Đến năm 2020, tỉnh Nghệ An có 477 chợ

17/02/2016 16:16

(Baonghean.vn) - Chiều 17/2, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Xuân Đại, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến vào Đề án phát triển chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2025. Cùng dự có đại diện các Sở Công thương, NN &PTNT, Tài chính, Kế hoạch & ĐT…

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Hiện toàn tỉnh có 405 chợ đang hoạt động, trong đó chợ hạng 3 là 244 chợ, chiếm đến 59,75%. Số chợ kiên cố 154, 133 bán kiên cố, 118 chợ tạm. Tổng diện tích đất chợ toàn tỉnh 210ha, diện tích trung bình mỗi chợ hơn 2.200 m2. Về phân bố mạng lưới chợ theo hai cách, đó là phân bố chợ theo tự nhiên và phân bố theo dân số. Loại hình hàng hóa lưu thông qua chợ hiện nay gồm: thực phẩm tươi sống, tạp hóa, nông sản, khô và sơ chế và sản phẩm của hộ sản xuất nhỏ.

Từ năm 2011- 2015 trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng102 chợ, với tổng số vốn 200 tỷ đồng.

Lãnh đạo sở Công thương báo cáo
Đồng chí Hoàng Văn Tám - Giám đốc sở Công thương báo cáo hoạt động các chợ.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 16 chợ được chuyển đổi mô hình quản lý, trong đó có 7 chợ do HTX quản lý và 9 chợ do doanh nghiệp quản lý, chiếm 4% tổng số chợ đang hoạt động trên địa bàn. Đây chính là kết quả đạt được bước đầu, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, giao thương buôn bán của người dân các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả đạt được, thì việc huy động nguồn vốn xã hội hóa vào xây dựng chợ chưa cao. Một số chợ hoạt động không có hiệu quả, ở miền núi vùng sâu công tác quản lý chợ còn nhiều hạn chế và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chưa được quan tâm đúng mức.

Theo đề án phát triển chợ giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025 do sở Công thương trình bày, đến năm 2020 toàn tỉnh có 477 chợ, trong đó có 22 chợ hạng 1, 64 chợ hạng 2, 358 chợ hạng 3. Trên cơ sở giữ nguyên 175 chợ, dự kiến xây mới 169 chợ (xây trên nền chợ tạm là 97 và phát triển thêm 72 chợ) và dự kiến cải tạo, nâng cấp, mở rộng 133 chợ. Đến năm 2025 toàn tỉnh có 535 chợ, dự kiến toàn tỉnh chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh thêm 31 chợ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại phát biểu kết luận tại cuộc họp
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại phát biểu kết luận tại cuộc họp.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý của các thành viên tham dự cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Đề án phát triển chợ là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân, và trên cơ sở đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và cả tỉnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải đảm bảo được sự phát triển chợ theo hướng văn minh, kết hợp yếu tố truyền thống với hiện đại và có sự tham gia của các thành phần kinh tế; Đa dạng các loại hình tổ chức phân phối cũng như phong phú trong hoạt động dịch vụ, phương thức kinh doanh.

Hộ kinh doanh bánh kẹo tại chợ Vinh
Kinh doanh bánh kẹo tại chợ Vinh.

Về giải pháp thực hiện đề án, việc đầu tư xây dựng chợ nhất thiết phải thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt, có cơ chế chính sách ưu đãi về mức thu phí, lệ phí, thuế nhằm thu hút thương nhân vào đầu tư quản lý kinh doanh chợ. Để đề án thực hiện thành công, cần chú trọng các giải pháp về nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực, môi trường, chuyển đổi mô hình quản lý chợ, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống chợ…Trên cơ sở ý kiến các sở ngành, Sở Công thương cần bổ sung hoàn thiện để UBND tỉnh thông qua đề án trong thời gian tới.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đến năm 2020, tỉnh Nghệ An có 477 chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO