Để trường tiên tiến thực sự...tiên tiến
(Baonghean.vn) - Nghệ An đang bước vào năm thứ 2 thực hiện thí điểm mô hình trường tiên tiến ở các nhà trường, trong đó có nhiều trường công lập. Trong những năm đầu triển khai, không tránh khỏi những băn khoăn.
Học phí tăng vì nhiều môn học tăng cường
Năm học này Trường mầm non Hưng Dũng 2 là trường đầu tiên được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh lựa chọn thí điểm xây dựng trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. Trong năm đầu triển khai, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 3 lớp tiên tiến với 75 học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Nga – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi mới triển khai, chúng tôi cũng băn khoăn và lo ngại phụ huynh không đăng ký. Tuy nhiên, thực tế, việc tuyển sinh khá dễ dàng. Hiện nay, qua so sánh giữa lớp dành cho học sinh đại trà và học sinh tiên tiến số tiền nạp thêm không chênh lệch nhiều. Theo đó, mỗi phụ huynh ngoài đóng thêm các khoản thu theo quy định, chỉ còn đóng thêm các môn học tăng cường nhằm tăng chất lượng giáo dục. Cụ thể, như ở trường chúng tôi mỗi trẻ học theo chương trình tiên tiến chỉ nạp thêm 540.000 tháng để học các môn tăng cường như Tiếng Anh, Steam và aerobics.
Thành phố Vinh là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh triển khai thí điểm mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. Do đặc thù của thành phố Vinh, các trường tiên tiến đang được thí điểm đều được triển khai tại các trường công lập và đang thực hiện theo từng bước. Vì vậy, gọi là trường tiên tiến nhưng hiện nay chỉ triển khai được ở một số khối lớp đầu cấp. Trong đó, Trường Tiểu học Lê Mao triển khai với lớp 1 và 2, mầm non Hưng Dũng 2 triển khai với lớp 2 tuổi, THCS Đặng Thai Mai triển khai với lớp 6,7 và THCS Trường Thi triển khai với lớp 6.
So với các lớp đại trà, học sinh ở các lớp tiên tiến có những đặc thù riêng, nhất là ở với bậc THCS. Theo đó, thay vì học 1 buổi, học sinh ở các lớp tiên tiến sẽ học cả ngày tại trường. Ngoài học các môn văn hóa, học sinh được học thêm nhiều môn học tăng cường như Tiếng Anh, Tin học, Steam, kỹ năng sống và các môn nghệ thuật như bóng rổ, âm nhạc, mỹ thuật. Các trường tiên tiến đều tổ chức cho học sinh bán trú ở trường và phụ huynh học sinh có thể đăng ký theo nhu cầu.
Một điểm khác biệt ở các lớp tiên tiến và các lớp đại trà, đó là học phí cao hơn. Qua tổng hợp từ các trường đang triển khai, mức học phí này, ngoài tiền bán trú thì còn lại chủ yếu để phục vụ chi trả học phí cho các môn tăng cường.
Cụ thể, như tại Trường THCS Đặng Thai Mai, mức học phí cho chương trình tiên tiến (ngoài tiền bán trú và các khoản thu theo quy định) thì học sinh sẽ phải đóng thêm từ 1.356.000 đồng – 1.608.000 đồng (tùy theo chương trình). Số tiền này sẽ được dùng để chi trả cho các môn như Tiếng Anh tăng cường, Tin học IC3, phát triển năng lực năng khiếu (Toán, Ngữ văn,Tiếng Anh...), giáo dục kỹ năng mềm, phát triển năng khiếu thể thao hoặc Âm nhạc. Mức học phí cũng tương đương với Trường THCS Trường Thi.
Ở Trường Tiểu học Lê Mao, dự kiến học phí thu cho chương trình tăng cường không quá 1.700.000 đồng/tháng.
Lãnh đạo các nhà trường cũng cho biết: Ngoài các khoản thu cho chương trình tăng cường, các khoản thu khác, nhà trường thu theo quy định và tương đương với học sinh theo chương trình đại trà. Tuy nhiên, học sinh học ở các lớp tiên tiến có những lợi thế như sĩ số lớp chỉ từ 30 – 35 học sinh/lớp, được ưu tiên các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cam kết đầu ra...
Bất cập hiện nay, đó là do chương trình tăng cường khá nhiều, việc dạy học còn chưa có sự lựa chọn, bố trí phù hợp nên lịch học ở các lớp tiên tiến khá căng, học sinh phải học cả ngày. Trong khi đó, với học sinh thành phố, ngoài học ở trường, các em đa phần đều phải đi học thêm ở ngoài. Vì thế, hầu hết học sinh đều rơi vào tình trạng quá tải.
Khó khăn trong việc thực hiện phổ cập
Trước đó, việc triển khai mô hình nhằm thực hiện Quyết định 147/QĐ - UBND tỉnh phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2030, tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đây là mô hình mới nhằm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của xã hội; giúp trẻ, học sinh được tiếp cận với giáo dục ở các nước trong khu vực và quốc tế, đồng thời đảm bảo bản sắc dân tộc.
Hiện, ngoài các trường trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh, chương trình trường tiên tiến được triển khai tại Trường Mầm non Hoa Sen, Trường Thực hành Sư phạm - Trường Đại học Vinh, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Trường THPT Hà Huy Tập, và Trường THPT Lê Viết Thuật.
Bất cập hiện nay trong quá trình thực hiện đó là các mô hình trường tiên tiến ở Vinh (trong đó chủ yếu là các trường công lập thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh) thực chất là các trường công lập. Vì vậy, việc vừa triển khai mô hình trường tiên tiến, vừa phải đảm bảo công tác phổ cập cho học sinh trên địa bàn là điều khó khăn. Thực tế tại các phường có mô hình trường tiên tiến như phường Lê Mao, phường Hưng Phúc và phường Trường Thi...trước khi mô hình triển khai, đã nhận không ít ý kiến trái chiều từ phụ huynh.
Trao đổi về điều này, bà Lê Thị Bích Thảo - Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Phúc cho biết: Năm nay trên địa bàn chúng tôi có hơn 220 học sinh lớp 6 thuộc diện phổ cập. Tuy nhiên, số học sinh thi đậu và trúng tuyển vào Trường THCS Đặng Thai Mai rất ít. Năm ngoái con số này cũng chỉ chiếm hơn một nửa. Tâm lý chung của người dân là vẫn muốn con em được học trên địa bàn vì thuận tiện đi lại, đưa đón. Nhưng một phần vì học phí cao, một phần đầu vào khó khăn, năng lực hạn chế nên phụ huynh buộc phải chuyển sang trường khác. Về phía chính quyền địa phương, trước chủ trương này cũng phải tổ chức họp dân, họp phụ huynh ở nhà trường, tăng cường công tác tuyên truyền vận động.
Tại Trường Tiểu học Lê Mao, trong năm thứ 2 triển khai mô hình trường tiên tiến, cô giáo Nguyễn Trường Giang – Hiệu trưởng nhà trường cho rằng đã thuận lợi hơn vì người dân đã biết về mô hình và thành phố cũng đã tạo điều kiện để con em trong phường có thể đến bất cứ trường nào trên địa bàn. Tuy vậy, trong năm nay, địa phương vẫn nhận được ý kiến của nhân dân khối Tân Thành 2 –khu dân cư sát với bờ rào nhà trường với mong muốn nên tổ chức song song 2 mô hình đại trà và tiên tiến…
Thực tế cũng cho thấy, do mô hình trường tiên tiến có sự khác biệt về chi phí học tập nên dù có những lợi thế nhưng số lượng học sinh trên địa bàn có trường đóng chân, học tập tại trường không nhiều và chỉ chiếm khoảng 50%.
Chị Lê Quỳnh có con ở phường Trường Thi chia sẻ: Gia đình tôi đông con nên thêm một khoản cho chương trình tiên tiến sẽ rất khó khăn. Vì vậy, sau khi cân nhắc, gia đình vẫn quyết định cho con học tại trường để đỡ phần đưa đón. Nhưng, chúng tôi sẽ cho cháu đi về, không ở bán trú để đỡ một phần kinh phí.
Chưa đáp ứng được nguyện vọng
Với mức học phí khá cao so với mặt bằng chung, nhiều phụ huynh quyết định cho con theo học mô hình trường tiên tiến cũng kỳ vọng sẽ được học trong môi trường giáo dục thực sự tiên tiến với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.
Đây cũng là mục tiêu mà các trường học đang hướng tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, điều này không dễ dàng. Trường THCS Đặng Thai Mai vừa là trường trọng điểm chất lượng cao, vừa là trường tiên tiến nhưng trong năm đầu tiên triển khai, nhiều phụ huynh có con học tại trường đã không khỏi băn khoăn khi cơ sở vật chất của các phòng học không khác các trường bình thường. Trong đó, phụ huynh vẫn phải đóng kinh phí để mua sắm các trang thiết bị để phục vụ việc học tập cho các con như điều hòa, ti vi, bình lọc nước...
Trường tiên tiến nhưng các con chưa có chỗ ngủ tử tế, đang phải ngủ trưa trên bàn học ở trong lớp học, cơm là do một đơn vị cung ứng ở ngoài chuyển vào. Do thiếu phòng học, nên năm học trước một số lớp triển khai chương trình môn Tiếng Anh tăng cường không thể tách lớp nên chất lượng chưa cao.
Trước khi bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh lớp 6 ở Trường THCS Trường Thi cũng không thực sự hài lòng khi phòng học còn quá đơn sơ, bàn ghế cũ và để tươm tất cần nhiều hạng mục phải bổ sung.
Hiệu trưởng của các trường này cũng thừa nhận, nếu so với mô hình trường tiên tiến thì điều kiện vật chất chưa đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh. Trong khi đó, tiềm lực của nhà trường không đủ để đầu tư về trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất trường lớp.
Chia sẻ điều này, cô giáo Tăng Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thi cho biết: Năm nay chúng tôi có 6 lớp 6 triển khai theo mô hình tiên tiến với 195 học sinh. Dù điều kiện còn khó khăn nhưng trước khi triển khai chúng tôi đã ưu tiên khá nhiều cho khối lớp này như sơn sửa toàn bộ lại các phòng học, lắp đặt ti vi và mua lại bàn ghế mới cho 2/6 lớp và đang chuẩn bị lắp đặt lại toàn bộ cửa kính. Qua vận động xã hội hóa, nhà trường cũng đã đầu tư được 4 phòng học Tiếng Anh, Tin học, Steam, phòng thư viện với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng để phục vụ cho các tiết học tăng cường. Tuy vậy, để có đủ máy điều hòa cho học sinh như nguyện vọng của phụ huynh thì vượt quá năng lực của nhà trường.
Trước đó, trước khi thành phố triển khai kế hoạch xây dựng trường tiên tiến, các trường thực hiện thí điểm cũng đã đề đạt nhiều nguyện vọng với UBND thành phố, trong đó có việc bổ sung mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng nhà bán trú cho học sinh. Mặc dù vậy, các đề đạt này đến nay hầu hết đều chưa được thực hiện nên không tránh khỏi những lúng túng, bị động cho các nhà trường trong quá trình thực hiện.
Cần chính sách đặc thù
Ngoài những khó khăn chung, các trường thực hiện theo mô hình tiên tiến hiện nay đang có những lúng túng trong việc thực hiện thu – chi và triển khai các hoạt động. Bên cạnh đó, dù là trường tiên tiến nhưng việc thực hiện chính sách cho các giáo viên vẫn giống như các trường đại trà, trong khi nhiệm vụ và áp lực tăng lên. Nhiều nhà trường mong muốn, tỉnh sớm có các hướng dẫn về thu chi tài chính để các trường thực hiện mô hình tiên tiến thuận lợi trong hoạt động, đảm bảo thu đúng, chi đúng theo các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, cần có những ưu tiên riêng cho trường đặc thù, nhất là trong bố trí giáo viên và cơ sở vật chất.
Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cũng cho biết: Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo các trường thực hiện thu chi theo một cơ chế chung của Nghị quyết số 31/2020/NQ- HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Nhưng vì nhiệm vụ của các trường nặng hơn, triển khai nhiều hoạt động tăng cường nên việc thu chi cũng sẽ nhiều hơn nên dẫn đến những bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Các nhà trường cũng đang gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên, số giáo viên hiện có chưa đủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu được tạo điều kiện để đảm bảo 1,9 giáo viên/lớp như quy định thì các hoạt động của trường sẽ hiệu quả hơn. Với Trường THCS Đặng Thai Mai, để đáp ứng cơ sở vật chất, chúng tôi đang tham mưu thành phố chọn địa điểm mới để có sự đầu tư đồng bộ, đúng nghĩa với trường tiên tiến. Các trường còn lại cũng cần được ưu tiên để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động./.