Đặc sản cam Nghệ An rụng hàng loạt sau mưa lũ

Bảo Hân - Doãn Trí Tuệ 22/11/2020 10:35

(Baonghean.vn)- Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhiều vườn cam trên địa bàn huyện Con Cuông bị rụng hàng loạt. Nhiều vườn cam rụng đến 60%, có những cây bị rụng 100% quả.

Hộ anh Lê Mạnh Hùng, ở bản Pha, xã Yên Khê có 500 gốc cam trồng trên diện tích 1 ha đang trong thời kỳ thu hoạch, dự tính vụ cam năm nay gia đình thu hoạch khoảng 30 tấn quả. Thế nhưng, những ngày qua do ảnh hưởng của mưa bão, vườn cam của gia đình anh đã rụng hết gần 1 nửa, có những cây rụng hết 100%.

Anh Hùng buồn bã cho biết: “Bao nhiêu tiền của chúng tôi dồn sức đầu tư vào vườn cam nhưng đến kỳ thu hoạch đã rụng hàng loạt, giờ chỉ biết đi thu gom cam rụng để xử lý, tiêu hủy. Năm nay coi như gia đình mất trắng cả vụ cam”.

Ảnh Bảo Hân
Cam rụng hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: Bảo Hân

Cũng ở bản Pha, xã Yên Khê, gia đình ông Nguyễn Đăng Dũng có 800 gốc cam, chủ yếu giống cam BH, đang trong thời kỳ thu hoạch cũng bị rụng hàng loạt.

Hiện Con Cuông có 417 ha cam, trong đó 180 ha đã cho thu hoạch, và số cam rụng tập trung chủ yếu ở xã Yên Khê. Nhiều gia đình có từ 70 - 100 cây cam bị rụng quả, quả rụng bị tấp thành từng đống, thối rữa dưới gốc, thiệt hại là rất lớn.

Ảnh Bảo Hân
Nhiều chủ vườn cam mất trắng, thiệt hại lớn. Ảnh: Bảo Hân

Yên Khê là địa phương có diện tích cam lớn nhất huyện với gần 300 ha, có 100 ha cam đã cho thu hoạch nhưng theo thống kê ban đầu đã có khoảng hơn 1/3 sản lượng cam trên địa bàn bị rụng, tổng thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Yên Khê, Con Cuông

Hiện nay, một số hộ tranh thủ thu hoạch số cam còn lại trên cây bán rẻ với giá từ 15-20 nghìn/kg.

Nguyên nhân cam bị rụng là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, trên địa bàn huyện Con Cuông đã có mưa kéo dài nhiều ngày. Không riêng gì Con Cuông mà nhiều vùng trồng cam trọng điểm của tỉnh Nghệ An cũng xuất hiện tình trạng này.

Theo kết quả điều tra khảo sát của Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có khoảng 5.460 ha cam, giảm 690 ha so với năm 2018, vượt 314 ha so với quy hoạch phát triển. Trong đó, cam kinh doanh có 3.230 ha, cam đang thời kỳ kiến thiết cơ bản 2.234 ha.
Trước đó, các chuyên gia về bệnh cây thuộc Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT) đã vào kiểm tra các vườn cam ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Con Cuông. Quan sát tại chỗ phát hiện có khoảng 50% cây có triệu chứng vàng lá và dùng kít thử nhanh cho kết quả đúng là bệnh vàng lá greening, còn gọi là vàng lá thối rễ.

Đó mới chỉ là những cây đã có triệu chứng vàng lá. Còn những cây chưa xuất hiện triệu chứng vàng lá thì phải thử bằng phương pháp PCR trong phòng thí nghiệm để cho kết quả chính xác hơn và làm được như thế thì tỷ lệ số cây bị bệnh sẽ còn cao hơn nhiều.

Những kết quả dùng kít thử nhanh vừa qua là để biết những cây cam đó có bị bệnh vàng lá greening hay không được tiến hành ở những vườn cam mới 5 - 7 năm tuổi.
Nếu thử trên các vườn cam càng nhiều tuổi hơn thì khả năng số cây bị nhiễm bệnh vàng lá greening sẽ cao hơn nhiều.

Bệnh vàng lá greening trên cây cam còn được gọi là bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn gram âm Liberobacter asiaticum sống trong mạch dẫn libe của cây gây ra.

Bệnh được lan truyền nhanh thông qua mắt ghép, gốc ghép khi nhân giống bằng phương pháp vô tính và thông qua côn trùng chích hút làm môi giới truyền bệnh, đó là con rầy chổng cánh. Bệnh vàng lá greening trên cây cam, quýt, bưởi chưa có thuốc đặc trị.

Những cây cam, bưởi, quýt đã bị bệnh này thông thường có mấy triệu chứng như: Lá có đốm vàng, vàng, gân lá có màu xanh lục, lá nhỏ và thô cứng. Cành lộc ngắn, lá rụng sớm, rụng nhiều, cành chết khô kéo theo cây chết khô dần hàng loạt. Quả nhỏ, mẫu mã xấu, quả có hiện tượng dị dạng, mất cân đối. Rễ thối dần làm cho khả năng hút nước và dinh dưỡng kém. Quả sẽ rụng nhiều khi càng gần đến mùa thu hoạch như đã và đang xảy ra hiện nay ở vùng cam Phủ Quỳ.

Làm thế nào để phòng, chống và hạn chế bệnh vàng lá greening trên cây cam hiện nay?


Một là: Phải siết chặt công tác quản lý cây giống, nhất thiết không để tình trạng chiết, ghép, buôn bán cây giống tự do và trôi nổi trên thị trường như hiện nay. Nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ dẫn đến hủy diệt cây cam và thương hiệu cam Vinh cũng bị ảnh hưởng lớn.
Hai là: Ngành Nông nghiệp phối hợp với Phòng NN & PTNT các huyện cần sớm tiến hành tổng kiểm tra, rà soát tất cả các vườn cam bằng cả 2 phương pháp: Phương pháp nhìn thấy cây đã có triệu chứng vàng lá, gân xanh thì dùng kít thử nhanh để xác định đúng bệnh vàng lá greening, đồng thời dùng cả loại kít áp dụng thử cho loại cây cam chưa biểu hiệu triệu chứng vàng lá để xác định xem có bệnh hay không để kịp thời xử lý ngay.
Ba là: Khi xác định được những cây cam đã bị nhiễm bệnh vàng lá greening rồi thì phải kiên quyết tiêu hủy để tránh lây lan. Nếu có tiếc nuối mà cố gắng khôi phục cũng chỉ gây tốn kém mà thôi, có thể vẫn cho ít quả và quả sẽ rụng khi gần mùa thu hoạch như đã và đang xảy ra hiện nay trên các vườn cam ở các địa phương.

Bốn là: Phải có một cơ quan, một tổ chức hay một doanh nghiệp nào đó trồng và lưu giữ vườn cây đầu dòng trong khu nhà lưới để khai thác mắt ghép nhân giống vô tính cung cấp cây giống sạch bệnh cho nhu cầu sản xuất.
Năm là: Thường xuyên kiểm tra vườn cam, nếu phát hiện trên cành cây lá cam xuất hiện rầy chổng cánh thì sử dụng thuốc hóa học để phun tiêu diệt như: Confidor, Admire 500 EC hay Bassa 50EC kết hợp với DC Tron Plus… phun định kỳ vào các đợt cây ra lá non, nhất là vào mùa Xuân hay đầu mùa mưa, vì rầy hay chọn các đọt, lá non để đẻ trứng.


Theo nhận định của nhiều chủ vườn cam, với tình hình thời tiết như hiện nay thì tình trạng cam rụng sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới, đồng nghĩa với thiệt hại sẽ còn lớn hơn.

Mới nhất

x
Đặc sản cam Nghệ An rụng hàng loạt sau mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO