Cứ đăng ảnh con lên Facebook là phạm luật?

07/06/2017 07:31

(Baonghean) - Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, đi kèm là Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật. Được đánh giá là có nhiều điểm mới, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em, tuy nhiên, dư luận vẫn còn băn khoăn về một số nội dung quy định trong Luật.

Cấm tự tiện đăng hình trẻ em lên mạng

Nhiều người dùng Facebook những ngày gần đây liên tục chia sẻ bức ảnh chụp lại một biên bản thoả thuận sử dụng hình ảnh trẻ em lên mạng xã hội. Biên bản được lập với thể thức khá quy chuẩn, trong đó, “Bên người lớn” là ông Trần Thanh S. – chức vụ Bố và bà Ninh Thị Thuỳ D. – chức vụ Mẹ, địa chỉ ở TP Bắc Kạn; “Bên trẻ em” là ông Trần Thanh Đ. và bà Trần Khánh V. – chức vụ Con.

Trong biên bản, 2 bên cùng thống nhất: Bên trẻ em đồng ý cho Bên người lớn thoải mái đăng ảnh lên mạng xã hội như Facebook, Zalo… mà không kiện cáo, thắc mắc, đòi hỏi bất cứ điều gì. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì khó khăn, vướng mắc, hai bên sẽ cùng nhau giải quyết trên tinh thần hợp tác. Biên bản là cơ sở để Bên người lớn yên tâm đăng ảnh Bên trẻ em lên mạng xã hội mà không lo sai luật, đi tù!

Biên bản
Biên bản "hot" được chia sẻ rộng rãi trên Facebook những ngày gần đây. Ảnh: Internet

Đây chỉ là một trong nhiều cách thể hiện thái độ của các bậc phụ huynh về quy định mới trong Luật Trẻ em 2016. Đặc biệt là những nội dung ở Chương IV “Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, Nghị định 56/2017/NĐ-CP.

Điều 36, Chương IV quy định: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em”.

Chị Hương Lan (phường Lê Mao, TP. Vinh) - một phụ huynh có 2 con trai lên 5 tuổi và 8 tuổi bày tỏ băn khoăn: “Khi nghe thông tin cấm đăng hình ảnh con lên mạng, tôi tưởng… đùa! Sau khi biết là quy định mới của Luật Trẻ em thì tôi có tìm hiểu, nghiên cứu kỹ. Luật cho rằng, trẻ em 7 tuổi trở lên là đã đủ năng lực quyết định việc đăng hay không đăng thông tin bí mật đời sống riêng tư nhưng tôi nghĩ chưa phù hợp”.

Cùng quan điểm với chị Lan, rất nhiều phụ huynh khi được hỏi đều thắc mắc, chẳng lẽ bất cứ khi nào muốn đăng ảnh con, hoặc ảnh gia đình có mặt con, đều phải xin phép?

Cấm tự tiện đăng hình trẻ em lên mạng là điểm mới đáng chú ý trong Luật trẻ em năm 2016. (Ảnh minh họa - Internet)
Cấm tự tiện đăng hình trẻ em lên mạng là điểm mới đáng chú ý trong Luật trẻ em năm 2016. (Ảnh minh họa - Internet)


Quy định này cũng dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ phía các nhiếp ảnh gia. Đa phần băn khoăn, nhiều trường hợp chụp sự kiện văn nghệ, thể thao, khai giảng… có xuất hiện hình ảnh của trẻ em thì vấn đề đăng tải nên làm như thế nào cho đúng?

Muốn không sai luật thì phải xin phép, nhưng trong khung hình có thể xuất hiện 5, 7 cháu thì phải làm sao, xin phép người giám hộ của từng cháu một hay chỉ cần xin phép thầy cô, nhà trường? Thủ tục xin phép ra sao, có cần người làm chứng hay chứng nhận của cơ quan chức năng hay không?

Nâng nhận thức về quyền trẻ em

Bàn về những băn khoăn xung quanh quy định “Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, TS.Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự phân tích: “Cần hiểu đúng quy định này là việc đăng hình trẻ em lên mạng xã hội, đăng bảng điểm của con lên mạng, hay các hành vi khác mà không có sự cho phép của con trẻ trên 7 tuổi hoặc người giám hộ hợp pháp là vi phạm pháp luật. Tức là pháp luật không nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi này, tuy nhiên, cần có sự đồng ý của trẻ hoặc người giám hộ.

Không phải cứ đưa hình ảnh con em mình lên các trang mạng xã hội đều là hành vi vi phạm mà theo tôi, quy định này muốn nhấn mạnh về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình và sự cần thiết để trẻ em được bảo vệ một cách toàn diện trước những nguy cơ bị xâm phạm về uy tín, danh dự, nhân phẩm cũng như đời sống riêng tư”.

Về những thắc mắc cho rằng trẻ 7 tuổi đã đủ nhận thức để quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân chưa, các luật sư khẳng định, theo thông lệ lập pháp của Việt Nam, 7 tuổi được coi là độ tuổi trẻ em đã có được nhận thức tương đối đầy đủ và nhận định được những quyết định có lợi cho bản thân, nên khi thực hiện các hoạt động liên quan đến nhân thân của trẻ (như cha mẹ ly dị, đăng tải hình ảnh riêng tư, thông tin cá nhân…) thì cần có sự đồng thuận của trẻ.

Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, hiện nay việc cha mẹ tùy tiện đăng ảnh của con cái diễn ra thường xuyên, phổ biến, trong đó có không ít hình ảnh phản cảm. Phụ huynh cần nhận thức rằng những hình ảnh trẻ không mặc quần áo khi đăng lên sẽ dễ bị sử dụng cho các mục đích khiêu dâm; hay những bức ảnh chụp những khoảnh khắc mà sau này khi lớn lên, trẻ cảm thấy xấu hổ đều có thể gây tổn thương đến trẻ. Cho dù Luật Trẻ em chưa quy định cụ thể, nhưng trẻ em vẫn có quyền về hình ảnh theo Bộ luật Dân sự và không ai có quyền sử dụng hình ảnh người khác một cách tùy tiện.

Về chế tài xử phạt vi phạm, luật sư Nguyễn Trọng Hải cho biết, đến nay chế tài xử phạt khi vi phạm Luật Trẻ em là chưa có quy định cụ thể, chi tiết. Tuy vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, có thể căn cứ vào những quy định pháp luật khác có liên quan để xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em.

Chẳng hạn, đối với hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em trên môi trường mạng, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng căn cứ vào Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP).

Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ, hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để Luật Trẻ em đi vào cuộc sống vẫn là nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, của mỗi phụ huynh và chính trẻ em về quyền và nghĩa vụ của mình, đánh giá các rủi ro, tự bảo vệ, tìm kiếm các trợ giúp khi cần thiết. Một điều mà trẻ em và phụ huynh có thể làm ngay để bảo vệ bản thân và gia đình là: không cung cấp thông tin cá nhân, đời sống riêng tư và gia đình cho người lạ; hãy cân nhắc và thiết lập chế độ riêng tư khi đăng các thông tin này lên mạng xã hội. Cùng với đó, hy vọng trong tương lai gần, sẽ có những quy định cụ thể về chế tài xử phạt để Luật Trẻ em được thực thi nghiêm túc và khả thi trong đời sống.

Nghệ An hiện có trên 895.000 trẻ em từ 0 - 16 tuổi, chiếm 29,86% dân số. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 20.721 em, chiếm 2,6% tổng số trẻ em. Có 113.832 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý hữu ích để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.

Khi gặp vấn đề rắc rối, trẻ hay phụ huynh có thể cung cấp các thông tin về các hành vi gây bất lợi cho trẻ - kể cả hành vi là của bố mẹ qua số máy (04) 82241231/2241232 của Trung tâm hỗ trợ và phát triển thiếu nhi Việt Nam (thuộc T.Ư Đoàn); hoặc tổng đài quốc gia về trẻ em do Cục Trẻ em vận hành, hoạt động 24/24h theo số 18001567.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cứ đăng ảnh con lên Facebook là phạm luật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO