Đảng viên đi đầu xây dựng mô hình thoát nghèo
(Baonghean) - Nhận thức được vai trò của các cấp ủy đảng trong phát triển kinh tế, nhiều năm qua TX. Thái Hòa luôn chú trọng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng các mô hình thoát nghèo bền vững. Từ thành công của các mô hình đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân.
Xã Nghĩa Tiến từng là một trong những địa bàn khó khăn của thị xã Thái Hòa khi có tới gần 1 nửa xóm, bản là người dân tộc thiểu số. Thời điểm năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn gần 15%, đời sống và thu nhập của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Để vực dậy đời sống của nhân dân địa phương, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo 13 chi bộ cơ sở phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu để khai hoang phục hóa mở rộng diện tích đất sản xuất, tích cực xây dựng những mô hình thoát nghèo bền vững.
Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đội ngũ đảng viên, đặc biệt là các bí thư chi bộ đã trở thành những hạt nhân xung kích đưa những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế về địa phương.
Nổi bật trong phong trào đó, đồng chí Phạm Thị Hà - Bí thư Chi bộ xóm 6 được biết đến như một điển hình “miệng nói, tay làm” khi xây dựng thành công trang trại trồng cây ăn quả có múi.
Đồng chí Phạm Thị Hà, Bí thư Chi bộ xóm 6 (xã Nghĩa Tiến, TX.Thái Hòa) là người tiên phong trong khai phá đồi hoang làm trang trại ở địa phương. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Giữa vườn bưởi trĩu quả sắp vào mùa thu hoạch, đồng chí Hà cho biết, trang trại của gia đình rộng hơn 3ha, nằm trên diện tích Rú Dần và Rú Nẩy của thôn 6. Do điều kiện đất dốc lại thiếu nguồn nước tưới tiêu tại chỗ nên diện tích này trước đây chỉ dùng chủ yếu để trồng sắn và keo.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Khi xã có chủ trương phục tráng và nhân rộng diện tích canh tác giống bưởi hồng trở thành hướng đặc sản, bà nhanh chóng đăng ký tham gia lớp tập huấn do địa phương tổ chức, đồng thời vay vốn để cải tạo đất và mua giống xây dựng mô hình. Giờ đây, trang trại đã bước vào vụ thu hoạch thứ 2, đem về thu nhập trên 500 triệu đồng.
Sau thành công của bí thư chi bộ, nhiều đảng viên trẻ tuổi trong chi bộ như Phạm Thị Hường, Đào Văn Giới, Nông Văn Bình… cũng đã học hỏi và phát triển mô hình, biến gần chục ha đất đồi trở thành nông trại trồng cây ăn quả với mức thu nhập trên dưới 300 triệu đồng mỗi năm.
Các mô hình đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng thôn xóm, từ đây phong trào khai hoang phục hóa đất trống đồi trọc được bà con triển khai đồng bộ. Nếu như vào thời điểm năm 2010, trong tổng số 154 hộ của thôn đã có tới 10 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo, mức thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 25 triệu đồng/năm thì nay đã tăng lên trên 32 triệu đồng/năm, toàn thôn đã có 73 hộ khá giả và chỉ còn 9 hộ cận nghèo.
Một góc nông thôn mới xã Nghĩa Tiến (TX. Thái Hòa). Ảnh tư liệu |
Theo đồng chí Vũ Đức Tài - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Tiến, với đặc thù là xã thuần nông, để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, đảng ủy xã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải giúp nhân dân tiếp cận và ứng dụng được tiến bộ khoa học trong sản xuất.
Do vậy, hàng năm đảng ủy xã đã chỉ đạo mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ đều phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mình, tích cực đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, để mọi người dân học tập và làm theo. Các đề án phát triển kinh tế như mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, phát triển gia trại, trang trại, thử nghiệm các giống vật nuôi mới đều được triển khai thành công. Đưa mức thu nhập của người dân đạt trên 42 triệu đồng/người/năm.
Tương tự, tại xã Nghĩa Hòa, đồng chí Lê Gia Quang - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Với sự tích cực vào cuộc phát triển kinh tế của 127 đảng viên trên 6 chi bộ thôn xóm, địa phương đã thực hiện nhiều chương trình thành công như dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới và hình thành các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.
Xã hình thành 7 vùng chuyên canh nông nghiệp hiệu quả bao gồm vùng chuyên canh lúa nước, chuyên canh màu, chăn nuôi gia súc - gia cầm, nuôi trồng thủy sản trên các đập, chuyên canh trồng cây ăn quả, chuyên canh trồng rừng và khoanh nuôi. Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao với mức thu nhập bình quân 38 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 2,5% (năm 2018)”.
"Xã Nghĩa Hòa đã thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế thành công nhờ sự vào cuộc tích cực của các đảng viên".
Phong trào khoanh nuôi, bảo vệ rừng trên diện tích đồi Nại Hầm (xã Nghĩa Hòa, TX. Thái Hòa) được đông đảo người dân ủng hộ. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Về vấn đề phát huy hiệu quả vai trò đầu tàu, gương mẫu của đảng viên trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, Thị ủy Thái Hòa đã chỉ đạo từng chi bộ tuyên truyền nội dung nghị quyết đến từng đảng viên, giúp đảng viên thấm nhuần vai trò tiên phong của mình trong phát triển kinh tế. Mỗi đảng viên phải thực sự trở thành hạt nhân, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong nhân dân.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế của mỗi đơn vị, đảng bộ cơ sở phải phân công các đồng chí đảng ủy viên hàng tháng về dự sinh hoạt cùng chi bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và có những giải pháp kịp thời.
“Để thực hiện được mục tiêu tạo việc làm và xóa nghèo bền vững Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Thái Hòa đặt ra, Đảng bộ đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình, nghị quyết nhằm phát triển kinh tế địa phương”.
Phát triển trang trại trồng cây ăn quả tại xã Nghĩa Hòa (TX. Thái Hòa). Ảnh: Thanh Quỳnh |
Bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, các đảng viên ở cơ sở đã khẳng định vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TX.Thái Hòa. Mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, năm 2018 đạt trên 38 triệu đồng/người/năm, tăng 10,5% so với năm 2017. Đối với phong trào sản xuất phát triển kinh tế, toàn thị xã có 2.010 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng hơn 350 hộ so với năm 2012.