Điều kiện và hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

23/11/2017 06:08

Có 3 hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có hình thức giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện và hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Nhà nước không cấp thêm vốn

Theo quy định mới, các doanh nghiệp nhà nước, gồm: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước, Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Công ty TNHH một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa chuyển thành công ty TNHH một thành viên.

Một trong hai điều kiện để cổ phần hóa là doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Một trong hai điều kiện để cổ phần hóa là doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ngoài ra, Công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp cấp 2) được thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo đủ 2 điều kiện sau:

- Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.

- Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.

Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định rõ, các doanh nghiệp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì thực hiện như sau:

- Đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ của doanh nghiệp xây dựng phương án mua bán nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trường hợp phương án mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp không khả thi và hiệu quả thì chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.

- Các doanh nghiệp còn lại, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.

Nhà nước không cấp thêm vốn để cổ phần hoá, kể cả các doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục, phân loại doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa thuộc diện Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần.

3 hình thức cổ phần

Nghị định số 126/2017 cũng quy định 3 hình thức cổ phần hóa gồm:

- Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

- Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

- Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Theo VnEconomy

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Điều kiện và hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO