Để 'xã hội hoá' giáo dục mãi là chủ trương nhân văn

Huệ Anh 05/03/2023 12:23

(Baonghean.vn) - Xã hội hóa giáo dục được xem là một trong những biện pháp hỗ trợ nhằm huy động nguồn lực góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Vấn đề là cách triển khai như thế nào để không sa vào tình trạng lạm thu.

Đồng thời, cần phải minh bạch trong việc sử dụng nguồn hỗ trợ từ hoạt động xã hội hóa để vừa tạo được sự đồng thuận trong xã hội, vừa giúp huy động được nguồn lực phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Những sân bóng nhân tạo là ước mơ của những học sinh nghèo vùng nông thôn và nay đã thành hiện thực ở huyện Nam Đàn. Ảnh: tư liệu do CSCC

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương mang tính nhân văn, nhằm huy động các lực lượng xã hội cùng chung tay góp sức chăm lo phát triển giáo dục bằng hai nguồn lực: Nguồn lực vật chất (tài lực, vật lực, nhân lực, đất đai…) và nguồn lực phi vật chất (ủng hộ chủ trương giáo dục, tạo môi trường giáo dục thống nhất, các yếu tố tinh thần hỗ trợ giáo dục, tư vấn giáo dục, trao đổi thông tin và kinh nghiệm giáo dục…).

Ý nghĩa tích cực là vậy. Nhưng tiếc thay, trên thực tế, lãnh đạo nhiều trường học chưa chịu khó suy nghĩ, tìm cách khai thác các nguồn lực khác nhau mà chỉ tìm cách huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh bằng mọi cách, mọi giá, bất chấp đúng sai.

Vì các trường biết, hầu hết phụ huynh vì nhiều lý do, rất dễ đồng ý với các khoản tiền do trường đặt ra, mặc dù số tiền ấy là khá lớn so với thu nhập của họ. Lớn nhất là tiền đóng góp xây dựng trường. Ngoài ra còn nhiều khoản chi phí không thực sự cần thiết cho quá trình học tập của con, một số khoản khác không thuộc danh mục được Bộ, Sở cho phép thu nhưng phụ huynh vẫn phải buộc lòng mà “ tự nguyện”.

Cứ thế, tình trạng lạm thu trong trường học vẫn ngang nhiên tồn tại dưới danh nghĩa “thỏa thuận” và “tự nguyện”. Thậm chí có trường còn in sẵn “Đơn xin tự nguyện đóng góp” như một tấm lá chắn hữu hiệu nhất để đối phó với các quy định hiện nay.

Nhiều phụ huynh cho rằng: "Miễn học phí cho học sinh phổ thông ở các trường công lập chẳng có nghĩa gì, khi các khoản phụ thu còn cao hơn gấp nhiều lần. Nào là tiền hỗ trợ học tập, phí bảo vệ, phí giáo viên dạy thể dục, tiền học tiếng Anh, tiền dạy buổi thứ hai, quỹ vệ sinh, quỹ hoạt động thanh niên, quỹ chữ thập đỏ, quỹ hỗ trợ thư viện, quỹ hỗ trợ cơ sở vật chất và cả lương cho…giám thị, tiền tin học, tiền gửi xe, tiền nước uống, tiền lắp điều hòa nhiệt độ, tiền quản lý sổ liên lạc điện tử. Có trường còn vận động phụ huynh góp tiền xây sân bóng rổ, mua máy chiếu, nâng cấp hệ thống máy tính, trồng cây xanh… mà hầu hết được thu dưới nhiều hình thức "hỗ trợ", "vận động", "đóng góp".

Báo chí từng đăng câu nói chua xót của một phụ huynh ở Thừa Thiên Huế mấy năm trước rằng: “Trường thu thế nào thì chúng tôi cắn răng đóng thế ấy thôi. Con mình học trong đó, phụ thuộc vào các thầy cô. Lỡ thầy cô “giận”, e con mình bị ảnh hưởng”.

Chả thế mà đầu năm học này, khi một trường THCS tại Thủ Đức, TP.HCM thông báo không thu các loại quỹ, đặc biệt phụ huynh muốn tài trợ cho nhà trường phải có văn bản đồng ý của Phòng GD&ĐT đã gây xôn xao mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của dư luận. Một việc tưởng như bình thường lại trở thành bất bình thường. Nhất là khi việc xã hội hóa giáo dục đang biến tướng thành nạn lạm thu tràn lan trong trường học.

Bộ GD-ĐT từng có Thông tư số 16 quy định chi tiết việc xã hội hóa giáo dục phải có kế hoạch cụ thể, có tờ trình xin phép cơ quan chức năng (lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục sở tại) rồi mới triển khai thực hiện. Việc tài trợ cho giáo dục phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Tuy nhiên, trên thực tế thì ít khi hiệu trưởng làm việc này vì ngại phức tạp mà chưa chắc cấp trên có đồng ý hay không. Vì thế, họ thường “mượn tay” Ban đại diện cha mẹ học sinh gửi thư ngỏ vận động hoặc đứng ra kêu gọi.

Trong khi ngân sách nhà nước có hạn, xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội lo cho giáo dục là chuyện nên làm. Vấn đề là đừng lạm dụng chủ trương xã hội hóa, đừng vì chỉ tiêu, thi đua mà lại đếm đầu chia xôi, cào bằng mức đóng góp cho tất cả phụ huynh. Chuyện năm học 2019-2020, Trường THPT Quảng Xương I (Thanh Hóa) thu mỗi học sinh 90.000 đồng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19; rồi còn thu của mỗi học sinh 700.000 đồng tiền xã hội hóa, 300.000 đồng tiền quỹ Hội phụ huynh…rõ ràng là đã lạm thu; hay Trường THPT Lê Chân ở Hải Phòng năm 2022 đã thu đồng hạng 1 triệu đồng/ mỗi phụ huynh có con nộp hồ sơ vào lớp 10, để có 1 tỷ đồng “xây dựng trạm biến áp 250 KVA” cho trường.

Rồi mới đây, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh vận động tài trợ xã hội hóa giáo dục với số tiền dự kiến hơn 2 tỷ đồng để tu sửa dãy phòng học 4 tầng đã xuống cấp. Tuy nhiên những lùm xùm sau sự việc phụ huynh tố cáo cô giáo chủ nhiệm lớp 12 D1 xúc phạm, miệt thị học sinh liên quan đến việc thu khoản tiền xã hội hóa 1,2 triệu đồng/học sinh đã cho thấy, nhà trường đã không thực hiện đúng tinh thần Thông tư 16.

Nghệ An là một địa phương từng làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Những năm qua, đã có nhiều trường học thực hiện được nhiều công trình ý nghĩa từ nguồn xã hội hóa như mua sắm trang thiết bị cơ sở vật chất, trang bị tivi, bảng kéo, xây dựng bể bơi cho học sinh hoặc trao học bổng cho học sinh nghèo. Điều đáng nói là việc xã hội hóa này không phải vận động từ phụ huynh mà từ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, những người con xa quê quan tâm tới giáo dục. Ở Thanh Chương có Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, Trường THPT Thanh Chương 3; Huyện Nam Đàn nhờ kinh phí xã hội hóa 6 tỷ đồng mà đi đầu trong tỉnh về xây dựng sân bóng nhân tạo cho 23/23 trường Tiểu học trên toàn huyện… Trường THPT Nghi Lộc 2 xây dựng bể bơi rộng 800m2, hoàn toàn bằng hình thức xã hội hóa do cựu học sinh nhà trường tài trợ…

Ngoài giúp đỡ về cơ sở vật chất, các nhà trường còn kết nối với một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho học sinh nghèo được vay tiền học đại học; Công đoàn các trường tổ chức vận động các nhà hảo tâm và các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ hàng nghìn suất ăn miễn phí cho học sinh nghèo, giúp các em có cơ hội đến trường …

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng đắn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Tuy nhiên, để công tác này phát huy tác dụng, trọn vẹn ý nghĩa, rất cần sự chu đáo, minh bạch, sáng tạo và linh hoạt trong cách thực hiện của các trường học. Hãy để xã hội nhìn thấy cái tâm trong sáng, tinh thần tận tụy của các Thầy cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục để “xã hội hóa” thực sự là một cách làm nhân văn, là nơi thể hiện tinh thần tự nguyện của tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Mới nhất
x
Để 'xã hội hoá' giáo dục mãi là chủ trương nhân văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO