Đào tạo bóng đá trẻ: ‘Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’

Trung Kiên 13/05/2020 10:59

(Baonghean) - Bóng đá Việt Nam không thể chỉ quanh quẩn ở những giải đấu “ao làng” như SEA Games hay Giải vô địch Đông Nam Á. Muốn đưa bóng đá nước nhà tiệm cận với trình độ của khu vực châu Á và xa hơn là giấc mơ World Cup thì đào tạo trẻ là chìa khóa và là con đường duy nhất. Tuy nhiên, vấn đề này còn rất nhiều tồn tại.

Đầu tiên, có thể dễ dàng kể tên một số lò, trung tâm đào tạo bóng đá có tiếng tăm nhất cả nước, cung cấp nhiều cầu thủ tốt cho các ĐTQG như Viettel, PVF, Hà Nội, HAGL, Sông Lam Nghệ An. Thậm chí trong quá khứ, những cái tên như Đà Nẵng, Đồng Tháp, Nam Định cũng được đánh giá rất cao trong vấn đề chăm bẵm những tài năng.

Tuy nhiên, đáng tiếc rằng những lò đào tạo trên lại phát triển một cách không đồng bộ. Như cái tên Đồng Tháp từng làm mưa làm gió, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với SLNA ở những giải đấu như U17 thì nay họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong định hướng phát triển, đầu ra và bến đỗ cho các cầu thủ trẻ. Việc phải thi đấu tại hạng dưới cũng đã khiến Đồng Tháp đang lâm vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Bóng đá Nam Định cũng một thời “làm mưa làm gió”, điểm nhấn là lứa cầu thủ tài năng vô địch U21 năm 2011. Ngoại trừ những lò đào tạo được đầu tư mạnh mẽ về tài chính và cơ sở vật chất, chuyên môn như ở khu vực phía Bắc thì các lò SLNA, Nam Định, Đồng Tháp đều gặp rất nhiều khó khăn. Khi cuộc ganh đua tìm kiếm nhân tài và nuôi dưỡng nhân tài ngày một khốc liệt, có nhiều thời điểm họ bị bỏ lại phía sau quá xa.

Đào tạo bóng đá trẻ ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC
Đào tạo bóng đá trẻ ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC

Sự tụt hậu đó được thể hiện rõ ngay ở lò SLNA khi đào tạo trẻ nơi đây dựa quá nhiều vào những phương pháp truyền thống, kinh nghiệm và cái duyên cầm quân của những bậc thầy như HLV Nguyễn Văn Thịnh, Lê Kỳ Phương, Hoàng Đăng Hồng, Đinh Văn Dũng hay trước đó là cố HLV Văn Sỹ Chi.

Đương nhiên, vai trò của họ là rất lớn nhưng điều mà SLNA cũng như nhiều CLB khác thiếu nhất chính là sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, y tế... Sự chênh lệch có thể thấy rõ khi các cầu thủ trẻ PVF có thể được ăn với chế độ lên đến 1 triệu đồng/ngày.

Trong khi đó, các cầu thủ trẻ như SLNA chỉ dao động từ 150-300 nghìn đồng/ngày tùy thời điểm tập luyện và thi đấu. Nếu như PVF, Viettel có đến hàng chục sân tập thì SLNA lại chỉ có vỏn vẹn 2 sân nhân tạo, 1 sân tự nhiên. Chỉ riêng sân cỏ tự nhiên, thầy trò HLV Quang Trường đang tập ké với các cầu thủ khiến sân bóng này mỗi ngày phục vụ 4 ca.

Triết lý bóng đá và hệ thống đào tạo trẻ của mỗi CLB tại V.League cũng hết sức khác nhau. Nếu như hiện nay ĐTQG đang được xây dựng theo sơ đồ 3-4-3 thì hầu như nhiều đội bóng trẻ xây dựng lối chơi 4-4-2. Và khi họ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, được gọi lên các ĐTQG, họ phải bắt đầu làm quen với một chiến thuật mới.

Đội tuyển U19 Việt Nam. Ảnh: VFF

SLNA là đội bóng rất mạnh ở lứa tuổi từ U11 đến U15, đó là giai đoạn dựa rất nhiều vào năng khiếu nhưng bắt đầu từ lứa U19 đến U21 đòi hỏi tư duy chiến thuật, các cầu thủ xứ Nghệ lại bị các đối thủ như HAGL, Hà Nội, Viettel, PVF vượt lên. Mấu chốt được các chuyên gia nằm ở chỗ, khi các cầu thủ trẻ trưởng thành, họ liên tục được thay đổi huấn luyện viên dẫn dắt, triết lý và cách huấn luyện cũng khác nhưng ngay trong một CLB không có sự thống nhất trong giáo án chung.

Ông Jurgen Gede - cựu GĐKT bóng đá Việt Nam từng đề xuất tổ chức một buổi hội thảo với các HLV khắp đất nước. Đó chỉ là một cuộc trò chuyện như những người đồng nghiệp, ông kể lại, các trải nghiệm và đúc kết của bản thân còn ứng dụng ra sao là tùy mỗi người. Nhưng trong suốt thời gian ông nói, không mấy ai tương tác thảo luận lại.

Theo vị GĐKT này, cầu thủ Việt Nam thông minh, khéo léo nhưng thế là chưa đủ. Ông rất nhấn mạnh đến vấn đề ý thức, kỷ luật, thói quen ăn uống trong cầu thủ trẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, rằng cầu thủ dưới 21 tuổi ở Việt Nam có quá ít cơ hội thể hiện. Số trận được thi đấu chỉ dao động từ 12 trận đến 15 trận mỗi năm.

Đào tạo trẻ tại Việt Nam không đồng bộ khiến HLV Park Hang-seo gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng lối chơi cho ĐTQG. Đồ họa: TK
Đào tạo trẻ tại Việt Nam không đồng bộ khiến HLV Park Hang-seo gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng lối chơi cho ĐTQG. Đồ họa: TK

Đáng mừng là hiện nay một số CLB như Hà Nội, Đà Nẵng, Viettel đều đã có một “sân sau” - tức là đội hình B thi đấu tại các giải hạng Nhì, hạng Nhất. Còn SLNA, đội bóng xứ Nghệ tìm đến cách gửi các cầu thủ trẻ đến những CLB hạng dưới để các cầu thủ được cọ xát.

Ngay cả những tài năng như Xuân Mạnh, Văn Khánh, Thành Chung, Đình Trọng... cũng từng có thời gian chinh chiến tại hạng dưới để cứng cáp hơn. Cùng với đó là việc VFF đã tạo thêm một giải Cúp QG cho lứa tuổi U15 và U17 bên cạnh giải Vô địch toàn quốc.

Một đặc điểm nữa cho thấy sự khác biệt giữa các lò đào tạo Việt Nam là việc chú trọng đến đào tạo văn hóa, ngoại ngữ và thậm chí là Luật Bóng đá. Những điều này hết sức quan trọng và gần như là cấp thiết cho những cầu thủ muốn chuyên nghiệp. Đương nhiên, với những lò đào tạo “ăn chưa đủ no” thì khó chú tâm đến việc đào tạo văn hóa, đạo đức và kỹ năng sống cho các cầu thủ.

Mong rằng trong thời điểm giao thoa này khi bóng đá Việt Nam có được một vị Giám đốc kỹ thuật mới, ông sẽ được trao nhiều thực quyền hơn để đưa các lò đào tạo Việt Nam phát triển một cách đồng bộ hơn. Từ đó, giúp cho những HLV như Park Hang-seo có nhiều lựa chọn tốt hơn, yên tâm làm nhiệm vụ thay vì phải “đào tạo lại” từng động tác, cách di chuyển mỗi khi các cầu thủ lên tập trung ĐTQG.

Hồ Tuấn Tài, Xuân Nam và những gợi ý trung phong cho HLV Park Hang-seo

Hồ Tuấn Tài, Xuân Nam và những gợi ý trung phong cho HLV Park Hang-seo

(Baonghean.vn) - Sau khi tiền đạo Nguyễn Anh Đức giải nghệ, vị trí trung phong thực thụ tại Đội tuyển Việt Nam chỉ còn 1 cặp ưng ý nhất là Tiến Linh - Đức Chinh. Tuy nhiên, với sơ đồ 2 tiền đạo sắp tới, chắc chắn HLV Park Hang-seo sẽ để mắt tới nhiều cái tên dự phòng khác nữa.

Mới nhất

x
Đào tạo bóng đá trẻ: ‘Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO