá thấp, chưa đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là bài toán lợi ích của doanh nghiệp và người lao động chưa được giải quyết thỏa đáng.

bna_tiếp xúc cử tri công nhân Diễn Châu Ảnh Diệp Thanh00003.JPG
Người lao động kiến nghị về mức sống với lương tối thiểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Diệp Thanh

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam chia sẻ: “Người lao động cần mức thu nhập để bảo đảm ăn uống, sinh hoạt, sức khỏe, phúc lợi của bản thân và gia đình trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, họ cũng cần thu nhập đủ để dự phòng những khi thất nghiệp, ốm đau, già hóa hoặc những hoàn cảnh khách quan khác. Tuy nhiên, với mức thu nhập nhiều rủi ro của lương tối thiểu, gia đình họ chỉ có thể “sống mòn”.

Hầu hết các doanh nghiệp đã biến mức lương tối thiểu vùng thành mức lương bình quân để chi trả, dao động từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Điều này vừa giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí tiền lương, lách bớt tiền đóng bảo hiểm, xã hội, còn công nhân, lao động lại hưởng các chế độ an sinh thấp.

Tổng thu nhập của người lao động sẽ là lương tối thiểu cộng thêm phụ cấp, trợ cấp, làm thêm, tăng ca, rơi vào khoảng 5-10 triệu đồng. Với chi phí sinh hoạt như hiện nay, số tiền đó chỉ có thể duy trì cuộc sống cơ bản, không thể tích góp, đề phòng rủi ro”.

Trong nhiều cuộc ngừng việc tập thể thời gian qua, kiến nghị chính của công nhân lao động đều xoay quanh vấn đề thu nhập, trong đó, tiền lương chính là mấu chốt của thu nhập. Trong cuộc đình công diễn ra cách đây 1 năm tại một doanh nghiệp ở Diễn Châu, nhiều công nhân bức xúc vì mức lương tối thiểu nhận được quá thấp, không thể đảm bảo cuộc sống.

“Khi chúng tôi kiến nghị về mức lương, chủ doanh nghiệp trả lời, mức lương đó đã cao hơn mức tối thiểu vùng, và họ khẳng định họ không vi phạm luật. Đúng là như thế, nhưng kể cả đã trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút, thu nhập chung của chúng tôi vẫn rất chật vật, phải giật gấu vá vai. Chính vì vậy, mỗi khi bị trừ điểm chuyên cần, bị phạt những lý do nhỏ, chúng tôi cũng cảm thấy bức xúc” - chị Trần Thị H., một công nhân chia sẻ trong cuộc ngừng việc tập thể tháng 10/2023.

bna_Chị Mai Hương trò chuyện lấy ý kiến công nhân lao động tại khu nhà trọ (1).jpg
Lấy ý kiến công nhân lao động tại khu nhà trọ. Ảnh: CSCC

Quê ở huyện Quỳ Hợp, xuống Vinh làm công nhân tại Khu công nghiệp VSIP, chị Lê Thị Quỳnh Trang (Công ty TNHH Luxshare ICT) thổ lộ: “Mức thu nhập trung bình mỗi tháng của tôi là gần 6 triệu đồng, của chồng là 10 triệu đồng. Vì tự nấu ăn và chi tiêu dè sẻn nên chúng tôi chỉ mất khoảng 5 triệu đồng/tháng cho ăn uống, chợ búa, điện nước, 1 triệu rưỡi tiền nhà. Thăm hỏi, xăng xe cũng mất 2 triệu đồng, mỗi tháng gửi về cho bố mẹ ở quê 3 triệu đồng để nuôi con. Còn lại một ít cố gắng tiết kiệm nhưng cũng tháng có, tháng không... Giấc mơ về một ngôi nhà an cư, lạc nghiệp quá xa vời”.

Câu chuyện của chị Trang cũng là tình trạng chung của hầu hết công nhân lao động xa quê. Công việc áp lực, đồng lương ít ỏi, tằn tiện chi tiêu kéo dài nên sức khỏe người lao động cũng không đảm bảo. Môi trường sống của các lao động cũng chủ yếu ở trong các khu nhà trọ ẩm thấp, xuống cấp, nóng vào mùa Hè, lạnh vào mùa Đông.

Những đứa trẻ con công nhân cũng thiệt thòi khi buộc phải lựa chọn ở với ông bà ở quê hoặc ở với bố mẹ ở các khu công nghiệp. Nếu chọn ở gần bố mẹ thì sẽ thiếu điều kiện sinh hoạt tối thiểu tại các nhà trọ, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần. Nếu ở cùng ông bà ở quê thì lại thiếu sự chăm sóc, tình cảm của bố mẹ.

“Mức lương và thu nhập hiện nay khiến bài toán an sinh đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người lao động rất xa vời. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp vì muốn tối đa hóa lợi nhuận nên có sự liên kết với nhau để ghim mức chi trả lương ở mức sàn của luật để tối đa hóa lợi nhuận”, ông Nguyễn Chí Công- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An nói.

công nhân lao động. Ảnh Diệp Thanh.
Công nhân lao động gặp nhiều khó khăn khi mức lương tối thiểu vùng thấp. Ảnh: Diệp Thanh.

Cần những chính sách đồng bộ

Để giải quyết những vấn đề bất cập liên quan đến đời sống lao động, cần có những giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

“Để cải thiện đời sống công nhân, trước hết, cần cải cách về chính sách tiền lương tối thiểu của người lao động, cần đánh giá đúng thực trạng để điều chỉnh phù hợp nhu cầu sống tối thiểu. Đây cũng là yếu tố trực tiếp tác động đến quan hệ lao động. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có chính sách đào tạo công nhân có tay nghề, đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, giảm thiểu tình trạng công nhân phải lao động thủ công, nặng nhọc, làm việc thiếu kỹ năng tay nghề. Trong đào tạo nghề, nhất là ở các trường đại học, tránh đào tạo theo “trào lưu”, mà cần đào tạo theo nhu cầu sử dụng. Người lao động khi đào tạo nghề cần gắn với đào tạo ngoại ngữ để có thể làm việc với các ông chủ doanh nghiệp nước ngoài” - bà Hoàng Thị Thu Hương nói.

Công nhân tham gia thay dầu miễn phí còn có cơ hội nhận quà tặng. Ảnh: CSCC
Công nhân thay dầu miễn phí cho xe tại một hoạt động phúc lợi trong Tháng Công nhân. Ảnh: CSCC

Liên quan đến đời sống người lao động, trong 2 cuộc tiếp xúc cử tri là công nhân lao động trong năm nay, vấn đề nhà ở công nhân, nơi giao lưu sinh hoạt thể thao, văn hóa, trường học, nhà trẻ dành cho con công nhân là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, kiến nghị của công nhân lao động. Bên cạnh đó, nhiều lao động nữ cùng kiến nghị thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân khu công nghiệp, xây dựng trung tâm y tế khu công nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các khoản vay ưu đãi cho công nhân các khu công nghiệp, giúp họ có điều kiện tài chính cần thiết để mua nhà, thuê nhà ở xã hội, an cư hay ổn định chỗ ở.

"Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp, hiện nay có lãi suất 6,5% là quá cao, thậm chí cao hơn lãi suất của ngân hàng thương mại. Đồng thời, chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm học phí cho con công nhân lao động làm việc hợp đồng lao động trong các khu công nghiệp vì mức học phí hiện hành cao so với thu nhập của công nhân lao động nói chung” - công nhân Trần Văn Tài (Công ty CP May Minh Anh Kim Liên) nói.

Khu nhà trọ công nhân ở Bắc Vinh. Ảnh: Diệp Thanh
Khu nhà trọ công nhân ở Bắc Vinh. Ảnh: Diệp Thanh

Cũng với nội dung trên, tại hội thảo góp ý xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi, nhiều đại biểu cho rằng, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động tại doanh nghiệp, việc tăng cường vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn trong các quy định luật pháp là điều cần thiết.

Với tầm nhìn dài hạn, Nhà nước cũng cần nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột. Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế… tránh nguy cơ vỡ các quỹ truyền thống này, qua đó góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta.

Mới nhất
x
Công nhân, lao động 'sống mòn' với lương tối thiểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO