Đại tá Cao Minh Phượng: 'Hạn chế, không có nghĩa thôi kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn'
(Baonghean.vn) - Đã hơn 1 tháng triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Báo Nghệ An trao đổi với Đại tá Cao Minh Phượng - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An về kết quả bước đầu, cũng như kế hoạch triển khai trên địa bàn trong thời gian tới.
P.V:Ông đánh giá kết quả như thế nào sau 1 tháng triển khai thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông?
Đại tá Cao Minh Phượng: Sau 1 tháng ra quân xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh, lực lượng CSGT đã xử phạt 319 trường hợp, trong đó gồm 48 xe ô tô, 271 xe mô tô.
Mặc dù đây mới là kết quả bước đầu nhưng thực sự đã có những tín hiệu tích cực. Đáng nói, đa số người dân đều rất đồng tình, ủng hộ với việc xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Có thể nói, ngoài quy định mức xử phạt, đây thực sự là thông điệp nhắc nhở, răn đe, tín hiệu đủ mạnh để giúp người dân không vi phạm.
Các mức vi phạm: Chưa vượt quá 0,25 miligam/1lít khí thở có 36 lái xe ô tô, 182 lái xe mô tô; Vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở có 6 lái xe ô tô, 51 lái xe mô tô; Vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở có 5 lái xe ô tô, 35 lái xe mô tô; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn có 1 lái xe ô tô, 3 lái xe mô tô. Tổng số tiền phạt đối với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn là 1.514.500.000 đồng.
Ống thổi đo nồng độ cồn đều được thay sau mỗi lần thổi và được thu gom để loại bỏ đảm bảo vệ sinh. Ảnh tư liệu |
P.V:Mục tiêu của xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện là để kéo giảm TNGT. Vậy, ông có thể cho biết tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong 1 tháng qua diễn biến như thế nào?
Đại tá Cao Minh Phượng: Chúng ta đã biết, uống rượu bia rồi lái xe là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, năm 2019 đã xảy ra 294 vụ TNGT, làm chết 182 người, bị thương 210 người. Theo đó, gây ra thiệt hại to lớn về nhân mạng và tài sản, sự mất mát không thể bù đắp được, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, dòng họ...
Trong các vụ tai nạn xảy ra thì có 15% số vụ TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân bắt đầu từ việc lạm dụng rượu, bia rồi đi sai phần đường, làn đường, không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định… Đáng nói, tình trạng uống rượu, bia vẫn lái xe không chỉ diễn ra vào dịp cuối năm, thời điểm thường diễn ra các hoạt động liên hoan, gặp mặt, mà diễn ra hàng ngày.
Tuy nhiên, từ khi triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với điểm mới là nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn, kể cả xe đạp và những phương tiện thô sơ khác, TNGT giảm đáng kể. So sánh số liệu trong tháng 1/2020 (tính từ 1-31/1), trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ TNGT, làm chết 8 người, bị thương 17 người. So với tháng 1/2019 giảm 2 vụ, giảm 1 người chết, giảm 3 người bị thương... Đây là con số có phần không nhỏ từ việc chúng ta xử lý nghiêm tài xế uống rượu bia lái xe.
Riêng trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 23/1- 29/1, tức 29 đến ngày mùng 5 Tết) trên địa bàn Nghệ An xảy ra 4 vụ TNGT, làm chết 1 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 3 vụ, giảm 3 người chết, giảm 1 người bị thương.
Người điều khiển phương tiện chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh tư liệu |
Điều đáng mừng là, hiếm có quy định pháp luật nào, chỉ sau một thời gian rất ngắn triển khai thực hiện đã tạo ra chuyển biến tích cực như vậy. Trên thực tế, người dân từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, ở đâu người dân cũng đều nói về Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong đó đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, nhiều cuộc liên hoan, gặp mặt đã không còn hoặc giảm hẳn sử dụng đồ uống có cồn. Đơn cử như trong kỳ nghỉ Tết vừa rồi, tôi về quê ở Diễn Châu, đi chúc Tết không còn ai ép uống rượu, nhiều gia đình chỉ mời nhau uống chè xanh, ai nấy đều rất vui, thấy khỏe trong người.
Thực tế, người Việt Nam nói chung, người Nghệ ta nói riêng vốn duy tình, cả nể, mời mọc, khích bác, ép nhau uống vì rất nhiều lý do. Do đó, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn tạo ra chỉ giới rõ ràng để người dân thực hiện, tạo nên hiệu quả thực sự trong việc kéo giảm TNGT.
P.V:Với kết quả bước đầu như hiện nay, ông có tin rằng Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong đó có quy định về xử phạt liên quan đến nồng độ cồn sẽ thành công như trước đó chúng ta đã thực hiện quy định bắt buộc người tham gia giao thông phải đội MBH?
Đại tá Cao Minh Phượng: Việc chúng ta triển khai Nghị định 100 ngay trước Tết Nguyên đán, là thời điểm người dân có nhu cầu sử dụng rượu, bia tăng cao trong năm, nhưng trên thực tế TNGT thời điểm này đã giảm, đặc biệt là TNGT có liên quan đến rượu bia, là minh chứng bước đầu cho thành công.
Tôi cho rằng, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, nhất là từng cán bộ, công chức và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ ở mỗi địa phương. Cùng với đó, ngay từ khi triển khai, dư luận xã hội đồng tình, báo chí ủng hộ mạnh, đã làm cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP nhanh chóng được “phủ sóng” đến người dân, đặc biệt là quy định về nồng độ cồn.
CSGT-TT Công an TP Vinh phân tích lỗi cho người vi phạm. Ảnh tư liệu |
Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng Nghị định 100/2019/NĐ-CP nói chung, quy định về xử phạt liên quan đến nồng độ cồn nói riêng sẽ thành công như việc chúng ta thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây.
P.V:Vậy, đây chính là cơ hội tốt để chúng ta tiếp tục thực hiện, đưa Nghị định 100 vào cuộc sống, giúp người dân thay đổi nhận thức và hành vi. Tuy nhiên, hiện tình hình dịch do virus Corona đang diễn biến phức tạp, nhiều người lo ngại việc thổi nồng độ cồn có nguy cơ làm phát tán dịch bệnh. Ông có thể cho biết về kế hoạch triển khai của lực lượng CSGT tỉnh trong thời điểm này, cũng như về lâu dài, thưa ông?
Đại tá Cao Minh Phượng: Về vấn đề người dân lo lắng việc thổi nồng độ cồn có nguy cơ làm lây nhiễm virus Corona, có thể nói việc lây nhiễm virus Corona qua máy đo nồng độ cồn là rất khó, bởi theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, về mặt kỹ thuật, máy đo nồng độ cồn có van 1 chiều nên chỉ thổi vào được chứ không hít lại được.
Tại Nghệ An, trước mỗi ca tuần tra, máy đo nồng độ cồn đều được sát trùng; quy trình kiểm tra hiện nay là mỗi người thổi một ống, ngay sau khi kiểm tra trường hợp trước, sẽ thay ống mới để kiểm tra trường hợp sau, nên sẽ không còn tồn lưu khí thở của người trước đó, bởi vậy không lo người thổi bị lây nhiễm qua quá trình thổi.
Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống dịch virus Corona do Công an tỉnh tổ chức sáng ngày 01/02, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT hạn chế việc đo nồng độ cồn người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Nhưng không có nghĩa là sẽ không kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn như nhiều người nghĩ.
Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an TP Vinh tặng khẩu trang, kết hợp tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho hành khách ngồi chờ xe trong Bến xe Bắc Vinh. Ảnh tư liệu |
Theo đó, tạm dừng triển khai chuyên đề, nhưng thông qua tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện vẫn xử lý bình thường. Việc kiểm tra sẽ cẩn trọng hơn, cùng với quy trình kiểm tra như thời gian qua, hiện nay mỗi cán bộ chiến sỹ đều thực hiện việc đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc, làm việc với người dân.
Về lâu dài, trên cơ sở xác định vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Bởi vậy, cùng với tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm khác, sẽ vẫn tiếp tục chỉ đạo các đội, trạm, công an các địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trên tất cả các tuyến đường do địa phương quản lý.
Không để việc xử lý nồng độ cồn bị chùng xuống, hay nói cách khác là “đầu voi, đuôi chuột”. Đối với các trường hợp người tham gia giao thông bỏ chạy, cố tình không chấp hành yêu cầu hay có hành vi chống đối CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử phạt theo mức cao nhất đối với hành vi này.
Tin rằng, từ mục tiêu kéo giảm TNGT, từ đó sẽ làm thay đổi, hướng đến văn hóa uống rượu, bia có trách nhiệm đối với mỗi người dân, hình thành thói quen “đã uống rượu, bia, không lái xe”, việc làm của lực lượng CSGT nói chung, của lực lượng CSGT Nghệ An nói riêng vẫn luôn được người dân đồng tình ủng hộ.
P.V:Xin cảm ơn ông!