Đại biểu HĐND tỉnh lo ngại về vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Mai Hoa - 05/07/2023 19:12
(Baonghean.vn) - Phiên thảo luận Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVIII chiều ngày 5/7 tại Tổ 3, vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là công tác phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em.
bna_ MH6.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Mai Hoa

Chủ trì điều hành phiên thảo luận Tổ 3 do đại biểu HĐND tỉnh Lê Văn Lương - Bí thư Tỉnh đoàn.

Tham gia thảo luận tại Tổ 3 có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các đơn vị: Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành, thị xã Thái Hoà cùng đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Nghiên cứu mô hình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ

Vấn đề được nhiều đại biểu tại Tổ 3 thảo luận liên quan đến trẻ em. Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (huyện Thanh Chương) nêu băn khoăn khi số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh tăng trong 3 năm gần đây với tổng số hơn 7.000 cháu; đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ nguyên nhân và nguồn lực chăm sóc cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh?

bna_MH5.jpg
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (huyện Thanh Chương) thảo luận về nguồn kinh phí đảm bảo đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến nội dung này, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Văn Hưng làm rõ nguyên nhân do biến động dân số cùng với sự thay đổi tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo và gia tăng số trẻ em có bố, mẹ vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và mồ côi bố, mẹ do đại dịch Covid-19, tai nạn; dẫn đến số trẻ có nguy cơ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ngoài nguồn ngân sách, thời gian qua, các cấp, các ngành quan tâm huy động nguồn xã hội hoá chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

bna_ MH20.jpg
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Văn Hưng làm rõ nguyên nhân số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tăng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: MH

Cùng với nội dung trên, một số đại biểu đặt ra mối quan tâm liên quan đến giáo dục kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường, đuối nước cho trẻ em. Bày tỏ sự đau lòng về các trường hợp đuối nước, bạo lực học đường thời gian qua trên địa bàn tỉnh, đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) cho rằng, đây là vấn đề “nóng” được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm.

Clip: Hữu Quân

Qua khảo sát của Ban Văn hoá -Xã hội HĐND tỉnh vừa qua tại một số trường học cho thấy, ngành Giáo dục - Đào tạo Nghệ An đã quan tâm giáo dục kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước với một số mô hình sáng tạo ở nhiều trường học; song hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

bna_MH2.jpg
Đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) nhấn mạnh vai trò giáo dục, hình thành kỹ năng sống gồm cả gia đình, nhà trường và xã hội. Ảnh: Mai Hoa

Nhấn mạnh trong giáo dục, hình thành kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường và đuối nước cho trẻ cần phải quan tâm đến ba mối quan hệ: gia đình là nền tảng, nhà trường là then chốt và xã hội là xuyên suốt; đại biểu Trình Văn Nhã cho rằng, không thể “khoán trắng” cho nhà trường, tuy nhiên trong khuôn khổ của ngành Giáo dục - Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo đồng bộ các trường học giống như đề cương giáo dục kỹ năng sống để học sinh có khả năng tự phòng vệ trước tai nạn thương tích, đuối nước cũng như bạo lực học đường.

bna_ MH15.jpg
Đại diện các sở, ngành tham dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: Mai Hoa

Cùng mối quan tâm đối với trẻ em, đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) nêu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước: trẻ em là tương lai của đất nước và của mỗi gia đình; nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ em gồm ba “trụ cột”; giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và sức khoẻ thể chất, tinh thần.

Song thực tiễn lâu nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến giáo dục kiến thức, trong khi giáo dục kỹ năng sống và sức khoẻ chưa được quan tâm nhiều, bao gồm cơ sở vật chất trong các nhà trường, khu dân cư và nhân lực thực hiện nhiệm vụ này.

bna_MH1.jpg
Đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) nhấn mạnh cần quan tâm giáo dục kỹ năng sống và sức khoẻ thể chất, tinh thần cho trẻ em. Ảnh: Mai Hoa

Vì vậy, tỉnh cần nghiên cứu giải pháp để giải quyết từng bước các vấn đề đặt ra trong thực tiễn; đồng thời tăng cường phối hợp hiệu quả hơn giữa các sở, ngành và các tổ chức trong hệ thống chính trị liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (huyện Thanh Chương) cũng đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng và áp dụng các mô hình giáo dục kỹ năng sống phù hợp với từng nhóm lứa tuổi và vùng miền.

bna_ MH14.jpg
Đại diện các sở, ngành và địa phương tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Mai Hoa

Tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế

Ngoài các nội dung liên quan đến trẻ em, thảo luận tại Tổ 3, các đại biểu cũng thảo luận về các yếu tố khó khăn về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thiếu nước sản xuất, thiếu điện sinh hoạt và sản xuất; triển khai thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

bna_ MH.jpg
Đại biểu Phạm Tuấn Vinh (thị xã Thái Hoà) nêu tình trạng thiếu điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của doanh nghiệp, đề nghị tỉnh cần nghiên cứu nâng cấp hệ thống hạ tầng lưới điện. Ảnh: Mai Hoa

Phát biểu giải trình những vấn đề các đại biểu HĐND tỉnh nêu ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ khẳng định, mặc dù có nhiều yếu tố khó khăn, song kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm có nhiều “điểm sáng”; đồng thời cũng thừa nhận và làm rõ nhiều hạn chế, như khai thác cát, sỏi trái phép; tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm.

Thừa nhận có tình trạng người dân khó tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp liên quan đến thủ tục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh để người dân dễ tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách được ban hành.

bna_ MH13.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ thừa nhận một số hạn chế và khẳng định UBND tỉnh sẽ nghiên cứu để tháo gỡ. Ảnh: Mai Hoa

Mặt khác, UBND tỉnh cũng sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nhằm giải quyết sự xuống cấp của các trạm bơm dọc sông Lam, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời sẽ làm việc với ngành Điện lực để giải quyết bất cập về hạ tầng lưới điện hiện nay ở các địa phương; đẩy mạnh công tác thị trường, lan toả và đưa các sản phẩm OCOP Nghệ An ra thị trường.

Phát biểu tại cuộc thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình nhấn mạnh các yếu tố khó khăn của tỉnh, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ 2 năm 2021, 2022 và thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng năm 2023 của tỉnh; thu ngân sách, nhất là thu từ cấp quyền sử dụng đất thấp…

Bên cạnh các lý do khách quan thì có nhiều yếu tố chủ quan đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương cần khắc phục liên quan đến công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, tránh tình trạng doanh nghiệp có “sẵn” tiền đầu tư, nhưng chờ thủ tục; hay thủ tục giải ngân vốn đầu tư công cũng cần phải giải quyết tốt.

bna_ MH12.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị các cấp, các ngành tập trung khắc phục các yếu tố chủ quan để thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cả năm 2023 ở mức cao nhất. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với đó, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần rà soát lại các chương trình, chính sách để đốc thúc triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, như tháo gỡ khó khăn về thủ tục thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn; thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị các cấp, các ngành bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, phấn đấu cả năm đạt kết quả cao nhất; đồng thời khẩn trương triển khai Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được phê duyệt và Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về Nghệ An khi được ban hành.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO