Đề phòng rắn độc xuất hiện vào mùa hè

Đặng Nguyễn 16/07/2021 17:44

(Baonghean.vn) - Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều gia đình ở Nghệ An hoảng sợ khi liên tục phát hiện rắn độc bò vào nhà. Đáng nói, phần lớn là loài rắn cạp nia, loài rắn đã cắn một cô gái ở huyện Nghĩa Đàn tử vong.

Liên tiếp phát hiện rắn bò vào nhà

Vụ việc đầu tiên liên quan đến rắn cạp nia khiến nhiều người hoảng sợ mỗi khi nhắc đến, đó là sự việc rắn bò vào nhà cắn tử vong cô gái ở huyện Nghĩa Đàn. Cụ thể, vào khoảng 2h sáng 3/7, chị N.T.L (SN 2000, trú ở làng Yên Phú, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn) đang ngủ tại phòng trên tầng 2 nhà mình. Khi thấy lạnh chị kéo chăn lên đắp thì bị rắn cạp nia ở trong chăn cắn 3 nhát vào cổ.

Mặc dù gia đình đã nhanh chóng đưa chị đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Tuy nhiên, sau 5 ngày nhập viện, đến ngày 8/7, chị L. đã tử vong.

May mắn hơn trường hợp nói trên, tối 8/7, cháu N.T.Q (SN 2016, trú xã Hưng Đông, TP Vinh) đi ra vườn nhà thì không may bị rắn cạp nia cắn vào bàn chân. Phát hiện sự việc, người thân đã nhanh chóng garo chân phải và đưa cháu bé đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu. Rất may, cháu bé được chữa trị kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

Bna. 1
Cháu Q. thời điểm nằm điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và con rắn tấn công cháu Q. Ảnh: CSCC

Liên tiếp những ngày sau đó, người dân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh liên tục phát hiện rắn cạp nia bò vào nhà. Vào đêm 10/7, một người dân ở phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa, phát hiện 1 con rắn cạp nia dài khoảng 1m nằm trong nhà vệ sinh. Biết rắn độc nên người này lập tức gọi người thân trong gia đình đến vây bắt và đập chết con rắn này. Theo nhận định, con rắn có thể chui vào nhà vệ sinh qua đường ống nước của gia đình.

Tiếp đó, tối 11/7, tại nhà chị Vi Cáng (trú bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) cũng xuất hiện 1 con rắn dài khoảng 1m bò qua cửa sổ bếp vào nhà. May mắn chị Cáng và chồng phát hiện kịp thời.

Tại huyện Diễn Châu, một người dân cũng chia sẻ đoạn video từ camera an ninh ghi lại cảnh 1 con rắn cạp nia bò vào phòng khách của gia đình. Thời điểm này, 2 người phụ nữ và 1 trẻ nhỏ đang ngồi chơi ở phòng khách thì con rắn độc bò vào nhà. Một lúc sau, cháu bé báo với mẹ có rắn nên lập tức 2 người phụ nữ đã bế đứa trẻ rời đi và cầm gậy để đập chết con rắn độc.

Video ghi lại cảnh 1 con rắn cạp nia bò vào phòng khách của gia đình ở Diễn Châu được chia sẻ trên mạng thu hút sự quan tâm của người dân.

Ngày 13/7, gia đình chị Thái Thị Hiền (trú tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương) hốt hoảng khi phát hiện 1 con rắn cạp nia nằm ngay ở tấm giẻ chùi chân trước cửa ra, vào nhà tắm. May mắn do phát hiện kịp thời nên không người nào bị rắn cắn. Theo chị Hiền, trước đó 2 vợ chồng và con trai út đã đi vào nhà tắm để vệ sinh cá nhân trước lúc đi ngủ nhưng may không dẫm vào giẻ trên nền nhà tắm. Đến lượt con trai lớn đi vào thì phát hiện nửa sau con rắn đang nằm trong giẻ.

Ngày 14/7, một con chó nặng 57 kg của một gia đình ở xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc (TP. Vinh) cũng bị rắn hổ mang bò vào nhà cắn chết. Theo chủ nhân cho biết, khoảng 21 giờ 1 con rắn hổ mang bò vào nhà anh. Con chó nhìn thấy nên chạy lại tấn công, rượt đuổi con rắn. Ngay sau đó, con chó bị rắn tấn công lại. Khoảng 10 phút sau, con chó bị chết. Phát hiện sự việc, anh không kịp can thiệp và sau đó dùng xẻng đập chết con rắn.

Cần rửa vết thương, sơ cứu kịp thời

Giải thích về tình trạng liên tục xuất hiện rắn bò vào nhà, vào vườn trong thời gian qua, những người có kinh nghiệm cho rằng, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, bởi đang mùa Hè, rắn cần nước nên bò vào tìm nguồn nước. Các khu vực ẩm ướt, có nước chảy như chỗ rửa, bếp, nhà tắm thì phải cẩn thận, đặc biệt là chỗ nước thải…

Rắn cạp nia dài khoảng 1m bò vào nhà dân ở huyện Diễn Châu. Ảnh: CSCC

Theo thống kê, tại Nghệ An thường xuất hiện 4 loại rắn độc:

Thứ nhất là rắn cạp nong, cạp nia (còn gọi là rắn đen vàng, đen trắng), khi bị rắn cắn thì gây liệt cơ toàn thân, cơ hô hấp, mất nước và rối loạn natri trong máu. Tại chỗ vết cắn không bị sưng nề, chỉ để lại 2 dấu răng, không sưng, không đau. Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp và tử vong.

Thứ hai là rắn hổ mang (hay gọi là hổ phì), tại vết cắn gây sưng nề và hoại tử. Bệnh nhân tử vong do các độc tố gây hoại tử và biến chứng do hoại tử gây ra.

Thứ ba là rắn hổ chúa, tại vết cắn gây sưng nề rất nhiều nhưng không gây hoại tử. Bệnh nhân tử vong do bị liệt hô hấp, liệt cơ toàn thân.

Thứ tư là rắn lục (đầu vồ, đuôi đỏ), vết cắn gây sưng nề và rối loạn đông máu. Bệnh nhân tử vong do rối loạn đông máu.

Khi bị rắn độc cắn, nạn nhân cần được rửa vết thương, sơ cứu kịp thời, garo nhẹ nếu bị cắn ở chân, tay và chuyển ngay đến cơ sở y tế. Đặc biệt, không chủ quan để bệnh nhân ở nhà chữa bằng các loại thuốc Nam. Theo đó, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng phụ thuộc vào trọng lượng rắn lớn hay bé, vị trí cắn gần với tim, não thì sẽ nguy hiểm hơn.

Bác sỹ Nguyễn Văn Thủy - Trưởng Khoa Chống độc, Bệnh viện HNĐK Nghệ An

Theo kinh nghiệm dân gian, để xua đuổi rắn không vào nhà, vào vườn, mọi người có thể trồng một vài loại cây như cây nén, cây sả, hoa lan tỏi quanh nhà. Đặc biệt, rắn lục đuôi đỏ cực nhạy cảm với mùi nên tác dụng của việc trồng các loại cây này sẽ càng hiệu quả hơn. Ngoài ra, có thể trộn muối hạt cùng với tỏi nghiền với tỷ lệ 1:1 rồi rắc xung quanh lối vào nhà, sân vườn...

Cùng với đó, đề phòng bị rắn cắn, cần đề phòng kiểm tra các nơi có nguồn nước như chỗ rửa, bếp, nhà tắm, chỗ nước thải… Khi ra làm vườn, nhất là những vị trí ẩm ướt cần quan sát kỹ, nhằm phát hiện kịp thời trong trường hợp có rắn ẩn nấp.

Mới nhất

x
Đề phòng rắn độc xuất hiện vào mùa hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO