Cuộc chiến với tin đồn kinh tế bịa đặt
(Baonghean) - Ngày 15/12, Tổng Cục an ninh Bộ Công an bắt giữ Nguyễn Xuân Long (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) và nghi can khác ngụ Lâm Đồng. Hai người này cùng quản trị trang mạng do một người ở Mỹ lập ra (từ tháng 9), đã sáng tác hoặc dẫn những thông tin bịa đặt về việc Việt Nam sắp đổi tiền.
Ảnh minh họa |
Trước đó, ngày 1/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định mạnh mẽ rằng tin đồn trên mạng xã hội gần đây về việc sắp đổi tiền là thông tin hoàn toàn bịa đặt và có dụng ý xấu. Đồng thời, việc thay đổi mệnh giá tiền của một số nước trên thế giới vừa qua không ảnh hưởng và không liên quan đến sự ổn định của đồng tiền Việt Nam. Người dân cần cảnh giác và đấu tranh trước những thông tin sai lệch, bịa đặt trên để tránh thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh tiền tệ quốc gia.
Hàng chục năm trước đây, thị trường cũng đã chứng kiến làn sóng các tin đồn và cơn sốt giá đủ loại, về chứng khoán, về bất động sản và một số nguyên vật liệu xây dựng, về ngoại tệ và tỷ giá USD, về gạo và cả về đổi tiền… Thực tế, một số người dân đã có tâm lý hoang mang. Thậm chí, có người vừa bán nhà, ôm “cục tiền mặt” to, đã lo lắng hỏi chuyên gia có nên rút tiền khỏi ngân hàng để mua vàng và ngoại tệ…
Trong đời sống kinh tế thị trường thường tồn tại không ít tin đồn đủ loại về các thay đổi chính sách và xu hướng thị trường, cả trong nước và quốc tế. Thể hiện năng lực nhận thức, tâm lý của người dân, cũng như phần nào phản ánh và thể hiện thước đo uy tín và hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng nhà nước liên quan, tin đồn kinh tế thất thiệt thường xuất hiện gắn với một vài sự kiện hay xu hướng nóng nào đó, nhất là khi thiếu sự rõ ràng, nhất quán và nhanh chóng trong phản ứng chính sách của cơ quan chức năng.
Sự truyền bá nhanh chóng và dai dẳng các tin đồn thất thiệt không chỉ do tính giật gân và tầm quan trọng của vấn đề nội dung tin đồn; Sự năng nổ truyền bá tin đồn của những kẻ chủ động tung tin đồn vì mục tiêu định hướng dư luận, tranh thủ cơ hội, “đục nước béo cò”; Sự mất chủ kiến và phương hướng hành động tỉnh táo của đám đông thiếu thông tin chính thống, chính xác, kịp thời, cũng như do tồn tại những lỗ hổng và bất cập nào đó trong quản lý nhà nước đang nương tay với các tin đồn thất thiệt đó.
Khi tin đồn mang nặng tính định hướng mục tiêu xấu và được mặc nhiên thừa nhận sẽ có thể gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, nhất là kích thích tâm lý đám đông trong mua - bán, tạo đột biến và mất cân đối cung - cầu thị trường gắn với đầu cơ và sự bất an cá nhân, doanh nghiệp, làm thiệt hại tài chính của quốc gia, doanh nghiệp và người dân… Những tin đồn về đổi tiền còn nguy hại hơn vì mang tính phá hoại an ninh tiền tệ quốc gia, tạo nghi ngờ vào chính sách nhà nước về tiền tệ, bất chấp sự thực không thể có lý do cho một việc đổi tiền như kiểu những năm đầu thống nhất đất nước…
Để góp phần ngăn chặn hiệu quả các tin đồn kinh tế thất thiệt, cần tăng cường quy chế và thể chế hoá các phát ngôn; đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và được cung cấp thông tin chính thức, kịp thời, có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao từ các cơ quan hoặc người đại diện nhà nước, các tổ chức kinh doanh có liên quan; Coi trọng việc hoàn thiện và tuân thủ các nguyên tắc quản lý kinh tế và cạnh tranh thị trường; sự minh bạch, ổn định và tính có thể dự báo được của các chính sách; Sự phản ứng chính sách nhất quán, phù hợp các nguyên tắc kinh tế, các tín hiệu thị trường khách quan và yêu cầu cam kết hội nhập, các thông lệ thế giới.
Đặc biệt, cơ quan quản lý cần giảm thiểu và khắc phục các biểu hiện lạm dụng công cụ quản lý hành chính, mệnh lệnh và hiện tượng “vận động hành lang” , “chạy chính sách”, tư duy vì lợi ích nhóm, bất chấp lợi ích và uy tín quốc gia; phát hiện và trừng phạt kịp thời, nghiêm khắc các cá nhân và tổ chức tung tin đồn thất thiệt, có tính phá hoại chính sách, đầu cơ và cạnh tranh không lành mạnh; kiên quyết xử lý hình sự với các vi phạm nghiêm trọng, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe và cảnh tỉnh dư luận.
Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục củng cố nhận thức và lòng tin của người dân và doanh nghiệp về chủ trương, chính sách quản lý nhà nước trong kinh tế thị trường; nâng cao năng lực tự nhận thức và cảnh giác trước những thông tin không chính thống.
TS. Nguyễn Minh Phong
TIN LIÊN QUAN |
---|