Thời sự

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cải cách giáo dục và quản trị số

Thành Duy - Phan Hậu 23/05/2025 14:25

Các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đã đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục và bảo vệ người dân trên không gian mạng.

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Doan-DBQH-nghe-an 4
Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 4 cùng đoàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Nghĩa Đức

Đảm bảo mục tiêu "5 an"

Thảo luận về kinh tế - xã hội, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời triển khai quyết liệt các chủ trương cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Theo đại biểu, quá trình này thể hiện sâu sắc tư tưởng “tất cả vì nhân dân”, đảm bảo 5 yếu tố “an”: an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân và an tâm công tác cho đội ngũ cán bộ.

Những chính sách như miễn học phí, xóa nhà tạm, phát động toàn dân thi đua làm giàu... góp phần hiện thực hóa mục tiêu không để “ai bị bỏ lại phía sau”.

Võ Thị Minh Sinh
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ trăn trở khi phong trào “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” chưa đi cùng với niềm tin thật sự vào hàng Việt. Vì vậy, đại biểu gợi mở xem xét phát động thêm một phong trào mới “Người Việt Nam yêu người Việt Nam”; qua đó thúc đẩy, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa nội địa chất lượng thật, giá trị thật, để nền kinh tế nước nhà phát triển bền vững và tự lực hơn.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng bày tỏ lo ngại khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh, cơ sở, không tổ chức cấp huyện) sẽ đi vào hoạt động từ 1/7 tới thì việc thực hiện Luật Đất đai 2024 sẽ có những vướng mắc, trong khi đây là lĩnh vực tác động nhiều đến nhân dân.

Nguyên nhân là trong Luật có nhiều nội dung như: giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư… đều giao thẩm quyền cho cấp huyện. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm sửa Luật Đất đai 2024 để phù hợp với thẩm quyền trong mô hình chính quyền địa phương mới khi không còn cấp huyện.

Doan-DBQH -Nghe-An
Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 4 sáng 23/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Liên quan thương mại điện tử, đại biểu cho biết Việt Nam dẫn đầu khu vực về tăng trưởng (20%) và có hơn 76 triệu tài khoản mạng xã hội. Tuy nhiên, tình trạng mua bán không hóa đơn, lừa đảo, thất thu thuế diễn ra phổ biến. Vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cần sớm hoàn thiện cơ chế quản lý thuế trên nền tảng số, đảm bảo công bằng tài chính và niềm tin của người tiêu dùng.

Áp lực lớn với mục tiêu tăng trưởng 8%

Phát biểu tại nghị trường, các ĐBQH đoàn Nghệ An cũng đánh giá cao khi GDP quý I/2025 tăng trưởng ở mức cao nhất trong nhiều năm, cho thấy sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các đại biểu, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% cả năm 2025 là “một thách thức rất lớn” nếu không có những quyết sách thực sự đột phá, hiệu quả.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội chỉ ra điểm đáng lo ngại là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn cao hơn số đăng ký mới. Đại biểu cảnh báo, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, chuỗi cung ứng và niềm tin nhà đầu tư. Cùng với đó, giá cả hàng thiết yếu có dấu hiệu tăng khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng.

Đánh giá cao phản ứng nhanh nhạy của lãnh đạo cấp cao trước nguy cơ Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam, đại biểu cho rằng cách ứng xử mềm dẻo nhưng kiên quyết của Việt Nam thể hiện rõ tinh thần hợp tác, đối thoại và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đại biểu đề nghị các địa phương cần vận dụng linh hoạt, nhân văn chính sách, hỗ trợ kịp thời cán bộ bị ảnh hưởng, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp trực diện, hiệu quả, linh hoạt hơn để vượt qua những thách thức đang đặt ra trước mắt nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

Đại biểu Hoàng Thi Thu Hiền cũng nêu vấn đề rối loạn tâm lý ở trẻ em đang gia tăng với các biểu hiện ngày càng đa dạng như trầm cảm, tăng động, rối loạn cảm xúc… Áp lực đang đè nặng lên vai giáo viên và gia đình, trong khi nguồn lực điều trị còn thiếu, hiệu quả chưa được đánh giá đầy đủ, do đó đại biểu đề nghị Bộ Y tế khẩn trương khảo sát toàn diện, ban hành chính sách can thiệp sớm, giảm gánh nặng cho xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Nghệ An cũng bày tỏ trăn trở về vấn đề bất bình đẳng giới trong môi trường số. “Phụ nữ hiện là nhóm dễ bị tổn thương nhất trên không gian mạng, với 90% nạn nhân các vụ lừa đảo qua mạng là nữ giới”, bà dẫn thống kê từ Hội thảo của Bộ Công an phối hợp Liên hợp quốc năm 2023.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền kiến nghị Chính phủ lồng ghép yếu tố giới trong tất cả chương trình, chính sách chuyển đổi số, đồng thời có các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực số cho phụ nữ, giúp họ chủ động thích ứng và tham gia sâu rộng vào kỷ nguyên số, qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giới.

Tính toán bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sau 2030

Còn GS.TS Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Nghệ An đã đưa ra hàng loạt đề xuất chiến lược nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo quyền học tập công bằng và phát triển nguồn nhân lực quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Theo đại biểu, việc mở rộng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi là bước tiến thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, ông lưu ý cần điều chỉnh tên gọi của nghị quyết để tránh trùng lặp khái niệm và bảo đảm rõ ràng về phạm vi, đối tượng; đồng thời cần chuẩn bị đầy đủ về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và nguồn kinh phí để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

GS.TS Thái Văn Thành
GS.TS Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Một đề xuất đáng chú ý khác của đại biểu Thái Văn Thành là tiến tới giáo dục bắt buộc ở bậc trung học cơ sở giai đoạn 2025 - 2030 nếu điều kiện cho phép và phổ cập trung học phổ thông sau năm 2030, từ đó tính toán bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thay vào đó xét tốt nghiệp dựa trên kết quả học tập toàn khóa, qua đó giảm áp lực thi cử và tốn kém cho học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Từ góc độ đào tạo nghề, ông cũng kiến nghị chuyển đổi hệ thống “trung cấp nghề” hiện nay thành “trung học nghề” - mô hình kết hợp giữa chương trình giáo dục nghề và văn hóa phổ thông; giúp học sinh vừa có kỹ năng nghề nghiệp, vừa có nền tảng học vấn để dễ dàng học tiếp hoặc tham gia thị trường lao động.

Doan-DBQH-nghe-an 2
Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 4 sáng 23/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Ngoài ra, đại biểu đề xuất tích hợp Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học thành một đạo luật chung, hướng tới quản lý đồng bộ, liên thông hệ thống giáo dục quốc dân.

Đồng thời, GS. TS Thái Văn Thành cũng đề nghị sớm ban hành một nghị quyết mang tính chiến lược, đột phá, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn và tạo động lực phát triển toàn diện từ mầm non đến đại học.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cải cách giáo dục và quản trị số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO