Đền Khai Long - Nét xưa giữ lại
(Baonghean) - Tiết thanh minh ấm áp, chúng tôi du xuân vãn cảnh đền Khai Long ở xã Tân Sơn, Đô Lương. Từ cầu Khuôn (quốc lộ 7) rẽ vào khoảng hơn 2 km, du khách như được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bức tranh làng quê cổ điển nông thôn miền trung với ngôi đền nằm cạnh cánh đồng, làng mạc, xa xa là núi đồi trùng điệp.
Cụ Đào Công Thận - một "đại trưởng lão" của xã Tân Sơn, đang hồi tưởng về những hoạt động văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc của cư dân trong vùng gắn liền với địa chỉ đền Khai Long |
Dẫn chúng tôi đi vãn cảnh đền là cụ Đào Công Thận, đại tá quân đội về hưu, năm nay đã 90 tuổi nhưng cụ hãy còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Đền Khai Long hiện tọa lạc trên cánh đồng Bội.
Trước mặt là màu xanh biếc rờn của lúa xuân chạy tít đến núi Ông Voi. Sau lưng cũng là đồng lúa xanh, xa xa là rú Cấm Thượng. Bên cạnh đền là xóm làng với dân cư đông đúc, làng quê trù phú.
Theo lời cụ Thận thì đền Khai Long nằm bên con hói dẫn thủy từ đồng Văn Tràng chảy xuống nên được cư dân bản địa coi là nơi trấn giữ long mạch, góp phần đem lại sự yên bình của cả một vùng quê.
Ông Trần Như Ý - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn (thứ 3 từ trái sang) cho biết đền Khai Long được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ Ngô Xương Xí, là con của Ngô Xương Ngập và cháu nội của Ngô Quyền. |
Ông Trần Như Ý - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, theo sổ sách quản lý của xã Duy Tân cũ còn lưu lại, và theo lễ tế, văn tế, thì đền Khai Long được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ Ngô Xương Xí - cháu nội của Ngô Quyền, con của Thiên sách vương Ngô Xương Ngập.
Lúc bấy giờ Ngô Xương Xí trấn giữ vùng Bình Kiều nên còn được gọi là Sứ quân Bình Kiều. Sau thời biến loạn, Sứ quân Bình Kiều quy thuận Đinh Bộ Lĩnh, góp phần giúp Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) dẹp “loạn 12 sứ quân”, tiếp tục giữ vững nền độc lập.
Theo ông Đào Công Thận, khi ông lớn lên đền Khai Long diễn ra 5 dịp lễ chính trong năm: Lễ Nguyên Đán (mùng 1 Tết), Lễ Khai Hạ (mùng 7 Tháng Giêng), Lễ Thường Tân (ăn cơm mới, 20/5 âm lịch), Lễ Trạp Nghè (Hạ Nguyên, Rằm tháng Bảy), Lễ Thượng Niên. Đền là nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa cổ truyền như hát tuồng, hát ví của các đội tuồng, các phường vải trong vùng.
Người dân còn lưu truyền nhiều câu chuyện về sự linh ứng, về vai trò khuyến thiện trừ ác, nhằm giúp gìn giữ thuần phong mỹ tục của đền. Thời trước, người dân đi qua đền Khai Long đều cất mũ nón, quan lại đi qua đền phải xuống ngựa. Ngôi đền trong một thời gian dài là niềm tự hào gắn liền với dáng hình quê hương với kiến trúc cổ kính.
Trong thế kỷ 20, đền Khai Long từng bị "sơ tán". Từ năm 2014, đền được phục dựng từ nguồn xã hội hóa và trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh trong vùng, cùng với đó có nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền cũng được khôi phục. |
Ông Trần Như Ý - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, trải qua thăng trầm của lịch sử, trong thế kỷ trước đền Khai Long lâm cảnh phải “sơ tán”. Nhờ thành quả của công cuộc đổi mới, đời sống nhân dân trong vùng ngày càng trở nên khấm khá, xã Tân Sơn có bước phát triển toàn diện.
Năm 2000, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Sơn là 1 trong 3 xã đầu tiên của cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Lúc này, từ nguyện vọng chính đáng của các thế hệ con em Tân Sơn đang sinh sống khắp nơi, xuất phát từ tờ trình của chính quyền xã Tân Sơn và huyện Đô Lương, Sở VH-TT&DL có Văn bản số 1248 ngày 14/6/2010 đồng ý chủ trương phục hồi đền Khai Long.
Khi xã có chủ trương huy động xã hội hóa để phục dựng đền, một phong trào tự nguyện kêu gọi ủng hộ công đức xây dựng đền được lan tỏa rộng khắp. Có gia đình vận động con em công đức hàng trăm triệu đồng. Nhiều tổ thợ và người dân đóng góp hàng nghìn ngày công.
Các hộ dân nhượng lại vùng nền đất cũ của đền với diện tích gần 7.000m2. Chỉ trong vòng 14 tháng xây dựng, năm 2014 một công trình kiến trúc với 3 tòa thượng điện, trung điện, hạ điện, các trụ biểu... được khánh thành.
Từ đó, nhiều sinh hoạt văn hóa cổ truyền dần được khôi phục. Từ 2014 đến nay, đền Khai Long trở thành một trong những trung tâm hoạt động văn hóa của xã Tân Sơn góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh tích cực góp phần thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở địa phương.
Bài, ảnh: Trí Dương
TIN LIÊN QUAN