Xã hội

Điều đặc biệt ở Giáo xứ Bảo Nham

Diệp Thanh 24/12/2024 10:05

Giáo xứ Bảo Nham (xã Bảo Thành, huyện Yên Thành) không chỉ nổi tiếng bởi công trình nhà thờ bằng đá nguyên khối độc đáo, uy nghiêm. Đến với Bảo Nham, du khách dễ dàng cảm nhận được đức tin thiêng liêng trong mỗi con người, sự đoàn kết trong cộng đồng giáo dân. Những yếu tố đó làm nên một miền quê thiện lành, đáng sống.

Nơi khởi nguồn của đức tin

Nhà thờ đá Bảo Nham Ảnh Diệp Thanh
Nhà thờ đá Bảo Nham. Ảnh: Diệp Thanh

Lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh tại Nhà thờ đá Bảo Nham, một nghi thức thiêng liêng, diễn ra khoảng 2 tháng 1 lần. Buổi lễ bắt đầu từ 15 giờ chiều Chủ nhật, nhưng từ 14 giờ, những ông bố, bà mẹ trong trang phục sơ mi trắng chỉnh tề đã đưa các con của mình đến. Trong âm thanh rầm rì của tiếng cầu nguyện, những em bé sơ sinh nhỏ xíu mặc những bộ đồ trắng tinh khôi, ngủ ngon lành trong vòng tay bố mẹ. Đây là Thánh lễ đầu tiên trong đời của các em - nơi đức tin được gieo mầm và lớn dần trong mỗi tâm hồn.

Trong bầu không khí uy nghiêm, trang trọng của giáo đường, từng nghi thức được lần lượt thực hiện với sự xúc động của những người tham gia. Khi tên thánh của những đứa trẻ được Cha xứ xướng lên, khi nghi thức rửa tội, xức dầu, trao nến sáng được thực hiện, khoảnh khắc đó như dừng lại với thời gian. “Người dân Bảo Nham luôn tự hào về truyền thống quê hương và mong muốn được gắn bó mãi mãi với giáo xứ của mình” - Nguyễn Thị Kim Oanh (SN 2002), người được sinh ra và lớn lên ở Bảo Nham, chia sẻ.

Rửa tội cho trẻ tại nhà thờ Bảo Nham Ảnh Diệp Thanh
Rửa tội cho trẻ tại nhà thờ Bảo Nham. Ảnh: Diệp Thanh

Mong muốn gắn bó ấy được thể hiện trong mỗi hành động của người dân nơi đây. Chủ nhật hàng tuần, những người trẻ Giáo xứ Bảo Nham từ mọi ngả đường về cùng dọn dẹp vệ sinh quanh nhà thờ, cùng học giáo lý, cùng sinh hoạt cộng đồng, cùng tham gia các phong trào do Giáo xứ khởi xướng…

Giới thiệu về cộng đồng của mình, Nguyễn Thiện Tới (học sinh lớp 11) - Trưởng Đoàn thiếu nhi Thánh thệ Giáo xứ Bảo Nham chia sẻ: “Giáo xứ Bảo Nham có hơn 3.000 giáo dân và hơn 1/3 trong số đó là người trẻ, cùng sinh hoạt trong Đoàn thiếu nhi Thánh thệ, chia cấp khăn theo từng độ tuổi khác nhau. Đây không chỉ là cộng đồng để chúng em được học hỏi, trau dồi, rèn luyện bản thân mà còn là nơi những người trẻ tìm được môi trường lành mạnh để kết nối với nhau làm nên những điều ý nghĩa, sống tốt đời, đẹp đạo”.

Nghi thức rửa tội tại nhà thờ Bảo Nham Ảnh CSCC
Nghi thức rửa tội tại nhà thờ Bảo Nham. Ảnh: GXBN

Niềm tự hào của những người trẻ

“Em không thể diễn tả được niềm tự hào của mình về giáo xứ Bảo Nham. Dù đi đâu, làm gì, em cũng luôn hãnh diện để giới thiệu với mọi người rằng mình là người ở đây, rằng ở đây rất đẹp, rất bình yên, người dân lương thiện, mến khách… “ – Kim Oanh chia sẻ.

bna_uploaded-huythubna-2018_10_19-_bna_56154279_19102018.jpg
Hang đá ở lèn Bảo Nham được người dân tôn tạo làm nơi thờ Đức Mẹ. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Vẻ đẹp mà Oanh đang tự hào để nói về là điều dễ cảm nhận được với bất kỳ ai từng một lần đến nơi đây. Nhà thờ đá Bảo Nham không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn vang danh khắp cả nước. Thậm chí, Bảo Nham còn nhiều lần đón những đoàn khách nước ngoài đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Nhà thờ đá Bảo Nham được xây dựng hoàn toàn bằng đá nguyên khối. Xen kẽ vẻ đẹp uy nghiêm, vững chãi của những khối đá này là những chi tiết mềm mại, đường nét tinh xảo đầy nghệ thuật của những ô cửa tranh kính, những mái chóp, những hoa văn theo phong cách Gothic, vừa cổ điển, vừa bí ẩn, đầy mê hoặc.

Thánh lễ xưng tội rước lễ lần đầu cho các em Thiếu nhi trong xứ tại Lèn đá Bảo Nham Ảnh CSCC
Thánh lễ xưng tội rước lễ lần đầu cho các em thiếu nhi trong xứ tại Lèn đá Bảo Nham. Ảnh: GXBN

Nhắc đến quần thể nhà thờ đá Bảo Nham không thể không nhắc đến lèn đá Bảo Nham, nằm cách nhà thờ 200m. Nguyễn Thiện Tới giới thiệu: “Về Giáo xứ Bảo Nham mà chưa ghé thăm lèn thì chuyến đi không thể trọn vẹn. Chúng em được kể lại rằng, lèn đá có lịch sử từ năm 1885. Đến năm 1950, Lèn đá Lộ Đức Bảo Nham được khánh thành với nhiều công trình tiểu cảnh và những bức tượng dọc các bậc thang. Đến nay, lèn dần trở thành trung tâm hành hương của giáo phận Vinh và là điểm đến của đông đảo du khách yêu thích khám phá”.

Với đức tin và sự lương thiện được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ, những người trẻ như Oanh, như Tới còn tự hào về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của Giáo xứ mình. Điều này được minh chứng bởi sự chung tay, dốc lòng của toàn thể nhân dân trong các hoạt động của giáo hội, đặc biệt là các chương trình thiện nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt lương hay giáo.

Thiếu niên giáo xứ Bảo Nham vệ sinh nhà thờ chiều Chủ Nhật Ảnh Diệp Thanh
Thiếu niên giáo xứ Bảo Nham quét dọn, vệ sinh nhà thờ chiều Chủ nhật. Ảnh: Diệp Thanh

Gần đây nhất, trong đợt thiên tai lũ quét của miền Bắc, giáo xứ Bảo Nham không chỉ ủng hộ vật chất mà còn cầu nguyện cho bà con vùng lũ vượt qua khó khăn.

“Chúng em được dạy về lòng yêu nước, thương dân và luôn cầu nguyện cho đất nước Việt Nam bình an, cho nhân dân ấm no, cho thế giới được sống trong hoà bình…” – Oanh tự hào chia sẻ.

Cũng với niềm tự hào đó, Oanh kể về nhà thờ mới, về đường điện, về những công trình dân sinh do bà con giáo dân góp sức. Cô gái trẻ đang trong thời gian chờ đợi để đi du học ở Đức với nhiều cơ hội mới đang mở ra. Nhưng Oanh biết, và tất cả người thân của cô cũng biết, dù cuộc sống nơi xứ người có tuyệt vời như thế nào cũng sẽ không bao giờ sánh được với quê hương.

Trên địa bàn xã Bảo Thành, Bảo Nham luôn là giáo xứ đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính quyền địa phương, đảm bảo khối đoàn kết lương - giáo, ban hành giáo duy trì sự phối hợp chặt chẽ, mật thiết với đảng uỷ chính quyền, các ban ngành, đoàn thể. Chính sự mẫu mực của những người đứng đầu đã tạo nên một cộng đồng dân cư lương thiện, bình yên.

Ông Hồ Xuân Văn - Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thành, huyện Yên Thành

Mới nhất
x
Điều đặc biệt ở Giáo xứ Bảo Nham
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO