Làng nghề chổi đót ở Thanh Chương bán chạy hàng, được giá

An Nam 01/05/2023 10:45

(Baonghean.vn) - Được công nhận làng nghề từ hơn chục năm nay, làng nghề làm chổi đót ở xóm 2, xã Thanh Lương (Thanh Chương) đang phát triển ổn định, bán chạy hàng, được giá.

Xóm 2, xã Thanh Lương (Thanh Chương) hiện có khoảng 50 hộ duy trì nghề làm chổi đót. Nguyên liệu chính để làm chổi là hoa đót, có thể do các hộ dân tự đi lấy từ trên rừng hoặc mua của lái buôn đem về từ các huyện miền Tây Nghệ An, Lào và các tỉnh miền Nam. Người dân làm nghề thường mua hoa đót phơi khô, cất giữ dùng dần. Hiện hoa đót khô đang được các hộ mua với giá 25.000 - 26.000 đồng/kg. Ảnh: Huy Thư
Ông Nguyễn Văn Hải (64 tuổi), người làm chổi đót đẹp có tiếng trong vùng cho biết, gia đình ông làm nghề đã lâu và tự đi rừng lấy đót. Theo ông Hải, hoa đót sau khi lấy về được mang đến lò gạch để sấy khô, nên nguyên liệu giữ được màu xanh, làm chổi đẹp và bền. Ảnh: Huy Thư
Ngoài hoa đót, chổi đót còn làm từ dây mây, dây nhựa, dây nilon, sợi thép... Hiện nay, hầu hết các hộ làm chổi đều dùng dây nhựa. Tuy nhiên một số hộ vẫn kiên trì dùng dây mây để cột chổi, có những hộ còn lên rừng "săn" mây về dùng. Nói "săn" là vì mây rừng hiện nay cũng khá hiếm, không còn sẵn như xưa. Mây sau khi lột lá, phân đoạn chở về nhà chẻ nhỏ, phơi khô. Để làm ra những sợi mây mảnh cột được chổi phải qua công đoạn chẻ, vót công phu. Ảnh: Huy Thư

Nghề làm chổi đót trải qua nhiều công đoạn: ra đót, làm bòn, kết cổ, cột cán, bện tít… Công việc tuy không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi tính kiên trì, chịu khó. Trước khi làm chổi, hoa đót được tước nhỏ để sắp thành bòn đót. Ảnh: Huy Thư

Những bòn đót (bó đót bó thành hình rẻ quạt) được cột chặt bằng sợi giang và xâu thành chuỗi dài để chờ kết chổi. Mỗi bòn đót phải có nhiều cuống đót dài bằng thân chổi mới bảo đảm độ bền của chổi. Ảnh: Huy Thư

Dụng cụ của nghề làm đót khá đơn giản, chỉ có mấy con dao, cái kềm, cái dui... Người dân có thể làm chổi cả ngày hay tranh thủ những lúc nhàn rỗi. Ông Nguyễn Sĩ Dũng - một người làm chổi lâu năm trong xóm cho biết: Mỗi năm nhà ông dùng khoảng 1 - 1,5 tấn hoa đót làm được 2.000 - 3.000 chiếc chổi. Ông quan niệm làm chổi nào thì phải đẹp, chắc chổi đó, chứ không chạy theo số lượng. Ảnh: Huy Thư
Theo ông Dũng, mỗi chiếc chổi được làm từ 5 - 6 bòn đót, phải sắp xếp bòn đót và cột, bện có kỹ thuật, khéo léo thì cổ chổi mới chắc, đẹp được. Ảnh: Huy Thư

Nghề làm chổi không kén lao động, người già, trẻ, đàn ông, phụ nữ đều có thể tham gia. Những năm gần đây, nghề làm chổi đót hưng thịnh, nhiều người trẻ gắn bó với nghề, một số em học sinh cũng bện được chổi. Anh Nguyễn Trọng Tú (36 tuổi) chia sẻ: Gia đình anh chỉ mỗi anh làm chổi, còn vợ đi làm công ty. Mỗi năm anh sử dụng khoảng 3 tấn hoa đót và là một trong những người làm chổi nhiều nhất xóm. Ảnh: Huy Thư

Tuy chổi đót cột từ dây nhựa khá bền, thị hiếu của người tiêu dùng vẫn thích chổi đót cột từ dây mây hơn. Mỗi cân hoa đót có thể làm 2 chiếc chổi. Với những chiếc chổi đặt (người dân đặt hàng trước về để dùng) có thể 2 kg mới làm được 3 chiếc chổi. Mỗi ngày, 1 người có thể làm được vài chục chiếc chổi. Ảnh: Huy Thư
Nghề làm chổi đót ở đây đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Chổi đót của bà con xóm 2, xã Thanh Lương được tiêu thụ rộng khắp các địa phương trong và ngoài huyện. Những hộ dân làm nghề có thể mang chổi đi chợ bán, đi nhập cho các ốt quán hoặc lái buôn sẽ đến thu mua tại nhà. Tùy vào chất lượng, giá chổi bán sỉ trên dưới 30.000 đồng/chiếc. Với chổi theo đơn đặt hàng riêng có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/chiếc. Tuy là nghề phụ, nhưng nghề làm chổi đót đã đem lại cho các hộ dân địa phương thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Huy Thư

Mới nhất

x
Làng nghề chổi đót ở Thanh Chương bán chạy hàng, được giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO