Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An: Phát huy dân chủ ở cơ sở cần cơ chế rõ ràng mang tính pháp lý, tránh hình thức

Thành Duy - Phan Hậu 14/06/2022 13:01

(Baonghean.vn) - Sáng 14/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 14/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

ĐỀ CAO TÍNH KHẢ THI, THỰC CHẤT

Phát biểu thảo luận, đồng tình cao với sự cần thiết ban hành luật này, tuy nhiên về quan điểm xây dựng luật, ông Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách đoàn Nghệ An đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xây dựng các quy định của pháp luật đảm bảo thực chất, có tính khả thi cao, dễ thực hiện, hiệu quả, có cơ chế rõ ràng mang tính pháp lý, tránh hình thức, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực hiện dân chủ cơ sở, đảm bảo mục tiêu "Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”.

Trong quá trình xây dựng, trình dự án Luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự án Luật này, bao gồm 2 loại ý kiến: thứ nhất là đề nghị dự án Luật quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước; còn ý kiến thứ hai là đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Chính phủ đã báo cáo và xin ý kiến Quốc hội.

Đoàn Chủ tịch điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quang Khánh

Về nội dung này, đại biểu Trần Nhật Minh đồng tình với loại ý kiến thứ nhất. Bởi theo vị đại biểu đoàn Nghệ An thực tế thời gian qua, việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa được như mong muốn.

Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Nội vụ cũng đã nêu: Nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ; tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ở khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức hội nghị người lao động còn thấp (đạt khoảng 64%).

Doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn gần như không tổ chức hội nghị người lao động theo quy định; việc tổ chức hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn hình thức, chưa đảm bảo các nội dung theo quy định, nhất là việc công khai tài chính, các loại quỹ,…

Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng ý nghĩa, tác dụng của việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp nên chưa chủ động phối hợp mà chủ yếu do ban chấp hành công đoàn cơ sở đề xuất nên việc thực hiện còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Ông Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Quochoi.vn

Một số doanh nghiệp không tổ chức lấy ý kiến của đa số người lao động nhưng vẫn ký thỏa ước lao động tập thể; nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện công khai các nội dung của thỏa ước lao động tập thể, nên người lao động chưa tiếp cận được với thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp. “Số lượng doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể còn hạn chế, nội dung có lợi hơn cho người lao động không nhiều”, đại biểu Trần Nhật Minh phát biểu.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2021 có 105 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chưa đồng tình với cơ chế trả lương của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chậm lương, chậm thưởng hoặc chi trả lương, thưởng chưa hợp lý, chất lượng bữa ăn ca chưa đảm bảo hoặc tăng thời gian làm việc của người lao động mà chưa thông qua ý kiến của người lao động...

Mới đây nhất, tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân năm 2022 diễn ra vào sáng ngày 12/6/2022, trong 10 nhóm vấn đề lớn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp, mà người lao động cả nước quan tâm kiến nghị, đề xuất, có vấn đề người lao động đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động.

Sau khi nêu dẫn chứng, phân tích, ông Trần Nhật Minh nhận định: “Theo tôi việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức hơn nữa, cần thiết phải nghiên cứu, rà soát xây dựng các quy định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn và các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp…”

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các chế định của pháp luật lao động như: đối thoại doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động... được quy định tại Bộ Luật Lao động và các văn bản dưới luật khác để không có sự trùng lặp, chồng chéo giữa hai hệ thống pháp luật về dân chủ ở cơ sở và pháp luật lao động

Về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ trong khu vực doanh nghiệp, vị đại biểu chuyên trách đoàn Nghệ An cho rằng: không nhất thiết phải quy định đầy đủ như loại hình phường, xã, thị trấn hay cơ quan, đơn vị. Các quy định quyền của người lao động về dân chủ cần nghiên cứu, thiết kế theo hướng hạn chế hơn, có tính khả thi, thực chất, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cần được pháp luật bảo vệ, có thể thực hiện thông qua cơ chế dân chủ đại diện hoặc dân chủ trực tiếp; không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để biện giải cho quan điểm của mình, đại biểu Trần Nhật Minh nêu dẫn chứng quy định quyền kiểm tra của người lao động thành thiết chế độc lập như quy định trong dự thảo Luật là chưa hợp lý, bởi vì xét về quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, người lao động sẽ rất khó khăn khi thực hiện quyền kiểm tra trong thực tiễn.

Các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An trao đổi bên lề phiên thảo luận. Ảnh: Quang Khánh

Hơn nữa, về hình thức người lao động kiểm tra, dự thảo Luật quy định thông qua các hình thức kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật cũng hết sức chung chung, chưa quy định cụ thể cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền giải quyết khi người lao động có yêu cầu.

Trong khi đó, khiếu nại, tố cáo của người lao động đối với người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Do đó, quy định về hình thức người lao động kiểm tra như trong dự thảo Luật là chưa khả thi.

“Nếu có thì mang yếu tố “tranh chấp lao động” hơn là thực hiện dân chủ, không những thế còn làm xấu đi quan hệ lao động nhiều hơn là đối thoại, bàn bạc, trao đổi để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, không đảm bảo nguyên tắc "thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch" trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp”, đại biểu Trần Nhật Minh nói và phân tích thêm: trong khi đây là nguyên tắc đặc thù, xuyên suốt, thể hiện sự khác biệt của loại hình dân chủ tại doanh nghiệp với các loại hình dân chủ ở cơ sở còn lại.

Tuy nhiên, về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp Nhà nước, ông đề nghị nghiên cứu, xây dựng các quy định mang tính đặc thù hơn so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

ĐẢM BẢO TÍNH ĐỘC LẬP TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA NHÂN DÂN

Về thanh tra nhân dân, đại biểu Trần Nhật Minh tán thành việc chuyển quy định hiện hành do Luật Thanh tra điều chỉnh sang Luật này điều chỉnh; đồng thời đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về việc đề nghị nghiên cứu phương án phù hợp hơn về tên gọi "Ban Thanh tra Nhân dân" để phù hợp với các phương thức thực hiện dân chủ cơ sở. Theo ông, đổi tên thành Ban Giám sát là một phương án để nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình tại phiên thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sau khi nghe 20 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có 3 đại biểu Quốc hội tranh luận. Ảnh: Quochoi.vn

Về quyền hạn của Ban Thanh tra Nhân dân, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị không nên tiếp tục kế thừa quy định tại Luật Thanh tra năm 2010, cụ thể là: "Khi cần thiết, được chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định".

Ông Trần Nhật Minh cho rằng, quy định này, một mặt vô hình trung đã phủ định tính độc lập trong hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, biến tổ chức này thành chủ thể giúp việc cho đối tượng chịu sự giám sát và sẽ khó có thể hoạt động khách quan khi đối tượng chịu giám sát lại có thể giao nhiệm vụ cho chủ thể có quyền giám sát. Mặt khác, quy định này cũng chưa phù hợp với quy định về hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân cấp xã và ở cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Doanh nghiệp Nhà nước.

Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội gồm 7 chương, 74 điều quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phạm vi “cơ sở” được xác định là xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, là nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực hiện các quyết định và chịu sự kiểm tra, giám sát của công dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An: Phát huy dân chủ ở cơ sở cần cơ chế rõ ràng mang tính pháp lý, tránh hình thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO