Đan Mạch trở thành quốc gia tiên phong trong việc cấm điện thoại trong trường học ở châu Âu
Chủ tịch Ủy ban phúc lợi Đan Mạch cho biết, các quốc gia châu Âu nên noi gương Đan Mạch bằng cách cấm điện thoại di động ở trường học để ngăn chặn tình trạng học sinh bị "nền tảng kỹ thuật số xâm chiếm".
Rasmus Meyer, Chủ tịch Ủy ban chính phủ phụ trách điều tra tình trạng bất mãn ngày càng gia tăng ở trẻ em và thanh thiếu niên, khẳng định việc loại bỏ điện thoại di động khỏi môi trường học đường mang lại cho giới trẻ một "khoảng lặng" cần thiết khỏi thế giới số, giúp các em học cách hòa nhập với cộng đồng thực và phát triển khả năng tập trung.
Báo cáo của Ủy ban này được công bố vào tháng trước, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ số hóa ngày càng sâu rộng trong đời sống của trẻ em và thanh thiếu niên.
Trong số 35 khuyến nghị được đưa ra, có đề xuất sửa đổi luật để cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong các trường tiểu học và trung học cơ sở, cũng như tại các câu lạc bộ sau giờ học, một thay đổi mà chính phủ Đan Mạch tuyên bố sẽ áp dụng trên toàn quốc. Ủy ban cũng nhấn mạnh rằng trẻ em dưới 13 tuổi không nên sở hữu điện thoại thông minh hay máy tính bảng cá nhân.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian, ông Meyer kêu gọi toàn bộ châu Âu áp dụng lệnh cấm tương tự và đề nghị Liên minh châu Âu (EU) ban hành quy định chung cho toàn khối.
Ông nói: “Nếu trong vòng 5 năm tới chúng ta phát hiện ra rằng điện thoại thực sự có ích, thì vẫn có thể xem xét đưa chúng trở lại. Nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra”.
Theo ông, việc cấm điện thoại ở trường học không chỉ giúp học sinh thoát khỏi sự chi phối của thế giới ảo, mà còn dạy các em cách kết nối xã hội trong thế giới thực, cải thiện sự chú ý và tôn trọng không gian học đường như một thiết chế quan trọng của xã hội, nơi không nên bị các nền tảng kỹ thuật số xâm lấn.
Meyer cho biết, tại những trường đã áp dụng lệnh cấm, trẻ em có khả năng tập trung tốt hơn, tương tác với nhau nhiều hơn và giảm hẳn tình trạng nói chuyện riêng trong lớp học.
Việc dành thời gian ở trường không có điện thoại được kỳ vọng sẽ giúp trẻ em rèn luyện kỹ năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với bạn bè bên ngoài lớp học.
“Những thay đổi này đang diễn ra quá nhanh đến mức xã hội chưa kịp thích nghi”, ông nói thêm. “Đây là nỗ lực của chúng tôi nhằm đi trước làn sóng phát triển và đẩy lùi quá trình thương mại hóa đời sống của trẻ em thông qua số hóa”.
Ủy ban này cũng chỉ ra rằng, 94% thanh thiếu niên tại Đan Mạch sở hữu tài khoản mạng xã hội trước 13 tuổi, dù đây là độ tuổi tối thiểu theo quy định của nhiều nền tảng. Trẻ em từ 9 đến 14 tuổi trung bình dành tới 3 giờ mỗi ngày để xem TikTok và YouTube.
Mặc dù mối liên hệ giữa việc sử dụng thiết bị công nghệ và các vấn đề về sự chú ý, lòng tự trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên đã được chỉ rõ, nhưng nhiều trẻ tại Đan Mạch cũng như trên khắp châu Âu vẫn mang theo điện thoại đến trường mỗi ngày.
“Chúng ta không cho phép trẻ em mang máy chơi game PlayStation vào lớp học”, ông Rasmus Meyer nhận xét, “nhưng thực tế, đó chính là điều đang xảy ra khi ta cho phép các em đem theo điện thoại”.
Ông cảnh báo rằng, vấn đề an toàn của trẻ em trong môi trường trực tuyến đang bị xem nhẹ một cách đáng lo ngại. “Thật sốc khi xã hội chấp nhận một thực tế đó là rất nhiều trẻ em đang dành 8–10 tiếng mỗi ngày trên điện thoại. Chúng ta luôn quan tâm đến sự an toàn của con trẻ trong thế giới thực, nhưng lại gần như buông bỏ vai trò bảo vệ của mình trên không gian số, cả với tư cách là phụ huynh lẫn một xã hội”.
Tại trường Tiểu học Skolen på Grundtvigsvej ở quận Frederiksberg, thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), lệnh cấm sử dụng điện thoại đã được áp dụng từ năm 2018. Hiệu trưởng Helle Bjerg chia sẻ: “Quy định rất rõ ràng, học sinh không được mang điện thoại theo người trong suốt thời gian học. Khi bước vào trường, các em phải nộp điện thoại và chỉ được nhận lại khi kết thúc ngày học”.
Kết quả thật rõ ràng, trẻ em ít bị xao nhãng hơn, và các em nói chuyện, giao tiếp với nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng việc số hóa tài liệu học tập khiến học sinh vẫn phải sử dụng máy tính và điều này vẫn gây ra không ít thách thức.
Tại một câu lạc bộ sau giờ học gần đó, đặt trong một ngôi nhà lớn và ấm cúng, trẻ em được phép mang theo điện thoại, nhưng không được khuyến khích sử dụng. Ngay ở cửa, một tấm biển nhỏ nhắn nhưng đầy ý nghĩa chào đón các em: “Bạn đang bước vào khu vực không có điện thoại, hãy cho bản thân một khoảng nghỉ khỏi chiếc màn hình”. Và ở một góc nhìn nghiêm khắc hơn, tấm biển cảnh báo: “Điện thoại sẽ luôn ở đó. Nhưng bạn bè thì không”.
Trong gian bếp thơm mùi bánh mới nướng, Hjalte Petersen – một nhà sư phạm tại trường và câu lạc bộ chia sẻ: “Từ khi không còn điện thoại, các em chơi với nhau nhiều hơn. Ngày trước, không có quy định nào về thiết bị điện tử, và rất nhiều trẻ chỉ ngồi một mình, đắm chìm trong thế giới riêng trên màn hình của mình”.
Việc thu lại điện thoại đã làm sống dậy tinh thần gắn kết giữa những đứa trẻ. Khi không còn màn hình để nhìn, trẻ em buộc phải tìm một điều gì đó khác để làm, để không thấy nhàm chán và điều đó thường là chơi cùng nhau.