Đề xuất công khai thông tin nhà báo: Coi chừng bị lợi dụng và "làm hại"
Nhiều ý kiến của các luật sư phản đối đề xuất công khai thông tin về nhà báo trên web để ngăn chặn giả danh nhà báo. Nhiều luật sư còn đặt vấn đề có thể kẻ xấu lợi dụng thông tin này để hại nhà báo.
Tại Diễn đàn Nhà báo trẻ, nhà báo Mai Phan Lợi (Phó Tổng thư ký Báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh) đã dẫn lại ý kiến của một nhà báo trong hội thảo góp ý cho Luật Báo chí sửa đổi liên quan đến chống giả danh nhà báo.
Nhà báo này đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông công bố dữ liệu đã cấp thẻ cho những ai, ở báo nào là có thể ngăn chặn được giả danh nhà báo.
Thông tin in trên thẻ nhà báo mẫu mới |
Tuy nhiên, ý kiến này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Có nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có nhiều người phản đối. Trong giới luật sư, có nhiều người phản đối đề xuất này.
Xét về góc độ pháp luật, ranh giới giữa vi phạm với các điều luật về bảo vệ quyền nhân thân còn nhiều bàn cãi, nhưng xét về tác dụng chống giả danh nhà báo là rất khó.
Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TpHCM), cho rằng: “Việc giả danh nhà báo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đã có chế tài để điều chỉnh. Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi này sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành nghề báo chí là một hoạt động đặc thù, với phóng viên điều tra họ cần được bảo vệ về thông tin cá nhân, việc đưa hình ảnh, tên tuổi lên mạng công khai sẽ làm ảnh hưởng đến công việc của họ”.
Mặt khác, cũng theo luật sư Hưng, khi thông tin cá nhân nhà báo, phóng viên được công khai có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi khi sử dụng thông tin đó để gây áp lực, tạo lòng tin cho các đối tượng mà chúng nhắm đến. Việc công khai thông tin này tuy không vi phạm quyền nhân thân, nhưng ảnh hưởng đến hoạt động báo chí.
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Mai, Văn phòng luật sư Nguyễn Thị Ngọc Mai (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) phản đối đề xuất này. Luật sư Mai cho rằng, việc công bố danh sách không phát huy được tác dụng như mong muốn mà có khi lại tác dụng ngược. Bởi lẽ: Không phải ai cũng vào đó để kiểm tra danh sách để phát hiện người đang xưng danh Nhà báo không có tên trong danh sách. Tạo cơ hội cho việc giả danh tốt hơn, khi cứ xưng danh đúng tên của Nhà báo có trong danh sách đó. Đặc biệt, những vụ việc mà nhà báo cần xâm nhập thực tế thì sẽ dễ bị phát hiện không tác nghiệp được mà còn có thể gây nguy hiểm cho bản thân nhà báo đó.
Điều này dễ lý giải khi thông tin về các nhà báo của tòa soạn bị công khai, các đối tượng sẽ dễ dàng nắm thông tin này làm nền để tạo lòng tin cho người khác khi đối tượng lừa đảo nói chuyện với nạn nhân.
Cũng đồng tình với 2 luật sư trên, Luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật (Đoàn luật sư Tp HCM) thẳng thắn. “Tôi không đồng ý cách đưa tên các nhà báo lên mạng Internet, bởi lẽ điều đó ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người khác, ảnh hưởng đến tính mạng của người đi làm báo - một công việc chứa đụng nhiều hiểm nguy".
Theo luật sư Hoàng Cao Sang, việc phát hiện nhà báo giả dễ nhất là hỏi họ ở cơ quan nào, thẻ nhà báo, rồi liên lạc với cơ quan đó để xác minh. Điều quan trọng nhất, nếu chúng ta làm tất cả mọi việc đều quang minh chính đại, không khuất tất thì không sợ ai lừa, uy hiếp mình.
Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình 1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. 2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. (Trích điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015) Xem lại các tiết mục trong đêm chung kết Giọng hát Việt Nhí |
Theo Infonet
TIN LIÊN QUAN |
---|