Thời sự

Để Con Cuông trở thành trung tâm khu vực miền Tây Nghệ An

Thành Chung (thực hiện) 03/08/2024 10:56

Thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển Con Cuông trở thành đô thị loại 4 theo hướng sinh thái, du lịch”, là trung tâm của khu vực miền Tây Nghệ An, huyện Con Cuông đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư về với địa phương.

Xung quanh vấn đề này, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi cùng ông Lô Văn Thao - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.

P.V: Với các huyện miền núi, việc thu hút đầu tư có tầm quan trọng đặc biệt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Huyện Con Cuông đã xác định chủ trương thu hút đầu tư ra sao? Huyện hiện đang có những lợi thế nào để triển khai nhiệm vụ này?

Ông Lô Văn Thao: Trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, cắt giảm đầu tư công, việc thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đóng vai trò hết sức quan trọng, bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Huyện Con Cuông xác định rõ chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách một cách chọn lọc, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, phù hợp với đô thị sinh thái, đóng góp cho huyện về thu ngân sách, giải quyết an sinh xã hội, có công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều giá trị gia tăng.

Vị trí của miền sinh thái và di sản Con Cuông. Ảnh Thành Cường
Vị trí của miền sinh thái và di sản Con Cuông. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Huyện Con Cuông có khá nhiều lợi thế để phát triển, bao gồm: Vị trí của huyện là điểm giữa của Quốc lộ 7A, là cửa ngõ quan trọng của vùng Tây Nam Nghệ An và được xác định cực tăng trưởng kinh tế của vùng, thuận lợi để mở rộng quan hệ kinh tế, giao thương hàng hóa. Huyện có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ.

Là huyện giáp biên giới, Con Cuông có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Huyện nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng, có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời... đây là điều kiện tốt để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Một góc Vườn quốc gia Pù Mát
Một góc Vườn quốc gia Pù Mát. Ảnh tư liệu: Cảnh Hùng

Tài nguyên thiên nhiên rừng là tiềm năng, thế mạnh của huyện Con Cuông. Diện tích đất có rừng lớn (159.755 ha), thuận lợi trong việc phát triển kinh tế rừng, thu hút các dự án đầu tư vào lâm nghiệp, trồng rừng nguyên liệu và các cây dược liệu, chăn nuôi. Ngoài ra, huyện Con Cuông còn sở hữu nguồn tài nguyên đất đai khá phong phú, phù hợp với nhiều loại cây trồng, thuận lợi cho đa dạng hóa nông nghiệp, có thể trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cũng như nhiều loại cây nguyên liệu. Đây chính là lợi thế để ngành công nghiệp chế biến phát triển ở huyện Con Cuông.

Bên cạnh lợi thế thì huyện Con Cuông cũng có những hạn chế như khoảng cách vận chuyển hàng hóa, thiếu diện tích mặt bằng lớn và đang tạm thiếu nhân lực có tay nghề cao. Để khắc phục hạn chế, huyện đang cố gắng đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông; thực hiện phân luồng giáo dục sớm; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động; xây dựng yếu tố con người văn minh, hiện đại; phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo tốt an ninh, trật tự; cải cách thủ tục hành chính.

P.V: Để phát huy tốt lợi thế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và địa phương cùng phát triển, huyện Con Cuông xác định đâu là lĩnh vực ưu tiên tập trung thu hút đầu tư?

Ông Lô Văn Thao: Trên cơ sở nhận thức rõ về ưu thế, hạn chế cũng như chủ trương phát triển, huyện Con Cuông đã lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để kêu gọi đầu tư.

Non nước Trà Lân. Ảnh Thành Cường (1)
Một góc của thị trấn Trà Lân mới. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Thứ nhất, ưu tiên phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch sinh thái. Cụ thể, tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế như thương mại, du lịch, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế, văn hóa, đào tạo nghề và các hình thức dịch vụ công cộng khác.

Trong du lịch, huyện tập trung kêu gọi các nhà đầu tư vào du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Trọng tâm là khai thác du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống; xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Phà Lài, bản Cò Phạt (xã Môn Sơn), thành Trà Lân (xã Bồng Khê), bia Ma Nhai (xã Chi Khê), thác Khe Kèm (xã Lục Dạ), hang Nàng Màn và suối nước Mọc (xã Yên Khê).

Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng được xếp hạng theo tiêu chí “sao”, các trung tâm vui chơi, giải trí; xây dựng các cơ sở dịch vụ theo tuyến Phà Lài - Khe Khặng và theo tuyến thác Khe Kèm; nâng cấp bảo tàng gen động, thực vật tại Trung tâm Vườn Quốc gia Pù Mát; xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch trọng tâm trên địa bàn gắn kết với các tuyến du lịch của tỉnh và Lào, Thái Lan.

 1 góc cánh đồng Môn Sơn và thắng cảnh Đập Phà Lài. Ảnh Thành Chường
Một góc cánh đồng Môn Sơn và thắng cảnh Đập Phà Lài. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; xây dựng bản làng du lịch cộng đồng gắn du lịch canh nông trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng; phát triển ngành nghề truyền thống tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn để phục vụ khách du lịch.

Thứ hai, về lĩnh vực nông nghiệp, huyện Con Cuông tập trung thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp thực hiện ứng dụng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng. Trong đó, tập trung vào xây dựng các mô hình trồng và chế biến dược liệu; phát triển mô hình kinh tế theo hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 Thành Cường (6)
Một trong những địa điểm được bố trí để xây dựng cụm công nghiệp. Ảnh: Thành Cường

Thứ ba, về lĩnh vực công nghiệp, huyện tập trung thu hút các nhà đầu tư về phát triển xây dựng các cụm công nghiệp nhỏ trên địa bàn huyện, đó là: Cụm công nghiệp Bồng Khê bố trí tại khu vực phía Tây Quốc lộ 7A đi Khe Kèm, với diện tích được quy hoạch là 23 ha; Cụm công nghiệp tập trung Yên Khê được bố trí tại khu vực phía Nam đồi núi đá vôi xã Yên Khê trên trục đường nối giữa đường đi Khe Kèm và đường từ Quốc lộ 7 đi xã Lục Dạ, xã Môn Sơn, với diện tích quy hoạch là 115,10 ha.

P.V: Thời gian qua, huyện Con Cuông đã thực hiện những giải pháp nào để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhà đầu tư vào địa phương? Trong số đó, giải pháp nào là trọng tâm?

Ông Lô Văn Thao: Huyện Con Cuông đã và đang tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung hoàn thành lập quy hoạch huyện thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp vào quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai lập quy hoạch chung thị trấn Trà Lân, quy hoạch vùng huyện đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch xây dựng khác.

bna _ Thác khe Kèm . Ảnh Thành Cường
Thắng cảnh Thác Khe Kèm ở xã Lục Dạ. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Huyện tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, trước mắt sớm hoàn thành một số công trình trọng điểm như: cầu Thành Nam qua sông Lam; Đường giao thông Quốc lộ 7A đi thác Khe Kèm; Đường giao thông Bồng Khê đi Môn Sơn… Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp nhỏ để thu hút các nhà đầu tư.

Huyện Con Cuông cũng đang thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ cùng những điều kiện hỗ trợ tốt nhất của tỉnh; phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu áp dụng các chính sách đặc thù đối với những dự án có quy mô lớn; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

Ảnh tư liệu Huyện Con Cuông (1)
Ra mắt Hội đồng hương huyện Con Cuông tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ảnh: Huyện Con Cuông cung cấp

Đồng thời, huyện không ngừng nâng cao tính năng động, tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong hỗ trợ, đồng hành cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất, kinh doanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tốt an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển. Đây chính là giải pháp trọng tâm, cốt lõi để huyện Con Cuông có thể thu hút được nhà đầu tư.

P.V: Được biết, mới đây, huyện Con Cuông vừa thu hút được 1 dự án công ty may về với địa phương. Ông có thể cho biết rõ hơn về tín hiệu vui này?

Ông Lô Văn Thao: Với sự vào cuộc quyết liệt, huyện Con Cuông bước đầu có được những tín hiệu vui. Vừa qua, Công ty May Minh Anh có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy, các ban, ngành liên quan và đã đi đến thống nhất đầu tư nhà máy may với công suất sử dụng 3.000 lao động. Hai bên đã ký thỏa thuận phối hợp triển khai các bước để xây dựng nhà máy. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với mong muốn đưa nhà máy vào hoạt động từ tháng 8/2025. Để nhà máy sớm đi vào hoạt động, bước đầu, công ty đã tổ chức tuyển lao động, đào tạo nghề và vận hành nhà máy tạo việc làm cho 838 người lao động trên địa bàn.

Ảnh Thành Cường (3)
Công ty May Minh Anh tổ chức tuyển lao động, đào tạo nghề và vận hành nhà máy, tạo việc làm cho 838 lao động huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Cường

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án đầu tư vào huyện Con Cuông. Đó là: Dự án Khu chế biến lâm sản tại cụm công nghiệp xã Bồng Khê do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phương Đông làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư là 73,99 tỷ đồng; Dự án Khu chế biến vật liệu xây dựng tại Cụm công nghiệp xã Bồng Khê do Công ty cổ phần Thương mại và Chế biến vật liệu xây dựng Tân Thành 6 Nghệ An làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư là 77,36 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn A&B đang khảo sát và mong muốn đầu tư khu du lịch 5 sao tại thác Khe Kèm, thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây là doanh nghiệp du lịch đã khẳng định tên tuổi trong, ngoài nước với chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng. Tập đoàn Dược liệu Đông Á đã và đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư vào huyện Con Cuông với mong muốn xây dựng nhà máy và trồng dược liệu dưới tán rừng để phát triển sản phẩm dược liệu.

P.V: Thời gian tới, huyện Con Cuông sẽ thực hiện giải pháp nào để đẩy mạnh thu hút đầu tư? Huyện có đề xuất, kiến nghị gì để đạt kết quả cao hơn?

Ông Lô Văn Thao: Thực hiện Chương trình hành động số 68 CTr/TU của Tỉnh ủy Nghệ An và Nghị quyết số 137 của Quốc hội, huyện Con Cuông sẽ tập trung xây dựng và phát triển huyện trở thành đô thị loại 4 theo hướng sinh thái, du lịch. Để làm được điều này, công tác thu hút đầu tư đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhằm tăng sức cạnh tranh thu hút đầu tư, huyện tập trung cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm: Huy động nội, ngoại lực để xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển; quyết liệt thực hiện chuyển đổi số; thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; nâng cao năng lực cải cách hành chính công, đặc biệt là ý thức, thái độ, tính năng động, hướng vào phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức chuyên tâm, chuyên nghiệp.

Ảnh tư liệu Huyện Con Cuông (2)
Lãnh đạo huyện Con Cuông gặp gỡ, trao đổi, mời các doanh nghiệp về đầu tư ở địa phương. Ảnh: Huyện Con Cuông cung cấp

Để có điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, huyện Con Cuông mong muốn Trung ương sớm xây dựng và ban hành các tiêu chí và chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng đô thị sinh thái cụ thể. HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội theo hướng liên kết vùng, liên kết địa phương; tạo hành lang pháp lý và động lực để địa phương liên kết, hỗ trợ, phát triển kinh tế vùng hiệu quả, đặc biệt, tận dụng tối đa lợi thế rừng và kinh tế rừng; tiếp tục quan tâm xem xét, phân bổ, hỗ trợ nguồn lực giúp địa phương đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng; quan tâm tổ chức các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư để địa phương có điều kiện được tiếp xúc, trao đổi, giới thiệu và thu hút các nhà đầu tư về nghiên cứu, khảo sát đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn... Các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ, đồng hành cùng huyện trong công tác xúc tiến kêu gọi và thu hút đầu tư.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Để Con Cuông trở thành trung tâm khu vực miền Tây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO