Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thi đua - Khen thưởng
(Baonghean.vn) - Tham gia góp ý dự thảo Luật Thi đua - Khen thưởng, nhiều ý kiến đề xuất cần quan tâm khen thưởng công nhân, nông dân, đồng thời nâng tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua - khen thưởng để đảm bảo chất lượng hơn.
Để chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi). Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Ảnh: Mai Hoa |
Luật Thi đua - Khen thưởng được đề xuất sửa đổi lần này gồm 8 chương, 98 điều.
Bao gồm những quy định chung; tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể trong thi đua và khen thưởng; thẩm quyền quyết định, trao tặng, thủ tục, hồ sơ xét đề nghị danh hiệu thi đua - khen thưởng; quản lý Nhà nước về công tác thi đua - khen thưởng; xử lý vi phạm về thi đua - khen thưởng.
Tham gia góp ý vào dự thảo luật, bên cạnh cơ bản đồng tình cao về bố cục các chương, điều, nội dung được xây dựng; nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nêu lên một số bất cập và đề xuất cần bổ sung vào dự thảo.
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề xuất cần quy định một số nguyên tắc cụ thể trong dự thảo luật và soi chiếu với các luật hiện hành để tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Ảnh: Mai Hoa |
Vấn đề đáng quan tâm nhất là cần gắn, tích hợp các luật, nghị định hiện hành vào dự thảo luật để tránh mâu thuẫn với các luật hiện hành, đồng thời dễ thực hiện trong thực tiễn.
Mặt khác, để khắc phục tình trạng có khen, nhưng không thưởng thì cần quy định rõ nguyên tắc, cấp nào khen thì cấp đó thưởng.
Một số ý kiến cũng đề xuất, dự thảo cần có quy định về tuyến trình khen thưởng đối với công nhân, nông dân thật cụ thể nhằm khắc phục thực tiễn tồn tại lâu nay các danh hiệu thi đua, khen thưởng chủ yếu tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức...
Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Hay cần có quy định cụ thể thẩm quyền khen thưởng trong hệ thống trường học tư thục. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần nâng tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua, trong đó có danh hiệu các huân chương, tránh tình trạng “mưa” huân chương sau khi luật ban hành có hiệu lực.
Một số ý kiến cũng chỉ ra bất cập về quy định tiêu chuẩn danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”, theo dự thảo phải đảm bảo có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao là không phù hợp cần điều chỉnh lại, bởi không thể một cá nhân nhỏ ảnh hưởng đến một tập thể xứng đáng xuất sắc…
Đại diện Công an tỉnh tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Về quy định danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” phải có sáng kiến hoặc để tài, đề án khoa học đã được áp dụng hiệu quả, "có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc" là không phù hợp mà cần thay bằng cụm từ là "có khả năng nhân rộng trên phạm vi toàn quốc".
Ngoài ra, các ý kiến cũng tham gia góp ý nhiều vào câu chữ trong dự thảo luận để đảm bảo chính xác, chặt chẽ và đầy đủ về ngữ nghĩa của luật.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định, các ý kiến tham gia góp ý tại hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng luật của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tới. Ảnh: Mai Hoa |
Trên cơ sở ý kiến thảo luận, đề xuất các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, nghiên cứu và lựa chọn để tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng luật của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10/2021.