Cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ
(Baonghean.vn) - Ngày lễ trọng của những công nhân lao động trên toàn thế giới đã đến. Với mỗi người dân Việt Nam thì những ngày này còn chứa đựng một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng khác, ngày hội thống nhất non sông.
Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển của nước nhà. Ảnh: Internet |
Lịch sử đấu tranh vì chính nghĩa dường như đã gắn dân tộc Việt Nam với phần còn lại của thế giới bằng một dấu gạch nối diệu kỳ, chiến thắng 30 tháng 4 và ngày Quốc tế lao động mùng 1 tháng 5.
Như mọi dân tộc yêu chuộng hòa bình khác, tháng 5 ở Việt nam được khởi đầu bằng ngày hội không biên giới của những người lao động. Lần giở lại những trang vàng của đấu tranh chính nghĩa, có thể nói rằng, lịch sử hiện đại của thế giới đã được viết nên khi những người lao động cùng siết chặt tay nhau.
Chính họ bước vào cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho một tương lai phát triển bình đẳng, nơi người lao động được giải phóng, được trân trọng.
Nếu không vì chính nghĩa, nếu không có sự đoàn kết và lòng dũng cảm thì không thể có cuộc bãi công, mít tinh, tuần hành tại thành phố Chicago, ngày 1/5/1886 và câu khẩu hiệu “ngày làm việc 8 giờ” có lẽ đã không đi vào lịch sử đấu tranh của nhân loại.
Ngày 1/5 trở thành niềm tự hào, sự khích lệ cho phong trào vô sản, chính tinh thần đấu tranh bất tử ấy đã thổi hồn vào mọi dân tộc bị áp bức. Hiệu ứng lan tỏa của ngày 1/5 đã khơi dậy phong trào các nước thuộc địa.
Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, ngày 1/5/1925, công nhân Chợ Lớn, Dĩ An, Đà Nẵng biểu tình, rồi đến ngày 1/5/1930 cả nước xuống đường góp phần làm nên phong trào cách mạng 30-31…
Và năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố ngày 1/5 là ngày lễ Quốc tế… Chúng ta không bao giờ quên lần đầu tiên ngày Quốc tế Lao động được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, với 20 vạn nhân dân lao động dự.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1/5 là một ngày Tết chung cho cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa”.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, ngày 1/5 đã trở thành thời khắc biểu tượng của những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ vì hòa bình, vì chính nghĩa. Ăngghen từng nói: "Chủ nghĩa cộng sản là phản ánh của phong trào công nhân". Lịch sử đã chứng minh chân lý ấy.
Bước qua thế kỷ 21, thế giới đã thay đổi quá nhiều, công cuộc đấu tranh bảo vệ lẽ phải, tiến tới một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh thì không chỉ dừng lại ở những cuộc xuống đường, bãi công hay biểu tình nữa.
Hơn lúc nào hết, lịch sử lại đòi hỏi những người công nhân phải trang bị bản lĩnh kiên cường và sức sáng tạo không giới hạn. Tuy nhiên có một điều không bao giờ thay đổi đó là để đến được thắng lợi cuối cùng thì nhất thiết “giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”.
Bởi vậy, tinh thần ngày Quốc tế Lao động là bất diệt, ngày 1/5, đã, đang và sẽ mãi mãi là ngày tết của những người lao động và “đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Đất nước đã hòa bình, công cuộc đổi mới và hội nhập gặt hái ngày càng nhiều thành tựu lớn. Trách nhiệm, sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam lại càng nặng nề và nhiều thách thức.
Hy vọng rằng, ngày 1/5 không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử mà nó vừa là điểm hẹn vừa là điểm xuất phát của nhiều phong trào thi đua của công nhân lao động trên mọi miền đất nước.
Việt Nam mãi mãi là một bộ phận của phong trào vô sản và công nhân quốc tế, và ở đó chắc chắn trách nhiệm đấu tranh vì một nhân loại hòa bình, tiến bộ sẽ không bao giờ ngừng nghỉ.
Nguyễn Khắc An
TIN LIÊN QUAN