Để có những miền quê đáng sống
(Baonghean.vn) - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản”.
Hơn 1 năm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cả tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và đạt được một số kết quả bước đầu. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến tháng 3/2022 cả tỉnh đã có 299 xã/411 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (72,75% số xã), có 7 huyện, thành, thị: thành phố Vinh, Thái Hòa, Hoàng Mai, Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc và Quỳnh Lưu đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bộ mặt nông thôn toàn tỉnh đã “thay da đổi thịt” hơn trước, được người dân đồng thuận, phấn khởi. Tuy nhiên, để nông thôn sớm trở thành một miền quê đáng sống, các cấp, các ngành cần tiếp tục có nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực hơn nữa trong thời gian tới.
Quang cảnh xã Trung Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Sách Nguyễn |
Để đô thị hóa nông thôn phải xây dựng các khu đô thị nhỏ, bao gồm khu sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và khu dân sinh với đầy đủ cơ sở hạ tầng như đô thị.
Dân số nông thôn của tỉnh hiện còn có tỷ lệ cao (84,5%), trong đó lao động chiếm 88% so với lao động toàn tỉnh, vì thế phải tiếp tục tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức để mỗi người dân nông thôn tự giác tham gia đóng góp tích cực cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới cả về lao động, vật tư và tiền vốn. Đây là chương trình thiết thực nhất, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nông dân. Ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ thì nguồn lực xã hội hóa là rất quan trọng, nhất là sau đại dịch công tác thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Các địa phương cần rà soát quy hoạch để bổ sung quy hoạch nông thôn thật khoa học, sát thực tiễn cho mỗi vùng miền trong tỉnh như vùng miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Để đô thị hóa nông thôn phải xây dựng các khu đô thị nhỏ, bao gồm khu sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và khu dân sinh với đầy đủ cơ sở hạ tầng như đô thị sẽ tạo ra hệ sinh thái mới văn minh và phân tán ở khắp các vùng quê. Làm như vậy, người nông dân mới từng bước trở thành thị dân một cách bền vững.
Đường giao thông ở xã NTM nâng cao Sơn Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu: X.H |
Khi đó người nông dân “ly nông” mới thật sự không muốn giữ lại mảnh ruộng nhỏ bé của mình như “vật bảo hiểm” để dự phòng khi mất việc làm nơi khác thì trở về quê làm nông dân (như đã thấy trong đại dịch Covid-19 hiện nay). Do đó, người nông dân sẵn sàng bán hay cho thuê dài hạn những mảnh ruộng nhận khoán nhỏ bé của mình, giúp cho quá trình tích tụ ruộng đất vào những nông gia giỏi. Chính những người nông gia đó mới có điều kiện để phát triển nông trại với quy mô lớn, đủ năng lực sản xuất, kinh doanh, chủ động sáng lập và quản lý có hiệu quả các hợp tác xã của mình.
Các khu dân sinh cả miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển đều phải khuyến khích xây dựng nhà ở theo mô hình nhà vườn, tăng diện tích rau, hoa quả để nông thôn từng bước thật sự “xanh, sạch, đẹp”. Đặc biệt, quan tâm xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, trong đó quy hoạch đường giao thông phải rộng để đáp ứng phương tiện giao thông sẽ tăng nhanh trong 5-10 năm tới. Các ngã tư, ngã ba đường phải thiết kế, xây dựng rộng rãi, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông.
Kiên quyết khắc phục tình trạng nhà ống, bê tông hóa làng quê, đưa nhà ở ra mặt đường nhiều như một số xã hiện nay. Quan tâm xử lý tốt môi trường, không để ô nhiễm không khí, nguồn nước, chất thải cả trong khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và khu dân sinh. Riêng các trang trại chăn nuôi lớn cần quy hoạch xa khu dân cư và đặt ra yêu cầu bắt buộc là phải lắp đặt các máy phát điện bằng biogas,…
Phong trào “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới” phát huy hiệu quả thiết thực và đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh tư liệu: X.H |
Đối với nông thôn miền núi, nhất là các huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu, Con Cuông phải quan tâm bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có. Cần lưu ý là rừng trồng không thể thay thế được rừng tự nhiên trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, nhất thiết phải có biện pháp tích cực, hiệu quả khôi phục và bảo vệ rừng tự nhiên ở miền Tây như là yếu tố sống còn.
Chúng ta còn nhớ trận lũ quét kinh hoàng ở xã Nậm Giải (Quế Phong) ngày 07/10/2007 và những đợt lũ ống, lũ quét xảy ra ở huyện Tương Dương, Kỳ Sơn,… gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Nghệ An là một trong những tỉnh miền Trung chịu tác động lớn của gió mùa Tây Nam (thường từ tháng 4 - 7) và có nhiều trận mưa bão lớn tập trung (chủ yếu từ tháng 8 - 10), vì thế rất cần tăng tỷ lệ cây xanh, nhất là vùng núi cao và ven biển.
Biện pháp lâu dài là các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp phải tạo môi trường thông thoáng, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, giải phóng nhanh mặt bằng đất đai, tổ chức đền bù, tái định cư để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là chế biến sâu nông sản. Trên cơ sở đó góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn và thu mua hết sản phẩm đầu ra của sản xuất nông nghiệp.
Một góc vườn của gia đình chị Bùi Thị Hà ở xóm Thọ Đông, xã Nghĩa Lộc được ví như một công viên sinh thái. Ảnh tư liệu: N.S |
Tiếp tục chỉ đạo tốt công tác khuyến nông, khuyến công để từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp và đội ngũ lao động cho các ngành phi nông nghiệp ở nông thôn.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ có hiệu quả khi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, vì họ cần lao động có tay nghề như thế nào thì họ sẽ có chương trình, kế hoạch đào tạo như thế. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích các trường dạy nghề và tiếp tục chỉ đạo tốt công tác khuyến nông, khuyến công để từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp và đội ngũ lao động cho các ngành phi nông nghiệp ở nông thôn.
Nghệ An là tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống, nhất là các dân tộc thiểu số ở các huyện miền Tây, vì thế bảo tồn các giá trị văn hóa mang đậm màu sắc các vùng miền và sắc tộc ở các làng, bản như di sản vật thể và phi vật thể. Đó là một bộ phận quý giá của môi trường sinh thái nhân văn, góp phần phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.
Trong điều kiện thực tế hiện nay, đề nghị cấp ủy, chính quyền cấp huyện cần quan tâm hơn nữa việc cập nhật thường xuyên kiến thức, kinh nghiệm và tăng cường giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Đây là đội ngũ cán bộ hàng ngày trực tiếp chỉ đạo, điều hành sát cơ sở, sát người dân, nhất là công tác quản lý nhà nước về văn hóa, an ninh trật tự, không để tình trạng trộm cắp, cướp giật, bạo lực gia đình, ma túy, cờ bạc,… xảy ra. Làm tốt được chức năng quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội ở cấp xã chính là tạo môi trường để người dân sống bình an, hạnh phúc trên chính quê hương của mình. Sau khi tổng kết nghị quyết “Tam nông” đề nghị Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều kết quả cao hơn nữa.
Thị xã Hoàng Mai nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu: Hồ Long |
Năm 2022 mở ra nhiều thời cơ và thách thức mới, tin tưởng với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, nhất định nông thôn Nghệ An sẽ từng bước trở thành một miền quê đáng sống trong thời gian tới.
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến tháng 9/2021 cả tỉnh có số người Nghệ An đang làm việc ngoài tỉnh là 232.566 người, như vậy nhu cầu việc làm cho người lao động nông thôn còn rất lớn. Từ đầu năm 2021 đến nay toàn tỉnh đã có 87.945 người từ vùng dịch trở về quê sinh sống, tìm việc làm. Vì thế, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thực hiện mục tiêu “ly nông không ly hương” trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.