'Đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu'

Theo Ngọc Thành - Thanh Hà - Thu Trang (vov.vn)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
“Làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp”.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Cơ quan thẩm tra đồng tình với đánh giá, bất chấp nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022.

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội. Điều này phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020 - 2021, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo.

Đặc biệt, ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất, tỷ giá được điều hành linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát, hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.

'Đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu' ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội sáng 20/10.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhận xét, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình phục hồi kinh tế còn thấp khi cuối tháng 9 mới đạt hơn 20% tổng số vốn chương trình.

“Bối cảnh hiện nay đã có nhiều điểm khác so với thời điểm xây dựng và ban hành Nghị quyết số 43. Điều này cho thấy Chính phủ cần xem xét điều chỉnh, hoàn thiện một số chính sách trong quá trình thực thi, bảo đảm tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn”, Uỷ ban Kinh tế nêu quan điểm.

Trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội giao, duy nhất chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội không đạt, ước tăng 4,7 - 5,2%, thấp hơn mục tiêu đưa ra 0,3-0,5%. Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên nhân không đạt chỉ tiêu này bởi đây là chỉ tiêu quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh nền kinh tế trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2% so với kế hoạch và GDP bình quân đầu người cũng dự kiến vượt kế hoạch.

Đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu

Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, lạm phát được kiểm soát, song giá xăng dầu trong nước tăng ở mức kỷ lục trong nửa đầu năm, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng.

“Đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu quan điểm.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ các tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh và chia sẻ vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế với thị trường tiền tệ song nhiều biến động, nhiều phiên giảm điểm sâu.

'Đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu' ảnh 2

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến tiến hành trong 21 ngày. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhắc tới một số vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

“Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, và đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng.

Về chính sách tài khoá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận xét, dự toán thu ngân sách không sát thực tế, quá thận trọng đã giảm không gian của chính sách và “có thể khiến Việt Nam tự thu hẹp không gian tài khoá”.

Về chi NSNN, giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết. Có tới 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao.

Về kế hoạch năm 2023, cơ quan thẩm tra thống nhất các định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu báo cáo Chính phủ nêu. Theo đó, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để bị động, bất ngờ.

“Chính phủ cần bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, không để lỡ nhịp hồi phục sau dịch bệnh, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trên thế giới. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh./.

Tin mới

Tản văn hay: Quê hương không đi xa cũng nhớ

Tản văn hay: Quê hương không đi xa cũng nhớ

(Baonghean.vn) - Ngô Văn Cư đã giãi bày tình cảm với quê hương của ông, nhưng khác với nhiều tác giả khác, ông không viết trong nỗi nhớ của một người tha hương. Ngay từ nhan đề tác phẩm, ông khẳng định rằng quê hương không đi xa cũng vẫn nhớ. 
Dân số

Nghệ An: Linh hoạt trong triển khai chiến dịch truyền thông dân số

(Baonghean.vn) - Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/Kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ quan trọng hàng năm của ngành dân số. Năm 2023, vượt lên những khó khăn, chiến dịch đang được triển khai rầm rộ tại nhiều địa phương.
Nghệ An có 403 sản phẩm đạt sao OCOP, đứng thứ 2 cả nước

Nghệ An có 403 sản phẩm đạt sao OCOP, đứng thứ 2 cả nước

(Baonghean.vn) - Sáng 29/3, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025. Dự họp có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành cùng đại diện các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng (Ảnh: Reuters)

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 29/3: Tiếp tục tăng

Giá xăng dầu hôm nay (29/3) trên thị trường thế giới tiếp tục tăng do sự gia tăng nhu cầu tại Trung Quốc và cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng tạm lắng sau nhiều tuần căng thẳng. Giá dầu Brent vượt 78 USD/thùng còn giá dầu WTI lên mức 73 USD/thùng.
Gần 1 năm truy quét những kẻ ‘khủng bố’ đòi nợ

Gần 1 năm truy quét những kẻ ‘khủng bố’ đòi nợ

(Baonghean.vn) - Gần 1 năm qua, Bộ Công an và công an các tỉnh thành liên tục triệt phá các đường dây thu hồi nợ kiểu xã hội đen, núp bóng các công ty luật, công ty tài chính. Bước đầu, nhà chức trách cho rằng có hàng trăm nghìn người đã bị các băng nhóm vu khống, khủng bố, đe dọa buộc trả tiền.