Đất 'văn - võ song toàn' Cẩm Thái

NPV 26/04/2020 07:02

(Baonghean) - Đi qua những cây cầu thênh thang nối liền những dải đất màu mỡ dọc dòng Lam, người ta vẫn nhớ về mảnh đất Thanh Chương xưa với ba mươi sáu bến đò ngang, nghe tiếng gọi đò. Nhiều người vẫn thường gợi nhắc tới những câu thơ: “Ai về Cẩm Thái huyện Thanh Chương/Thăm lăng Can phủ xứ Bình Dương/Cột quyết tôn cao hàng câu đối/Lưu truyền con cháu nghiệp văn chương…”.

Truyền thống văn nghiệp vẻ vang

Làng Cẩm Thái được nhắc đến trong câu hát ấy là một trong những ngôi làng nổi danh hiếu học của mảnh đất Thanh Văn xưa. Can phủ xứ Bình Dương đó chính là ông Nguyễn Hữu Điển sinh năm Ất Dậu (1825), người làng Cẩm Hương (nay là Cẩm Thái), xã Thanh Văn (nay là xã Đại Đồng), huyện Thanh Chương.

Ông là hậu duệ đời thứ 9 của Binh bộ Thượng Thư Quận Công Nguyễn Hữu Trác, dưới triều Lê Trung Hưng. Ông là con trai duy nhất của cử nhân Tri huyện, huyện Thiên Thi, nổi tiếng là quan thanh liêm. Mẹ ông là con gái của quan Đốc học nên từ nhỏ ông đã nổi tiếng khắp vùng về sự thông minh, chăm học và có hiếu với cha mẹ.

Mảnh đất Thanh Văn có truyền thống hiếu học. Ảnh: NPV
Một cổng làng ở Thanh Văn (nay là xã Đại Đồng). Ảnh: NPV

Năm 28 tuổi ông thi đậu Tiến sỹ, nay còn lưu giữ các trướng chúc mừng như Hộ Bộ Thượng thư Ngụy Khắc Tuần, Bộ Binh Tả Tham Tri kiên Quản Hà, Binh bộ tả tham Tri Kiên quản Hàn lâm Viễn Trương Quốc Dũng… Năm Tự Đức thứ 9, ông được lãnh chức Tri phủ Bình Giang (Hải Dương). Nhờ có học vấn uyên thâm, thâm hiểu đạo đời, bản tính thanh liêm, sau 1 thời gian ngắn, ông góp phần đưa cuộc sống của người dân bản địa được yên bình thịnh vượng.

Giữa lúc sự nghiệp của ông Nguyễn Hữu Điển đang phát triển tốt đẹp thì thực dân Pháp kéo đến lãnh địa của ông để thăm dò châu thổ Sông Hồng. Ông đã hô hào nhân dân tập hợp mọi lực lượng đánh lui được quân giặc và ông đã hy sinh tại Bãi Dâu, tỉnh Hưng Yên. Để ghi nhớ công lao của ông, triều đình Tự Đức đã truy thụ cho ông chức Hàn Lâm Viện thị độc.

Không chỉ tài giỏi hơn người, ông Nguyễn Hữu Điển còn được ngợi ca là người rất giàu tình cảm với quê hương, đã có nhiều đóng góp thiết thực xây dựng quê nhà. Ông đã cùng cha góp phần xây dựng nhà Văn Thánh tại làng Cẩm Thái nơi mình sinh ra để những người yêu văn chương có thể cùng nhau đàm đạo, nâng cao học vấn.

Nhà Văn Thánh vẫn còn đó, trở thành chốn lui về của những người con Cẩm Thái, từ đó thắp sáng thêm truyền thống hiếu học, tinh thần yêu nước qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Lần dở những tài liệu lịch sử quý giá được ghi lại trong cuốn “Thanh Văn rạng danh quá khứ - hiện tại” của tác giả Nguyễn Viết Ba cho thấy, mảnh đất này còn nhiều điều thú vị khi có 7 ngôi làng nổi danh về sự học. Trong đó nổi bật với làng Cẩm Thái nổi danh với dòng họ Nguyễn Hữu, Nguyễn Đình, Phan Văn; làng Đại định có dòng họ Nguyễn Viết, Nguyễn Như, Lê Đình; làng Phúc Long có họ Nguyễn Đắc, Nguyễn Duy, Nguyễn Đình và dòng học Phan Công, Nguyễn Văn, Nguyễn Hữu làng Ích Long.

Nhà Văn thánh Cẩm Thái đang được trùng tu tôn tạo. Ảnh: NPV
Nhà Văn thánh Cẩm Thái đang được trùng tu tôn tạo. Ảnh: NPV

Theo thống kê tại các văn bia Văn Thánh hiện còn lưu giữ, từ những ngôi làng đặc biệt này đã sản sinh, nuôi dưỡng một Thám Hoa, hai Tiến sỹ, 12 Cử nhân, 46 Hương cống và 33 Hiếu sinh, Sinh đồ triều Lê, Tú tài triều Nguyễn.

Nêu cao khí chất võ nghiệp

Không chỉ nổi tiếng về văn nghiệp, mảnh đất Thanh Văn xưa còn nổi tiếng với những con người võ nghệ phi thường, có công lớn trong bảo vệ và ổn định đất nước. Trong đó phải kể đến Nguyễn Duy Áp. Ông sinh năm 1745 tại làng Phúc Long trong một gia đình có truyền thống võ cử, các bậc cha ông nhiều người làm quan võ trong quân đội nhà Lê. Từ nhỏ, ông đã đam mê võ nghệ, lớn lên gia nhập và làm Đội trưởng trong đội Ưu binh của triều Lê với nhiều lính tinh nhuệ, dũng cảm nhất trong triều đại thời bấy giờ. Trong sự nghiệp hiển hách của mình, ông đã có công lớn giúp Chúa Trịnh bình định được vùng đất Phú Xuân (thủ phủ của Thuận Hóa) và làm quan túc vệ trong phủ Chúa.

Truyền thống võ nghiệp của làng Phúc Long còn được tiếp nối với ông Nguyễn Duy Quý (sinh năm 1752), người gắn liền với sự hưng vong của nhà Tây Sơn trong quá trình đấu tranh chống quân xâm lược và gây dựng đất nước.

Ghi nhận những cống hiến của ông, triều đình Tây Sơn đã ban tặng nhiều sắc phong khen thưởng. Dưới triều Lê, nhiều tuấn kiệt của đất Thanh Văn đã lập công lớn trong phong trào “Phò Lê – Diệt Mạc” như: Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, Lại Quận công Phan Công Tích, Cường Quận công Nguyễn Cảnh Vạn và con trai Phó Nham hầu Nguyễn Cảnh Yên…

Sông Lam đoạn qua Thanh Văn (nay là xã Đại Đồng). Ảnh tư liệu

Sau này, nhiều nho sỹ văn võ song toàn ở Thanh Văn đã sớm tham gia phong trào Cần Vương do Vua Hàm Nghi lãnh đạo như: Nguyễn Hữu Toạn, Phạm Văn Hồng, Nguyễn Văn Sòa, Nguyễn Như Cơ, Nguyễn Như Canh… Họ chính là những người đã trực tiếp làm “Đốc vận binh lương”, góp phần thành lập kho dự trữ lương thực, hậu cần tại làng Cẩm Thái.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thanh Văn trở thành địa chỉ đỏ với tổng số 926 người vào bộ đội chiến đấu, 172 người tham gia Thanh niên xung phong, 586 người đi dân công hỏa tuyến. Trong suốt quãng thời gian chiến đấu và xây dựng Tổ quốc, Thanh Văn có 8.115 người và dòng họ được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại; 10 gia đình cùng làng Đại Định, làng Đăng Cao được Nhà nước tặng Bằng khen, Bằng có công với đất nước. Những con số đó đã minh chứng cho sự đóng góp to lớn của con người trên mảnh đất Thanh Văn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Tiếp nối truyền thống cha anh

Trở về mảnh đất Cẩm Thái, chúng tôi may mắn được gặp lại ông Nguyễn Hữu Quế, là hậu duệ đời thứ 5 của Tiến sỹ Hàn Lâm viện Nguyễn Hữu Điển. Theo sự giới thiệu của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng Nguyễn Văn Thùy thì ông Quế chính là người trực tiếp thờ phụng, hương khói tại nhà thờ của Tiến sỹ Nguyễn Hữu Điển. Hiện nay, mọi sắc phong, tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Tiến sỹ đều được gìn giữ cẩn thận.

Ông Nguyễn Hữu Quế giới thiệu về nhà thờ Tiến sỹ Hàn Lâm viện Nguyễn Hữu Điển - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: NPV
Ông Nguyễn Hữu Quế giới thiệu về nhà thờ Tiến sỹ Hàn Lâm viện Nguyễn Hữu Điển - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: NPV

Tiếp nối truyền thống của dòng họ, ông Quế cũng là một người con hiếu học, ưu tú. Là thầy giáo dạy toán, hàng chục năm qua ông đã trực tiếp mở những lớp học miễn phí cho con em trong vùng. Hằng ngày, trong căn nhà 3 gian giản dị của thầy đều đầy ắp tiếng cười con trẻ.

Dù rằng, cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả, nhưng chính thầy đã dành dụm những đồng tiền ít ỏi từ nghề giáo của mình để mua thêm bút, thêm vở cho những cô cậu học trò có hoàn cảnh khó khăn. Giờ đây, những đứa trẻ ấy đã lớn lên, có người trở thành bác sỹ, kỹ sư, có người nối nghiệp thầy đứng lớp trên mọi miền đất nước...

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng Nguyễn Văn Thùy không khỏi tự hào chia sẻ, rằng truyền thống hiếu học nơi đây vẫn luôn được các thế hệ tiếp nối và phát huy. Nhiều người của mảnh đất này đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và hiện đang công tác khắp mọi miền Tổ quốc. Có người giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp. Và, người dân nơi đây vẫn luôn đặc biệt coi trọng đến việc học hành của con cháu.

Mới nhất
x
Đất 'văn - võ song toàn' Cẩm Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO