Cốt cách người miền Trung qua thơ Thạch Quỳ
(Baonghean.vn) Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai từng khái quát:"Người Nghệ - Tĩnh can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, tằn tiện đến cá gỗ". Nét riêng này đã ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác của các tác giả gắn bó khăng khít với mảnh đấtnày trong đó có Thạch Quỳ.
Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh năm 1941, tại làng Đông Bích, dưới chân núi Quỳ Sơn (dân địa phương gọi là rú Cuồi) thuộc xã Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An, trong một gia đình trí thức Nho học. Ông nội nhà thơ thuộc dòng dõi khoa bảng, ông ngoại từng thi đỗ ba khoá tú tài,bà ngoại và mẹ là cả một kho tàng văn học dân gian. Cho đến nay, Thạch Quỳđã cho ra mắt 8 tập thơ: Sao và đất (in chung, 1967), Tảng đá nhành cây (1973), Nguồn gốc cơn mưa (thơ thiếu nhi 1978), Con chim Tà Vặt(1985), Cuối cùng vẫn một mình em (1996), Đêm giáng sinh (2004), Tuyển thơ Thạch Quỳ (2009), Bức tượng (2010).Anh là một trong những tên tuổi sáng giá của thế hệ những cây bút trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và vững bước trên con đường thi ca đầy chông gai cho đến bây giờ.
Nhà thơ Thạch Quỳ chụp ảnh lưu niệm với các học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: TL
Thời niên thiếu, anh vừa đi học vừa phải chăn trâu, cắt cỏ dưới chân núi Quỳ và bút danh Thạch Quỳ sinh ra từđó (Thạch Quỳ là tảng đá ở núi Quỳ). Những vần thơđầu tiên anh ngồi viết trên tảng đá ấy là những vần thơ bắt chước những bài hát đồng dao của lũ trẻ chăn trâu quê anh: Nhổ lác nhổ từng cây/ Nhổ năn măn từng rễ/ Lưng cúi gập suốt ngày/ Bắp chân đầm máu đĩa... (Bài hát của những người nhổ cỏ năn, cỏ lác ở vùng đồng chiêm trũng).
Nếu không phải là người trong cuộc chắc không thể viết được những câu thơ giàu chất hiện thực như thế. Có lẽ phải trải qua những tháng năm khó khăn ấy mà sau này, khi viết về cái nghèo, cái đói không nhà thơ nào ở xứ ta diễn tả sinh động như anh, hóm hỉnh như anh, thấm thía và sâu sắc như anh: Cái nghèo đội nón cời và nhón chân từng bước/ Cười sưa răng trên miệng ấm sứt vòi. Anh nhân hóa cái nghèo thành một kẻ vô cùng ranh mãnh: Mày núp trong vừng trán mẹ răn reo/Mày ẩn dưới gót chân em nứt nẻ / Mày luồn lọt qua trăm ngàn mối chỉ/ Để nằm trong mảnh vá áo con ta/ Đêm ta ngủ thì mày hóa kiến/ Bò nôn nao trong ruột đói của ta"... Nhưng người dân quê anh nói riêng và người miền Trung nói chung không cam chịu cảnh nghèo. Cái mà nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai đúc kết "tằn tiện đến cá gỗ" là muốn nói đến nghị lực dùi mài kinh sử của những ông đồ xứ Nghệ. Thạch Quỳ cũng đã thể hiện cái ý chí, cái nghị lực phi thường ấy theo cách riêng của mình: Lòng viên sỏi vẫn giữ màu máu đỏ/ Núi nghiêng vai vác con đường lên (Tặng những cô gái đập đá bên đường không tên); Giọt mưa gom hạt bụi hóa phù sa (Gom nhặt trên bãi bom B.52); Nửa phần đời chong mắt đèn xó tối/Nửa phần đời khép mắt ngóng ngày lên (Nửa phần đời)...
Về con người Thạch Quỳ, nhà thơ Võ Văn Trực nhận xét: Vì yêu quê đến câu nệ, đến "cố chấp", anh cố giữđược bản tính của quê hương đôi lúc gàn dở và cực đoan - người ta thường gọi là "cái gàn của anh đồ Nghệ".Cái bản tính thẳng thắn, khảng khái, cương trực của anh không chỉđược thừa hưởng từ ren di truyền mà còn được thừa hưởng từ các bậc tiền bối vùng quê Nghệ - Tĩnh như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu...
Đọc lại toàn bộ thơ Thạch Quỳ, điều dễ nhận nhất là cái khí chất mạnh mẽ và đầy bản lĩnh của một cây bút từng trải:Trơ trơ tảng đá/ Đá đổ mồ hôi/ Biết hay không biết/ Lầm lì mồ côi (Tảng đá);Mặc dù trải qua bao gian nan, thử thách, song anh vẫn không nguôi khát vọng: Từng đối mặt với bạo tàn, chết chóc / Máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn / Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết / Nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn. Anh khảng khái tuyên bố: Những đau khổ không làm tôi gục xuống (Tôi). Có người nói đùa ruột Thạch Quỳ còn thẳng hơn ruột ngựa, tính cách Thạch Quỳ còn rắn hơn cả những tảng đá ở núi Quỳ quê anh!
Thạch Quỳ không chỉ có thế! Anh còn là nhà thơ của những suy tư, trăn trở: "Bàng hoàng giữa một ngày/ Mình sống hay chẳng sống?"(Không đề); Nghìn năm mưa đã từng mưa/ Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào? (Lời nghìn năm); Tôi chờ ai nữa? Mùa thu rộng/ Gió thả bên trời lá liễu bay (Mây trắng mùa thu)... Anh là nhà thơ của những triết lý, chiêm nghiệm: "Lưỡi gươm ròng ròng máu tươi/ Nước mắt ướt đầm yên ngựa/Chỉ có đất với trời và cỏ/Hiểu đường đi của giọt máu người" (Qua đền Cuông ghi chuyện cũ); Cụđi tìm chân kinh/ ở thứ kinh không chữ (Bên mộ Nguyễn Du); Anh còn là nhà thơ của tình yêu lứa đôi: Trời đã tết. Khói xanh mờ bụi nước/ Góc vườn con, hoa mận đã đơm khuy/ Lòng nhưđất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về (Đợi em ngày giáp tết); Anh yêu em hơn thần thánh yêu nhau/ Một khẽ chạm tay, rung toàn cơ thể (Không đề); Đó là chiều nắng nhạt lá thông rơi/ Đó là sớm kim chi màu cỏ biếc. Tôi trở lại sau mười năm cách biệt/ Bên em trước cỏ lặng yên ngồi (Huế)... Nhưng theo tôi, cái cứng rắn, cái thẳng thắn, cái khảng khái trong thơ Thạch Quỳ thể hiện cốt cách của người miền Trung rõ nét hơn cả. Điều đó đã góp phần quan trọng giúp cho thơ anh có sức lan tỏa và sức sống lâu bền.
Mảnh đất miền Trung là mảnh đất giàu truyền thống thơ ca. Nhiều nhà thơ tài danh đã sinh ra trên mảnh đất này. Thời trung đại có Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tùng Thiện Vương, Nguyễn Hàm Ninh... Thời Thơ Mới có Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có Thâm Tâm, Hữu Loan, Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Thanh Thảo... Bằng tài năng và tâm huyết của mình, các nhà thơ miền Trung đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nền thơ ca nước nhà qua các thời đại. Tìm hiểu cốt cách người miền Trung trong thơ Thạch Quỳ cũng chính là tìm hiểu bản sắc riêng của tác giả, của từng vùng miền khác nhau. Thơ dù đổi mới, cách tân đến đâu nhưng nếu đánh mất bản sắc của mình, của quê hương mình, của dân tộc mình thì khó lòng có sức lan tỏa và sức sống lâu bền.
Mai Văn Hoan