Điều tra vụ ruộng lúa bị kẻ xấu cắm đầy chông sắt ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Sau hành trình dài khởi kiện, lão nông ở huyện Thanh Chương đã được tòa án tuyên trả lại thửa ruộng mà theo ông đã cho những người hàng xóm mượn từ hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, khi nhận lại ruộng, ông rụng rời khi phát hiện dưới đó toàn chông sắt.

Kẻ nói cho mượn, người nói đã mua

Ngày 7/9, ông Đặng Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương) cho biết, cơ quan công an vẫn đang điều tra về việc hàng loạt chông sắt bị cắm dưới ruộng của người dân trên địa bàn. "Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo UBND huyện đã giao Công an huyện vào cuộc điều tra. Hiện nay, vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa có kết quả", ông Hạnh nói.

Trong khi đó, nhiều tháng nay, ông Nguyễn Như Sỹ (75 tuổi, xã Hạnh Lâm), vẫn chưa thể canh tác trên thửa ruộng của mình sau hành trình dài đòi lại. Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương đã tuyên thửa ruộng thuộc về ông Sỹ, nhưng khi gia đình đến nhận lại, tá hỏa khi phát hiện đầy rẫy chông nhọn được cắm dưới ruộng.

bna_a1.jpg
Chông sắt cắm dưới ruộng. Ảnh: Hiến Tùng

Theo ông Sỹ, năm 1994, gia đình ông được Nhà nước cấp 4 thửa đất ruộng 2 lúa ở đồng Văn Đình có tổng diện tích gần 1.700m2 và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1997. Đến năm 2001, ông Sỹ mang gia đình lên vùng núi cũng thuộc xã Hạnh Lâm để làm kinh tế mới. Vì thế, ông Sỹ cho gia đình 2 người hàng xóm là ông Lê Đình Khang mượn 2 sào đất và bà Mai Thị Lương mượn 1 sào đất ruộng để sản xuất. Mỗi sào đất mượn, những người này trả cho ông Sỹ 30.000 đồng, thời hạn mượn là 10 năm. Việc cho mượn chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ chứng minh. Sau đó, dù hết thời hạn 10 năm, nhưng do chưa cần đến nên gia đình ông Sỹ vẫn chưa đòi lại đất.

Giai đoạn 2012-2014, thực hiện chủ trương của Nhà nước về lăn đổi ruộng đất, 4 thửa ruộng của ông Sỹ này đã được lăn đổi thành 1 thửa ở vị trí khác, cũng với diện tích gần 1.700m2 và đã được UBND huyện Thanh Chương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2017, với thời hạn cấp là 50 năm, mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước. Sau đó, vì có nhu cầu sử dụng đất để trồng lúa, ông Sỹ đã trực tiếp đến gặp gia đình ông Lê Đình Khang và bà Mai Thị Lương để yêu cầu trả lại đất.

"Sau khi được huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, gia đình tôi đông người, lại nuôi người em gái tàn tật, rất cần đất để canh tác, tôi đã gặp 2 người mình cho mượn để đòi lại đất nhưng họ kiên quyết không trả", ông Sỹ nói.

Ông Sỹ sau đó phải làm đơn gửi chính quyền địa phương. UBND xã Hạnh Lâm đã rất nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng không có kết quả. Đi đòi đất suốt nhiều năm không được, ông Sỹ buộc phải làm đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương.

Trong khi đó, trình bày tại Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương, ông Lê Đình Khang cho hay, năm 2001, vợ chồng ông đã mua 2 sào ruộng của ông Sỹ với giá 600.000 đồng. “Ông Sỹ nói bán đất ruộng để đi làm kinh tế mới. Việc mua bán lúc đó chỉ có tôi và ông Sỹ, không có ai chứng kiến”, ông Khang nói và cho hay, khi thực hiện việc lăn đổi ruộng đất, ông đã đề nghị chính quyền địa phương cấp bìa đỏ đứng tên vợ chồng ông nhưng không được chấp nhận.

Tương tự ông Khang, bà Mai Thị Lương cho biết, thửa đất ruộng đó được chồng bà mua của ông Sỹ với giá 6,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mua đất không có giấy tờ chứng minh.

Trong khi đó, theo bản án của Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương, quá trình xác minh và ý kiến của các nguyên đơn, bị đơn tại phiên tòa cho thấy từ trước đến nay vợ chồng ông Sỹ chưa làm thủ tục chuyển nhượng hay cho, tặng bất kỳ ai về thửa đất này. Ngoài ra, các bị đơn không đưa ra được chứng cứ nào cho thấy đã mua đất, và chính các bị đơn cũng thừa nhận việc mua bán chỉ trao đổi bằng miệng, không có giấy tờ, chứng cứ. Vì vậy, tòa tuyên buộc 2 gia đình ông Khang và bà Lương phải trả lại thửa đất gần 1.700m2 cho gia đình ông Sỹ.

bna_a2.jpg
Thửa ruộng không thể canh tác mấy vụ qua. Ảnh: Hiến Tùng

Ruộng đầy chông sắt

Bản án của Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/7/2022. Tuy nhiên, 2 gia đình mượn đất không chịu trả, buộc ông Sỹ phải nhiều lần viết đơn khiếu nại đề nghị chính quyền địa phương giải quyết.

Đến ngày 30/12/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Chương cùng đại diện các phòng ban, UBND xã Hạnh Lâm lập đoàn cưỡng chế trả lại quyền sử dụng đất cho ông Sỹ. Tuy nhiên, đại diện gia đình ông Khang có mặt ở buổi cưỡng chế nhưng không ký vào biên bản. Còn gia đình bà Lương đã đồng ý trả lại cho gia đình ông Sỹ hơn 522m2 đất.

Theo ông Sỹ, sau khi cán bộ thi hành án về đọc lệnh cưỡng chế trả lại đất, gia đình ông xuống làm đất thì mới phát hiện dưới ruộng có hàng chục chiếc chông sắt. Sau đó, ông Sỹ có đơn đề nghị lên cơ quan chức năng làm rõ việc ai là người cắm chông sắt xuống ruộng, ngăn gia đình trồng lúa hay không? "Đất chỗ này là bờ xôi ruộng mật, gia đình tôi muốn sản xuất nhưng đành bỏ hoang 2 mùa vụ qua vì chưa tìm ra được người phá hoại", ông Sỹ bức xúc.

Ông Lê Đình Gấm - Xóm trưởng xóm 6, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương cho biết, trong thời gian công an điều tra vụ việc chưa có kết quả, gia đình ông Sỹ đã phải bỏ hoang ruộng 2 mùa vụ qua."Người dân trong xóm rất bất bình chưa tìm ra được người phá hoại, vì lẽ ra thửa ruộng màu mỡ này phải được canh tác, đảm bảo thời vụ chứ không để hoang, cỏ mọc tốt như thế này", ông Gấm nói.

bna_a3.jpg
Ông Sỹ cầm trên tay bản án của Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương. Ảnh: Hiến Tùng

Còn Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm cho biết, việc tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Sỹ và hai hộ dân khác diễn ra nhiều năm. Địa phương đã nhiều lần mời các gia đình lên hòa giải nhưng bất thành. Hiện vụ việc đã được Tòa án nhân dân huyện thụ lý, xử án và đã thi hành án, trả lại đất cho ông Sỹ. Đến khoảng tháng 2/2023, sau khi gia đình ông Nguyễn Như Sỹ trình báo với địa phương về nghi có kẻ gian cắm chông ở ruộng, công an đã về thực địa, tổ chức dùng máy rà sắt và lấy lên được 7-8 chiếc cọc sắt được chôn ở ruộng./.

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.